Ông Đinh Văn Dũng. |
Chư Prông là huyện biên giới, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, những năm qua, Huyện ủy đề ra nghị quyết, chỉ đạo UBND huyện tập trung phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Bên cạnh đó, huyện có nhiều chủ trương, chính sách thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, chế biến các mặt hàng liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, huyện đã thực hiện các chính sách giảm tiền thuê đất, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, rút gọn các thủ tục hành chính để thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, huyện xác định phát triển sản xuất nông nghiệp giữ vai trò quan trọng, là “trụ đỡ” đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Vì vậy, từ năm 2016, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề “Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn”. Nghị quyết này cũng xác định sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao là hướng đi chủ đạo nhằm nâng cao chất lượng, giá trị các mặt hàng nông sản, cải thiện đời sống người dân.
Nhờ triển khai tốt các chủ trương, giải pháp thu hút đầu tư, trong giai đoạn 2016-2019, huyện có 16 dự án đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó 9 dự án liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có hơn 200 dự án, mô hình đã được các tổ chức, cá nhân đăng ký và triển khai với số vốn hơn 500 tỷ đồng.
Hiện nay, huyện đã ban hành danh mục 10 dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Nhờ làm tốt công tác xúc tiến đầu tư nên đã có 10 doanh nghiệp đăng ký khảo sát và đầu tư với quy mô gần 1.900 ha đất trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gần 200 ngàn con heo, bò các loại; tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Để hướng đến mục tiêu trở thành vùng chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, UBND huyện Chư Prông đã đầu tư hàng chục tỷ đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Cùng với đó, huyện tạo dựng các mối quan hệ hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, giữa nông dân với nhau.
Theo đó, doanh nghiệp hợp tác cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; nông dân liên kết với nhau để sản xuất cùng loại mặt hàng, tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn chất lượng. Hiện có gần 1.400 ha cây trồng các loại áp dụng tưới tiết kiệm và sản xuất theo quy trình VietGAP. Đây chính là tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân hoặc hợp tác xã nhằm đa dạng hóa mặt hàng nông nghiệp, đảm bảo chất lượng cao.
Mô hình trồng măng tây theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Chư Prông. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, trong năm 2020, huyện đã triển khai dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị tại 19 xã với tổng kinh phí hơn 2,6 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương hơn 1,8 tỷ đồng, vốn đóng góp của nhân dân hơn 760 triệu đồng. Dự án có sự tham gia của 935 hộ với tổng diện tích gần 1.000 ha, gồm hơn 476 ha cà phê, hơn 20 ha điều và hơn 430 ha lúa. Cùng với đó, Chư Prông đã triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng.
Hiện nay, Tập đoàn Trường Hải đã triển khai dự án nuôi bò và trồng cây ăn quả ở xã Ia Púch. Đây là một trong những dự án nông nghiệp lớn nhất tỉnh cho đến thời điểm này. Theo đó, Tập đoàn sẽ trồng 860 ha cỏ để nuôi hơn 25.000 con bò Mỹ và trồng hơn 560 ha cây ăn quả. Khi đi vào hoạt động, dự án này sẽ giải quyết việc làm cho hơn 700 lao động tại chỗ.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Hòa Phát Ba đã triển khai dự án “Chăn nuôi heo Hòa Phát Ba” tại xã Ia Lâu. Trên diện tích hơn 100 ha, công ty này dự kiến xây dựng 1 trang trại nuôi heo nái, 3 trang trại nuôi heo thịt với quy mô gần 80 ngàn con. Ngoài ra, một số tập đoàn, công ty lớn như: FLC, Hoàn Cầu, Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức cũng đang khảo sát đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao, khu phức hợp nông nghiệp tại xã Ia Mơr.
Thị trấn Chư Prông nhìn từ trên cao. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Với tiềm năng thế mạnh hiện có, huyện Chư Prông luôn trải thảm đỏ để thu hút các nhà đầu tư, sẵn sàng tạo điều kiện, có cơ chế riêng để hỗ trợ triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Mỗi năm, huyện đều tổ chức 2 lần gặp mặt và đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn phát triển ổn định.
Định hướng chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) cũng đã xác định nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi chủ đạo để phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Đây chính là “kim chỉ nam” và mục tiêu quan trọng trong năm 2021 mà huyện sẽ tập trung thực hiện.
ĐINH VĂN DŨNG
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy