Đẩy mạnh xây dựng NTM nâng cao, Gia Lâm sớm lên quận

Gia Lâm là huyện ven đô, kề cận với nội thành Hà Nội, vì vậy, đời sống người dân nông thôn khá ổn định. Đặc biệt là việc phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch chung.

a1.JPG

Sản xuất rau mầm tại gia đình chị Toan.

 Rau mầm thu 40 triệu đồng/tháng

Chị Đoàn Thị Toan (thôn 2, xã Đình Xuyên) cho biết, hai vợ chồng chị đều tốt nghiêp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nên rất gắn bó với đồng ruộng. Chồng chị, hiện đang là quản lý của một công ty thuốc BVTV, thuộc Dự án nông nghiệp của tổ chức phi Chính phủ Nhật Bản tại Việt Nam. Còn chị, trồng rau sạch từ năm 2013 đến nay.

Chị trồng các loại rau mầm như: củ cải đỏ, củ cải trắng; rau muống, rau mầm hướng dương; giá đỗ xanh, đậu nành. Đầu ra là trên 20 cửa hàng rau sạch ở nội thành Hà Nội. Bình quân mỗi ngày trước dịch Covid - 19 tái bùng phát (trước 30/4), gia đình cung cấp cho nội thành 50 - 100kg rau mầm các loại; giá trung bình 50.000 - 70.000 đồng/kg. Từ sau 30/4 đến cuối tháng 7, giá chỉ còn 40.000 đồng/kg. Hiện, đang giãn cách xã hội, gia đình chị chỉ sản xuất cầm chừng, đầu ra là các hộ dân quanh vùng.

“Để quản lý khu trồng rau nói trên, vợ chồng chị thuê thêm 2 lao động, với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Trừ chi phí, gia đình thu lãi 40 triệu đồng/tháng. Dự kiến, khi cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất rau mầm, vì đây loại rau cao cấp, tốt cho sức khoẻ và đầu ra ổn định”, chị Toan cho biết.

a2.JPG

Ruộng rau trong nhà lưới của gia đình chị Nguyễn Thị Hiếu, thành viên HTX Đặng Xá.

Cũng như chị Toan, chị Nguyễn Thị Hiếu (thôn Hoàng Long, xã Đặng Xá), thành viên HTX Đặng Xá (gồm 20 thành viên), cho biết: Khi chưa vào HTX, sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, không bài bản và đầu ra bấp bênh. 5 năm nay, khi HTX kiểu mới thành lập, gia đình đã tham gia, với diện tích trên 1.000m2, chủ yếu canh tác các loại rau ăn lá theo mùa vụ như: rau cải, rau giền, mồng tơi, rau đay; su hào, bắp cải, súp lơ, mùa nào thức ấy.

Gia đình chị Hiếu làm nhà phủ nylon từ năm 2018 đến nay, và hoàn toàn tuân thủ theo quy trình sản xuất rau sạch. Chủ yếu dùng phân hữu cơ do HTX cung cấp; nguồn nước tưới từ giếng khoan (sâu 80m) tại vườn, đảm bảo an toàn.

Bình quân, một năm gia đình chị Hiếu thu hoạch 12 lứa rau, mỗi lứa thu khoảng 1 tấn. Trước đây, HTX thu mua và chuyển cho các bếp ăn ở nội thành Hà Nội. Từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các thành viên phải tự tiêu thụ, sản lượng, giá cả cũng giảm mạnh.  

“Khi  HTX thu mua, giá ổn định 10.000 - 12.000 đồng/kg rau. Nay đi bán lẻ tại các chợ đầu mối, chỉ được 6.000 -7.000 đồng/kg. Mặt khác, ngoài khó khăn về dịch, năm nay còn ảnh hưởng thời tiết nắng hạn, đơn cử như từ tháng 5-6 đến nay, chỉ thu được mỗi tháng vài tạ rau”, chị Hiếu chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, bà Kiều Thị Hoa, chuyên viên phụ trách công tác XDNTM Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm, cho biết: “Thời gian qua, XDNTM nâng cao đã từng bước thay đổi diện mạo địa phương theo hướng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý. Mặt khác, nhờ gắn bó chặt chẽ giữa nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị, dân trí địa phương ngày càng nâng cao; môi trường sinh thái được bảo vệ, góp phần quan trọng trong nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người  dân, giúp giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, ổn định chính trị, trật tự xã hội, quốc phòng, an ninh khu vực nông thôn được giữ vững”.

Sớm đưa Gia Lâm lên quận

Tính đến hết năm 2020, huyện Gia Lâm có 04 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Phù Đổng, Yên Viên, Bát Tràng, Dương Xá). Dự kiến, năm 2021 sẽ thêm 03 xã về đích NTM nâng cao: Cổ Bi, Đình Xuyên, Đặng Xá.

Bà Hoa cho biết thêm, Phòng Kinh tế đã tham mưu cho UBND huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các xã trong quá trình thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch của huyện. Định kỳ 1 quý/lần đưa nội dung XDNTM vào hội nghị giao ban cụm, để yêu cầu các xã tập trung thực hiện. Từng bước đưa Gia Lâm trở thành quận giai đoạn 2021-2025".

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Hà Nội, cho biết: Gia Lâm cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân đồng thuận, chung tay xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Mặt khác, cần nâng mức các tiêu chí đã đạt, hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt. Xây dựng hệ thống đường giao thông trục thôn, liên thôn –xã, hệ thống thoát nước, hè đường, cây xanh; chỉnh trang các tuyến đường nội đồng; xây dựng nhà văn hóa thôn. Hoàn thiện các tiêu chí giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.

“Gia Lâm cần tận dụng tối đa nguồn lao động sẵn có để tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người dân.  Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa đối với những sản phẩm chủ lực của xã”,  ông Chí nói.

Gia Lâm đang triển khai kế hoạch an toàn thực phẩm năm 2021, thanh kiểm tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, phấn đấu 85% người sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hành đúng về an toàn thực phẩm. Tuyên truyền để người dân tin tưởng và thực hiện chăm sóc sức khỏe theo mô hình bác sỹ gia đình. Rà soát, đánh giá tỷ lệ người dân được chăm sóc từ mô hình này.

Phấn đấu hết năm 2023, cả 20/20 xã của Gia Lâm hoàn thành NTM nâng cao, làm tiền đề để Gia Lâm lên quận trong thời gian dự kiến.

 

 

 

Tác giả: Yên Như
Nguồn: https://kinhtenongthon.vn/day-manh-xay-dung-ntm-nang-cao-gia-lam-som-len-quan-post45280.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật