Mấy năm gần đây, vườn cam của vợ chồng bà Nguyễn Thị Hiền ở xóm Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong luôn xanh tốt, sai quả và được giá. Đó là thành quả của việc trồng cam theo hướng hữu cơ.
![](http://baohoabinh.com.vn/Includes/NewsImg/2_2025/198264_1-afce771534508b0ed241.jpg)
Sau khi chuyển sang chăm sóc cam theo hướng hữu cơ, vườn cam của gia đình bà Nguyễn Thị Hiền, xóm Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong luôn được giá.
Đầu năm 2010, sau khi nghỉ hưu, bà Hiền trồng 1ha cây ăn quả, gồm cam Canh, cam tròn và một ít bưởi Diễn. Những năm đầu bà chăm sóc cam theo cách phổ thông, sử dụng phân bón vô cơ là chính. Cách này vừa nhanh, tiện và cho năng suất cao trong thời gian ngắn. Trong phòng trừ sâu bệnh bà còn dùng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, mỗi lần phun thuốc rất tốn công và ảnh hưởng đến sức khoẻ. Sau vài năm vợ chồng bà tìm đủ cách phòng, chống bệnh cho vườn cam mà dịch bệnh vẫn xảy ra, đất ngày càng chai cứng, năng suất kém.
Trước tình trạng này, bà tìm hiểu nhiều cách chăm sóc cây cam theo hướng hữu cơ và bàn với chồng chuyển hướng sang canh tác hữu cơ. Đây là hướng đi bền vững bảo vệ đất, bảo vệ cây trồng lâu dài. Qua phương tiện thông tin đại chúng, bà Hiền tìm được chế phẩm sinh học Humic để bảo vệ vườn cam. Năm đầu bà không dùng thuốc trừ sâu, không dùng phân vô cơ, vườn cam vốn yếu sau thời gian chăm sóc bằng phân bón vô cơ. Để thay thế phân vô cơ, ông bà đã bón phân chuồng ủ hoại mục cho vườn cam. Ngoài ra, mỗi năm bà mua mấy trăm bao trấu để bón cho cam. Cỏ trong vườn trước đây bà thường phát sạch sẽ, sau chỉ những ngày thu hoạch bà mới phát cỏ. Kiên trì với cách làm này, vườn cam của gia đình bà dần hồi sinh. Cây cam phát triển tốt, sai quả.
Thăm vườn cam của gia đình bà Hiền, điều dễ nhận thấy là môi trường trong vườn trong lành. Nhiều loài thiên địch của sâu bệnh trên cây cam được hoạt động mạnh. Từng hàng cam xanh mướt, khoẻ mạnh và sai quả. Phía dưới tán cây cỏ mọc xanh tốt, tạo thành lớp phủ bì rộng bao trọn mặt đất. Xen kẽ trong lớp cỏ là những đụn đất giun đùn phủ kín thảm thực vật.
Đưa tôi đi thăm vườn, bà Hiền chia sẻ: Thường gia đình không phát cỏ. Chúng mọc ngang đầu gối, choán hết cả lối đi. Mỗi năm vào vụ thu hoạch tôi mới phát cỏ để đi lại cho thuận tiện. Trước đây, khi chưa chăm sóc cam theo hướng hữu cơ, tôi luôn phát sạch cỏ trong vườn. Nhưng từ khi làm hữu cơ, tôi nhận ra cỏ có nhiều tác dụng giúp vườn cây cân bằng được hệ sinh thái. Cỏ giữ nước, giữ đất, cải tạo đất, tạo ra môi trường lý tưởng cho nhiều loại côn trùng có ích cùng sinh sống. Do giữ được độ ẩm tốt trong vườn nên ít khi tôi phải tưới cam.
Đi trên mặt đất tựa như đi trên thảm bởi suốt mấy năm qua, nhờ cách bón phân hữu cơ mà đất trong vườn luôn tươi xốp. Theo bà Hiền, vườn cam của gia đình bà thực hiện theo phương châm 5 không: Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng thuốc diệt cỏ, không bón phân vô cơ, không dùng chất kích thích tăng trưởng và không dùng chất bảo quản. Nhờ vậy chất lượng quả cam luôn đảm bảo, hương vị thơm ngon, mỗi năm vườn thu được từ 15 - 25 tấn cam. Từ khi chuyển sang chăm sóc vườn theo hướng hữu cơ, vợ chồng bà Hiền không còn vất vả như trước. Sau mỗi năm cây cam phát triển, chống chọi với bệnh tật tốt. Cũng từ ngày chăm sóc vườn theo hướng hữu cơ, một đơn vị phân phối sản phẩm ở Hà Tĩnh đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Giá cam luôn cao hơn giá thị trường từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Việt Lâm