Tập trung nâng cao chất lượng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, năm nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 28.000ha vải thiều, sản lượng ước đạt 180 nghìn tấn. Trong đó, hơn 200ha vải xuất khẩu sang Nhật Bản với 30 mã vùng; 218ha xuất khẩu sang Hoa Kỳ, châu Âu (EU) với 18 mã vùng và 15.867ha xuất khẩu sang Trung Quốc gồm 149 mã vùng.
Vải thiều Bắc Giang được đánh giá có chất lượng tốt |
“Tất cả diện tích này đều được hướng dẫn, kiểm soát quá trình chăm sóc và làm truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, để chủ động nguồn hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, ngay từ đầu năm đã có thêm 11 mã số vùng trồng, qua đó nâng tổng số vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản lên 30 mã với 260 hộ tham gia, tổng diện tích 219,45ha” - đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang thông tin.
Về phía huyện Lục Ngạn - “thủ phủ” vải thiều của tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Thế Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn - cho biết: Năm 2021, tổng diện tích trồng vải toàn huyện là 15.450ha (tăng 160ha so với năm 2020), sản lượng ước đạt trên 120.000 tấn (trong đó vải chín sớm khoảng 30.000 tấn). Diện tích sản xuất theo quy trình VietGap là 12.400ha (tăng 700ha so với năm 2020). Diện tích đưa vào kế hoạch sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGap khảng 318ha.
Huyện thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân quy trình sản xuất, chăm sóc cây vải đảm bảo nâng cao chất lượng sản phẩm vải thiều; tuyên truyền về các điều kiện xuất khẩu đi Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản - các thị trường xuất khẩu chính để người dân biết, thực hiện trong quá trình sản xuất, thu hoạch, tem nhãn, đóng gói. Đặc biệt, sau khi vải thiều Lục Ngạn được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản vào tháng 3/2021, đã mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ vải thiều địa phương thâm nhập sâu hơn vào thị trường "khó tính" này.
“UBND huyện đã giao cho các cơ quan chuyên môn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn; tổ chức cho nông dân tham gia vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản ký cam kết thực hiện theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thời gian cách ly” - ông Nguyễn Thế Thi cho hay.
Ông Tăng Văn Huy - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn - chia sẻ, quy trình kiểm tra, giám sát chất lượng trồng vải để xuất khẩu được thực hiện rất nghiêm ngặt. Định kỳ 1-2 tuần, cán bộ nông nghiệp kiểm tra quy trình sản xuất và tra nhật ký trồng trọt của các xã để kịp thời hướng dẫn, bổ sung phương pháp chăm sóc phù hợp. Bên cạnh đó, khuyến khích các hộ tự kiểm tra, giám sát lẫn nhau và điều này được thực hiện rất nghiêm túc. Dự báo xuất khẩu vải thiều năm nay sẽ lạc quan dù dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới.
Tăng cường xúc tiến tiêu thụ vải thiều
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch tổ chức chuỗi các sự kiện hội nghị, diễn đàn, lễ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch và xúc tiến tiêu thụ nông sản chủ lực, đặc trưng; vải thiều năm 2021. Theo đó, ngày 8/6/2021, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều với các điểm cầu trong và ngoài nước.
Điểm cầu chính tổ chức tại Trung tâm hội nghị tỉnh, dự kiến khoảng 500 đại biểu. Trong đó, đại biểu quốc tế gồm: Đại diện Đại sứ quán và Tham tán Kinh tế - Thương mại các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Thái Lan, Singapore tại Việt Nam; đại diện Cơ quan Xúc tiến đầu tư, thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (Jetro); Cơ quan Thương mại và đầu tư Australia tại Việt Nam; Văn phòng Chính phủ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công Thương; đại diện lãnh đạo tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh Bắc Giang; một số tập đoàn, doanh nghiệp, nhà phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị và các chợ đầu mối, sàn thương mại điện tử.
Ngoài ra, hội nghị còn truyền hình trực tuyến tới các điểm cầu trong nước bao gồm UBND các tỉnh: Lào Cai, Lạng Sơn và 20 điểm cầu tại Trung tâm VNPT của các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Đặc biệt, năm nay ngoài 4 điểm cầu trực tuyến đặt tại tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), UBND tỉnh Bắc Giang mở thêm nhiều điểm cầu trực tuyến tại: Nhật Bản, Australia và Singapore...
Hoạt động này nhằm đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở thị trường trong và ngoài nước gắn với quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh; giới thiệu các tiềm năng du lịch, lợi thế thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Giang; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước tìm kiếm đối tác; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của tỉnh với các cơ quan Trung ương, tỉnh, thành phố bạn và các nước tạo điều kiện thuận lợi tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản của tỉnh.
Do tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước còn diễn biến phức tạp, UBND huyện Lục Ngạn cũng đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều với 2 phương án (tình huống). Cụ thể, phương án 1: Tình hình dịch trong nước vẫn còn nhưng được kiểm soát, các hoạt động giao thương được trở lại bình thường. Với phương án này, UBND dự kiến tiêu thụ vải thiều tươi khoảng 114.000 tấn (trong đó: tiêu thụ trong nước: 51.000 tấn, xuất khẩu: 53.000 tấn); chế biến sấy khô, nước ép, đóng hộp khoảng 6.000 tấn (sấy khô: 2.000 tấn; nước ép, đóng hộp, đông lạnh: 4.000 tấn).
Ở phương án 2: Tình hình dịch trong nước tiếp tục diễn ra phức tạp, UBND huyện dự kiến tiêu thụ vải thiều tươi khoảng 95.000 tấn (trong đó, tiêu thụ trong nước: 60.000 tấn, xuất khẩu: 35.000 tấn); tiêu thụ bằng hình thức khác: 25.000 tấn.
Tại buổi kiểm tra tình hình sản xuất và công tác chuẩn bị tiêu thụ vải thiều tại huyện Lục Ngạn diễn ra mới đây, ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - cho rằng, Lục Ngạn cần triển khai song song 2 phương án tiêu thụ vải. Trong đó, tập trung cao cho phương án 2, quan tâm thị trường trong nước, sấy khô vải… bởi dịch bệnh diễn biến khó lường và yêu cầu Sở Công Thương tham mưu giúp Lục Ngạn triển khai thật tốt phương án này.
Đồng thời, yêu cầu huyện cần bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh về sản xuất và tiêu thụ vải trong năm nay. Trước mắt, tập trung chăm sóc vải, hạn chế thấp nhất dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên quả. Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, doanh nghiệp xúc tiến tiêu thụ vải thiều. Bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, giao thông thông suốt. Bên cạnh đó, huyện cần tiếp tục thực hiện chương trình du lịch trải nghiệm trong mùa thu hoạch vải nhưng phải bảo đảm phòng dịch Covid-19.
Được biết, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) vừa đồng ý cho 164 người nước ngoài (thương nhân Trung Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam (đợt 1) đến tỉnh Bắc Giang khảo sát, đàm phán và thu mua vải thiều. Theo đó, các thương nhân Trung Quốc phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm đúng quy định như: Phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 do cơ sở y tế có thẩm quyền của Trung Quốc cấp trong thời gian 3 ngày; cách ly tập trung theo đúng quy định (không có trường hợp ngoại lệ) và được xét nghiệm 2 lần khi vào và trước khi ra khỏi khu cách ly tập trung.
Quỳnh Nga - Lan Anh