Gạo thơm Đăk La

Dưới nắng ươm vàng, gió mang hơi nước, hơi sương từ đồng ruộng tỏa ra mát rượi, tôi nhìn ruộng lúa thơm trên cánh đồng thôn 2, xã Đăk La (huyện Đăk Hà) đang cúi bông trải dài ngút tầm mắt, hạt lúa no tròn... khiến lòng không muốn rời xa. Người dân ở đây cũng rất tự hào về lúa gạo thơm Đăk La.

Chuyện trên đồng lúa thơm
 
Sau mấy cơn mưa đầu mùa, ruộng lúa trên đồng Đăk La (huyện Đăk Hà) đang cúi bông, nhưng cây vẫn còn xanh tươi, trông mát mắt. Dường như các giống lúa thơm RVT, HT1, Đài thơm 8... đang khoe độ mẩy bông trên đồng ruộng.
 
Dẫn chúng tôi ra thăm đồng, anh Trần Văn Minh – thành viên Tổ hợp tác sản xuất lúa thơm thôn 2 đưa tay chỉ và nói rõ ràng từng giống lúa trên đồng ruộng, nào là lúa thơm RVT, Đài thơm 8, rồi Sơn Lâm 1, Hương Châu 6... Các thành viên trong Tổ sản xuất lúa thơm đang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, an toàn để xây dựng thương hiệu gạo thơm, sạch Đăk La.
 
“Năng suất các giống lúa trên đồng ruộng thường đạt từ 8 – 10 tấn/ha. Giá lúa trên đồng ruộng thôn 2 cũng được cơ sở chế biến và tư thương mua với giá cao hơn ở nơi khác. Người dân thôn 2 rất tự hào về hạt lúa, hạt gạo trên đồng ruộng của mình” – ông Minh thật lòng khoe. 
 
Cũng theo ông Minh, cùng một giống lúa, nhưng lúa thơm trên các cánh đồng mẫu ở thôn 1, 2 của xã có cơm gạo ngon hơn, khi bán lúa giá bao giờ cũng được người mua cao hơn trên cánh đồng khác. Lý giải điều này, ông Minh cho rằng, đồng ruộng ở đây đất tốt, không bị nhiễm phèn, người dân sản xuất theo hướng hữu cơ, bông lúa căng, hạt sáng mẩy, gạo khi máy ít bị gãy, tỷ lệ hao hụt thấp, khi nấu gạo cho cơm thơm ngon, người tiêu dùng ưa chuộng hơn. Chính vì vậy, dân buôn lúa thường thích về đây mua lúa để xay xát gạo.
 
Ruộng lúa thơm trên cánh đồng Đăk La. Ảnh: V.N
Ruộng lúa thơm trên cánh đồng Đăk La. Ảnh: V.N

 

Trong việc xây dựng thương hiệu hạt gạo thơm Đăk La, người dân trong Tổ hợp tác sản xuất lúa theo quy trình kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Gạo lúa sản xuất theo hướng hữu cơ an toàn, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. 
 
Tự hào về hạt gạo, tự hào về hướng thâm canh nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, khi trao đổi với chúng tôi, ông Minh và người dân không quên công lao của bộ đội, thanh niên xung phong ở thị xã Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum) một thời lên đây khai hoang, xây dựng đồng ruộng, làm thủy lợi trong những năm đầu sau ngày giải phóng.
 
“Ngày trước, xã Đăk La thuộc thị xã Kon Tum. Sau giải phóng (từ tháng 10/1975 – 1977), Thị ủy, UBND thị xã Kon Tum đưa thanh niên xung phong lên khai phá đất đai, rừng hoang (cây cà chít, le, nứa...) ở những khu vực trũng thấp lập đồng ruộng; còn bộ đội làm đập thủy lợi Kon Trang Kla, kênh mương để dẫn nước vào ruộng. Có hạt gạo thơm như ngày hôm nay, người dân chúng tôi không quên công lao của các cấp ủy đảng, chính quyền và những người đi mở đất thuở trước” – ông Minh tỏ lòng biết ơn.    
 
“Đất lành chim đậu”, đồng ruộng Đăk La ngày trước còn là nơi hội tụ của chim trời, cá nước. Kể từ khi có đập, có kênh, có nước, đồng ruộng ở xã Đăk La có nhiều cá. Cá theo sông, suối, kênh lên đồng sinh sản nhiều vô kể. Ngày mùa cày bừa, người dân bắt cá; khi lúa lên, mưa xuống thả lờ, đơm cá; mùa lúa chín, rút nước, ruộng cạn... bắt cá ăn không hết. Những năm tháng đó, cá là nguồn thực phẩm chính của người dân. Tuy nhiên, kể từ khi thuốc hóa học được đưa vào sản xuất, cá trên đồng ruộng không còn như xưa nữa. Nhớ lại chuyện xưa, ông Minh và nhiều người dân có tuổi ở đây cảm thấy tiếc nuối.
 
