Vĩnh Long phát triển du lịch làng nghề gắn với đồng bào dân tộc thiểu số

Tỉnh Vĩnh Long tập trung phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Vĩnh Long được biết đến là tỉnh thuộc trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long và là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống, trong đó có những làng nghề tồn tại hàng trăm năm, mang dấu ấn văn hóa truyền thống đặc trưng của các dân tộc vùng Nam bộ xưa.

Vĩnh Long phát triển du lịch làng nghề gắn với đồng bào dân tộc thiểu số
Nghề làm cốm truyền thống ở Vĩnh Long phục vụ du khách

Những năm qua, tỉnh Vĩnh Long xác định các làng nghề truyền thống là một trong những lợi thế để phát triển kinh tế du lịch cho người dân địa phương, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu.

Có thể kể tới các làng nghề truyền thống được hình thành từ rất lâu như xóm nghề chằm nón lá, làm gạch, đan rổ tre, sản xuất hủ tiếu, bún, tàu hũ ky... Đáng chú ý, nhiều sản phẩm đặc trưng làng nghề của đồng bào các dân tộc thiểu số đã tạo điểm nhấn cho làng nghề; và nhiều hộ gia đình gắn bó, truyền nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác mà trong đó lực lượng chủ lực là phụ nữ.

Trong số này, làng nghề truyền thống chằm nón (khóm 6, thị Trấn Long Hồ) được duy trì lâu đời và hầu hết phụ nữ tại làng tranh thủ thời gian nông nhàn để chằm nón, có thêm thu nhập. Nhiều người mong ước, nếu làng nghề được chính quyền, đơn vị chuyên ngành quan tâm, kết hợp với phát triển du lịch sẽ có ý nghĩa rất lớn, vừa hỗ trợ kinh tế, vừa góp phần quảng bá làng nghề đến du khách gần xa, và như vậy nghề chằm nón lá mới không bị mai một.

Theo ông Phan Văn Giàu - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, để trợ lực cho ngành du lịch của địa phương phát triển tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh. Nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch, triển khai thực hiện các đề án về phát triển du lịch như: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch đến năm 2025”, “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Vĩnh Long”, “Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, “Di sản đương đại Mang Thít”...

Với đề án phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long kỳ vọng du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Việc triển khai Đề án cũng sẽ tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương tham gia. Bởi Đề án cũng chú trọng đến đào tạo nghề cho lao động là người dân tộc thiểu số, tạo mọi điều kiện để đồng bào có cơ hội tham gia trực tiếp vào các làng nghề truyền thống để phát huy được hết giá trị của ngành nghề đặc thù.

Mục tiêu thu hút lượng khách du lịch đến Vĩnh Long từ nay đến năm 2025 tăng trung bình 9%/năm, doanh thu tăng bình quân 25%/năm; giai đoạn 2026 – 2030 lượng khách tăng trung bình tăng 10%/ hàng năm, doanh thu tăng bình quân 30%/năm. Đặc biệt việc phát triển làng nghề truyền thống và sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số đã được quan tâm, xây dựng trong quy hoạch phát triển du lịch, gắn với bảo tồn văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương.

Nhiều hộ dân tại các làng nghề truyền thống ở Vĩnh Long chia sẻ rằng, lúc đầu làm các sản phẩm truyền thống để bán cho bà con trong xóm, thời gian gần đây được Nhà nước đưa vào hệ thống làng nghề phục vụ khách du lịch, so với việc làm để bán ra thị trường, thì làm để phục vụ du lịch khỏe hơn, thu nhập cũng cao hơn.
 
Tác giả: Thanh Thanh
Nguồn: https://congthuong.vn/vinh-long-phat-trien-du-lich-lang-nghe-gan-voi-dong-bao-dan-toc-thieu-so-246430.html
Tin liên quan