Mùa thu hái “lộc rừng” ở Bà Rà

Sau những ngày mưa thẫm đất, gia đình anh Triệu Lục Liên lại nắm cơm, mang nước kéo nhau lên rừng. Hơn 2ha rừng của gia đình ngoài trồng keo thì phần lớn là trồng bương, vầu để lấy măng. Theo ước tính, vụ măng năm nay gia đình anh có thêm nguồn thu hàng chục triệu đồng...

Mỗi ngày gia đình anh Phùng Dũng Bình thu mua của người dân xóm Bà Rà cả tấn măng tươi.

Uống ngụm nước suối, ăn cây măng để gắn bó với núi rừng

Theo anh Lý Sinh Thế, Trưởng xóm Bà Rà, xã Hùng Sơn (Kim Bôi), cả xóm hiện có hơn 90 hộ với hơn 400 nhân khẩu. Ngoài chăn nuôi, trồng cấy, sản xuất nông nghiệp, đồng bào dân tộc Dao ở bản Bà Rà còn có thêm nghề rừng. Trong đó, nhiều hộ vẫn duy trì được diện tích trồng bương, vầu để tăng thêm thu nhập. Ngoài khai thác chặt tỉa cây bán để làm cột chống, đan lát đồ dùng, hàng năm các hộ đều có thêm nguồn thu từ khai thác măng. Nhà ít thì 5 - 10 triệu đồng/vụ, nhà nhiều lên tới hàng chục triệu đồng. Tuy không nhiều, nhưng cũng thêm nguồn thu nhập cho người dân lúc nông nhàn.

Theo đó, khi những cơn mưa rào xuất hiện cũng là lúc mầm măng vươn mình nhú lên khỏi mặt đất. Đây là thời điểm Bà Rà bước vào mùa thu hoạch măng. Theo ông Triệu Xuân Kin - một người cao tuổi ở Bà Rà, cũng như nhiều nơi, người dân nơi đây gắn bó với cây măng rừng bao đời nay. Với người dân, uống ngụm nước suối, ăn cây măng là để gắn bó với núi, với rừng. Thế nên, mỗi khi mùa măng về người dân gác lại công việc nương rẫy, đồng áng để lên rừng tìm hái, đào những củ măng tươi về sử dụng và đem bán kiếm thêm thu nhập.

Do có khí hậu mát mẻ quanh năm, thổ nhưỡng phì nhiêu nên cây măng ở Bà Rà thường có củ to, trắng, giòn. Có những củ lên tới 2 - 3kg, được tiểu thương rất ưa chuộng. Nhất là các cơ sở chế biến làm măng ngâm ớt hay chế biến thành sản phẩm măng đóng gói bán tại siêu thị hoặc các gia đình mua về phơi làm măng khô (măng lưỡi lợn) - thứ sản vật của núi rừng Hòa Bình rất được ưa chuộng.

Anh Phùng Dũng Bình là chủ đầu mối thu mua măng cho người dân ở xóm Bà Rà cho biết, vào mùa, mỗi ngày gia đình anh thu mua hàng tấn măng củ tươi. Hiện là thời điểm giữa vụ nên giá măng dao động từ 12 - 15 nghìn đồng/kg. Với sản lượng thu mua lên tới cả tấn mỗi ngày thì tính ra bình quân 1 người dân đi làm măng cũng kiếm được 500 nghìn đồng cho đến 1 triệu đồng/ngày. So với mức sống bình quân của người dân trong xã thì đây là mức thu nhập khá cao, nhất là vào thời điểm nông nhàn.

Theo Trưởng xóm Bà Rà Lý Sinh Thế, nhận thấy việc trồng các loại cây bương, vầu có giá trị và thu nhập ổn định, trồng 1 lần nhưng lại được thu hoạch trong nhiều năm nên thời gian qua, một số hộ dân trong xóm đã tự liên hệ và thuê đất ở các xã lân cận để trồng bương, vầu. Nhờ vậy, hàng năm có thêm nguồn thu hàng chục triệu đồng từ măng và bán cây như gia đình các anh Phùng Xuân Thành, Triệu Xuân Vinh...

Trở thành sản vật được chắp cánh vươn xa

Măng không chỉ là hàng hóa, nông sản được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ rộng rãi. Cùng với các địa phương khác, măng của Bà Rà đã trở thành sản phẩm được chắp cánh bay xa.

Theo anh Phùng Dũng Bình, sau khi thu mua của người dân và được sơ chế cẩn thận, sản phẩm măng đều được xuất bán cho Công ty cổ phần măng Kim Bôi (thị trấn Ba Hàng Đồi, Lạc Thủy) để chế biến thành các sản phẩm có chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm măng tươi đóng gói, măng ớt muối chua của công ty lọt vào top "20 hàng Việt tốt vì quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam” năm 2023. Sản phẩm của công ty không chỉ có mặt ở khắp các siêu thị, sàn thương mại điện tử mà còn xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới. Trong đó, sản phẩm đặc trưng là măng Kim Bôi đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh, xuất khẩu đi các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Đức, Anh và một số nước Đông Âu.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, năm 2023 toàn tỉnh đã thu hoạch khoảng 5 triệu cây tre, luồng các loại và trên 8.253 tấn măng, mang lại nguồn thu trên 136,3 tỷ đồng. Sản phẩm cây tre, luồng các loại đã trở thành nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến cũng như gia dụng, thủ công mỹ nghệ phục vụ trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp thu mua chế biến các sản phẩm cây tre, luồng để phục vụ xuất khẩu. Trong đó, có 1 doanh nghiệp chế biến sản phẩm cây tre, luồng có quy mô lớn nhất Việt Nam đặt tại huyện Mai Châu. Bên cạnh thu hoạch cây thì việc thu hoạch măng cũng diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh. Sau khi khai thác, măng được bán cho các chợ đầu mối để phân phối đến người tiêu dùng ở các tỉnh và cho các nhà máy chế biến.

Từ việc đẩy mạnh các sản phẩm từ tre, luồng đã trở thành nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến, sản xuất. Nhờ đó, trong năm 2023 giá trị hàng hóa của các sản phẩm tre, luồng trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt trên 50 tỷ đồng. Trong đó, giá trị xuất khẩu trên 29 tỷ đồng; giá trị sản xuất, tiêu thụ nội địa gần 22 tỷ đồng. Với sự tập trung đầu tư cũng như thúc đẩy phát triển, thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở chế biến măng và các sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao từ các loại bương, tre, luồng... đây được xem là cơ hội cho nhiều hộ gia đình, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thay đổi cuộc sống.

Mạnh Hùng
 

 

 

Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/12/192285/Mua-thu-hai-loc-rung-o-Ba-Ra.htm
Tin liên quan