Nâng cao thương hiệu gạo thơm Đăk La
 
Hạt lúa, hạt gạo trên đồng ruộng xã Đăk La lâu nay được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, phải nói thật rằng, kể từ khi cấp ủy, chính quyền địa phương quy hoạch cánh đồng mẫu ở thôn 1, thôn 2, thôn 7; xây dựng thương hiệu gạo thơm Đăk La thì hạt gạo thơm Đăk La mới thật sự “nổi danh”.
 
Cũng như nhiều gia đình, gia đình tôi lâu nay khi chọn gạo mua về nấu cơm ăn hàng ngày cũng thường chọn 2 thương hiệu gạo ở tỉnh: Gạo thơm Đoàn Kết (thành phố Kon Tum) và gạo thơm Đăk La (huyện Đăk Hà).
 
Qua trao đổi, ông Lê Tường Lâm – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk La cho biết, xã đang xây dựng cánh đồng mẫu 65 ha (20 ha thôn 1, 20 ha thôn 2 và 25 ha thôn 7) sản xuất các giống lúa thơm chất lượng cao. Trước mắt, xã đăng ký 10 ha ruộng sản xuất lúa RVT, Đài thơm 8... theo mô hình hữu cơ để thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); giúp dân thành lập Tổ hợp tác sản xuất lúa thơm ở thôn 1, thôn 2 để liên kết với Hợp tác xã Vi Phú Hoàng tiêu thụ sản phẩm lúa thơm cho nông dân.
 
Thương hiệu gạo Đài thơm Đăk La. Ảnh: V.N
Thương hiệu gạo Đài thơm Đăk La. Ảnh: V.N

 

Để tìm hiểu về việc liên kết, tôi đến nhà máy chế biến gạo của Hợp tác xã Vi Phú Hoàng. Tất bật với công việc chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhưng ông Bùi Văn Thừa – Giám đốc Hợp tác xã Vi Phú Hoàng vẫn tranh thủ trao đổi với tôi về liên kết với Tổ hợp tác sản xuất lúa thơm và xây dựng thương hiệu gạo Đăk La. 
 
Theo ông Hoàng, trong việc liên kết, Hợp tác xã phối hợp Tổ sản xuất lúa thơm, chính quyền địa phương xây dựng thương hiệu gạo thơm theo tiêu chuẩn VietGAP. Nếu đạt tiêu chuẩn này, cùng với việc đăng ký bao bì, nhãn hiệu..., gạo thơm Đăk La sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn sản phẩm OCOP. Trong việc xây dựng thương hiệu và đầu ra cho sản phẩm, Hợp tác xã đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gạo có công suất chế biến 15 tấn/ngày.
 
Hiện nay, nhà máy đang hoạt động liên tục. Ngoài việc thu mua sản phẩm của các thành viên Tổ hợp tác sản xuất lúa thơm và người dân trên địa bàn,  Hợp tác xã còn mua thêm lúa từ các địa phương khác về chế biến. Nguồn lúa thơm của Tổ hợp tác sau khi chế biến sẽ vào bao bì lúa thơm Đăk La. Gạo Hợp tác xã sản xuất được đưa đi nhiều địa phương trong tỉnh tiêu thụ, nguồn cung thường không đáp ứng nhu cầu thị trường.
 
Hiện nay ông Thừa đang có ý định nâng cấp máy đánh bóng gạo để nâng cao giá trị hạt gạo, nâng cao thương hiệu gạo thơm Đăk La. Trong thực hiện việc này, ông Thừa mong muốn Liên minh Hợp tác xã tỉnh tạo điều kiện cho Hợp tác xã vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh. Đồng thời, ông đề nghị các cấp chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ Hợp tác xã, Tổ hợp tác xây dựng thương hiệu lúa thơm đạt chuẩn VietGAP và OCOP. 
 
Chắc chắn rằng, khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP, giá trị gạo thơm Đăk La sẽ nâng cao hơn nữa, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương.
 
VĂN NHIÊN (baokontum.com.vn)
 
 
 
Nguồn: http://baogialai.com.vn/channel/1624/202105/gao-thom-dak-la-5737287/
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật