Từ nay đế năm 2030, ngành lúa gạo sẽ được tái cơ cấu mạnh mẽ. Ảnh: TTXVN
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), tái cơ cấu ngành lúa gạo, Việt Nam sẽ giảm diện tích trồng lúa từ 3,7 triệu hecta hiện nay xuống còn 3,5 triệu hecta vào năm 2030. Sản xuất lúa gạo tại từng vùng sẽ được định hướng lại.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), vẫn được xác định là vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước. Đây là vùng có lợi thế trong sản xuất lúa, đóng góp trên 50% sản lượng lúa cả nước và có khối lượng lúa dư thừa lớn để cung cấp cho thị trường ngoài vùng và 90% lượng gạo xuất khẩu.
Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại là vùng bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nặng nề nhất. Trong đó, xâm nhập mặn và hạn gia tăng, đồng thời, với sự thiếu hụt nguồn nước ngọt từ sông Cửu Long do việc xây dựng thủy điện ở các nước thượng nguồn sông Mê Kông. Ngoài ra, hiệu quả chuỗi giá trị ngành lúa gạo lúa thấp là một trở ngại cho sự phát triển bền vững của vùng lúa trọng điểm của cả nước.
Vì vậy, từ nay đến năm 2030, định hướng tái cơ cấu sản xuất lúa ở ĐBSCL là thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao giá trị và hiệu quả thông qua nâng cao chất lượng lúa gạo; mở rộng liên kết sản xuất - tiêu thụ; chuyển đổi đất lúa hiệu quả thấp sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản và tăng diện tích lúa luân canh với thủy sản (tôm - lúa, lúa - cá) hoặc rau, màu.
Đồng bằng sông Hồng
Bộ NNPTNT xác định, Đồng bằng sông Hồng là vựa lúa phía Bắc, hướng đến thị trường nội địa, với xu thế tiêu dùng gạo đặc sản, gạo chất lượng cao gia tăng. Tuy nhiên, sản xuất lúa nói riêng và nông nghiệp nói chung ở Đồng bằng sông Hồng có hạn chế lớn là mức độ cơ giới hóa thấp, năng suất lao động thấp.
Ngành lúa gạo sẽ được tái cơ cấu theo hướng bền vững. Ảnh: Vũ Long
Sản xuất lúa gạo được tái cơ cấu theo hướng bền vững. Ảnh: Vũ Long
Do đó, Đồng bằng sông Hồng tái cơ cấu lại theo hướng sản xuất lúa chất lượng cao theo thị hiếu tiêu dùng trong vùng, đặc biệt là các vùng đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Cần quy hoạch các vùng sản xuất lúa đặc sản địa phương, lúa nếp, lúa japonica...
Vùng Đồng bằng ven biển miền Trung
Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ bị ảnh hưởng lớn của thiên tai, bão lũ. Vùng Đồng bằng ven biển miền Trung đang được chuyển đổi diện tích lúa ở các nơi khó khăn về nguồn nước, sản xuất bấp bênh sang cây trồng khác ngô, đậu, mè, cỏ chăn nuôi...
Ngoài việc nâng cao năng suất lúa vùng có tưới, sử dụng giống lúa có chất lượng phù hợp với thị hiếu tiêu dùng địa phương, giống phục vụ nhu cầu chế biến, ở một số địa bàn có thể sản xuất lúa đặc sản phục vụ cho khách du lịch.
Vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây nguyên
Vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây nguyên cần tập trung thâm canh tăng năng suất lúa ở nơi có điều kiện nước tưới, phát triển lúa đặc sản, lúa nếp, lúa japonica và tăng tính đa dạng sản xuất nông nghiệp của từng địa phương để đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ.
Đồng thời, hai vùng này cần gìn giữ các di sản vùng lúa như ruộng bậc thang, vùng lúa đặc sản địa phương… gắn với phát triển du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo Báo Lao động