|
Cà phê huyện Đăk Hà vào vụ. Ảnh tư liệu: Hoàng Cao Nguyên/TTXVN |
Đặc biệt, mặt hàng chủ lực là cà phê, việc tiêu thụ cà phê nhân đã giảm 40%, trong khi sản lượng bán ra đối với cà phê bột cũng giảm 60%, khiến một số đơn vị, doanh nghiệp xuất hiện tình trạng tồn đọng nông sản. Trong bối cảnh chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch cà phê năm 2021, ngành nông nghiệp tỉnh đang lên phương án hỗ trợ cho các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, nhất là cà phê.
Đến giữa tháng 10/2021, một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum xuất hiện tình trạng tồn đọng nông sản như Công ty TNHH MTV Nguyên Huy Hùng còn tồn khoảng 15 tấn cà phê bột, cà phê hòa tan, 150 tấn cà phê nhân; Hợp tác xã Nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung tồn khoảng 2 tấn sản phẩm cà phê hòa tan, 1 tấn tinh chất cà phê; Công ty TNHH Tá Tiến còn khoảng 500 tấn cá nước ngọt nuôi lồng bè chưa có đầu mối tiêu thụ,…; một số hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể còn tồn khoảng 30 tấn măng khô, măng muối,…
Theo bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nguyên Huy Hùng, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, số cà phê còn tồn đọng của đơn vị chủ yếu là mặt hàng phục vụ cho khách du lịch khi đến tham quan, mua về để làm quà biếu, tặng. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, lượng khách du lịch sụt giảm, thậm chí là không có khách nên cà phê còn tồn đọng nhiều. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đã tích cực tìm kiếm các đơn vị tiêu thụ. Đến cuối tháng 10, số lượng cà phê còn tồn đọng trong kho cũng không còn nhiều.
Ông Nguyễn Quang Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, qua thống kê, đến nay lượng cà phê nhân của các đơn vị cơ bản đã được tiêu thụ hết. Dù vậy, lượng cà phê bột, cà phê chất lượng cao vẫn còn khá nhiều, đơn cử như 10 tấn cà phê nhân chất lượng cao của Hợp tác xã công bằng Pô Kô hay 1 tấn tinh chất cà phê của Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại và Dịch vụ Sáu Nhung (huyện Đăk Hà) vẫn còn tồn đọng, chưa tìm được đầu ra.
“Cà phê bột, cà phê chất lượng cao còn tồn đọng nhiều chủ yếu do việc kinh doanh của các quán cà phê, giải khát, các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ bị giảm sút, chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2020. Việc ứ đọng hàng hóa hoặc chậm trễ trong việc tiêu thụ các loại nông sản ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn đầu tư của người dân để tái sản xuất. Trong khi đó, một số nguyên liệu đầu vào tăng cao do quá trình vận chuyển phát sinh thêm chi phí nên ảnh hưởng trực tiếp đến việc đầu tư, sản xuất của người dân, đơn vị, doanh nghiệp”, ông Nguyễn Quang Hòa phân tích.
Theo dự báo và kế hoạch tổ chức thu hoạch sản phẩm cà phê vào cuối năm 2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, tổng sản lượng cà phê dự kiến của năm khoảng 61.700 tấn, cao hơn so với năm 2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nhiều đơn vị sản xuất đang cảm thấy lo lắng cho đầu ra của sản phẩm.
Ông Nguyễn Tri Sáu, Hợp tác xã Nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà) cho biết, dự kiến sản lượng của đơn vị trong vụ sản xuất năm 2021 khoảng 5.000 tấn cà phê tươi, tức khoảng 1.000 tấn cà phê hạt. Tuy hiện nay, giá cà phê đang có chiều hướng tăng, song do tình hình dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, nên đơn vị khá lo lắng cho thị trường tiêu thụ của loại nông sản chủ lực này.
Ông Nguyễn Quang Hòa cho biết, ngay từ cuối tháng 7/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh (Tổ công tác 650). Tổ đã xây dựng phương án tiêu thụ nông sản theo từng điều kiện dịch bệnh COVID-19 xảy ra. Đặc biệt, Tổ công tác 650 đã có sự liên hệ chặt chẽ với Tổ công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổ công tác 970), thường xuyên thông tin nhu cầu kết nối tiêu thụ sản phẩm, nhất là khu vực các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh.
“Thông qua mạng xã hội Zalo, Tổ công tác 970 của Bộ sẽ thông báo cho Tổ công tác 650 của tỉnh về nhu cầu tiêu thụ của người dân ở các tỉnh phía Nam để đưa nông sản theo nhu cầu vào. Đến nay, Tổ công tác 650 đã kết nối, tiêu thụ được khoảng 25 tấn lương thực, thực phẩm cung cấp cho tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, Tổ cũng thông qua kênh tiêu thụ của Bưu điện tỉnh tiêu thụ được trên 15 tấn bí đỏ cho bà con nông dân tại huyện Ia H’Drai”, ông Hòa cho biết thêm.
Bên cạnh việc hỗ trợ kết nối, các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cũng hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký thông tin các sản phẩm cần bán lên trang thông tin của Tổ công tác 970. Đến nay, đã có 9 đơn vị với 29 sản phẩm được đưa lên trang thông tin, giúp việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm được dễ dàng, thuận tiện hơn. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH MM Mega Market về kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh.
“Đối với riêng cà phê, hiện nay giá cà phê trên thế giới đang có chiều hướng tăng. Vì vậy, chuẩn bị cho vụ thu hoạch tới, một mặt ngành nông nghiệp sẽ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tham gia các diễn đàn kết nối, tiêu thụ sản phẩm để giới thiệu các sản phẩm của tỉnh, tìm kiếm các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu thu mua để giải quyết vấn đề cà phê nhân; một mặt sẽ giới thiệu thông qua các hệ thống cửa hàng bán lẻ để giải quyết vấn đề cà phê bột cho các hợp tác xã, doanh nghiệp của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục duy trì mối liên kết với Tổ công tác 970 của Bộ để kết nối tiêu thụ nông sản, nhất là trong những tháng cuối năm và niên vụ cà phê sắp tới”, ông Nguyễn Quang Hòa nhấn mạnh.
Dư Toán (TTXVN)