Canada đứng Top 2 trong khối thị trường CPTPP nhập khẩu cá tra từ Việt Nam

Canada tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong khối thị trường CPTPP về nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lũy kế xuất khẩu cá tra Việt Nam 8 tháng đầu năm sang Canada đạt 24 triệu USD, giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 2% tỷ trọng. Canada tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong khối thị trường CPTPP về nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam.

Canada đứng Top 2 trong khối CPTPP nhập khẩu cá tra từ Việt Nam
Canada đứng Top 2 trong khối CPTPP nhập khẩu cá tra từ Việt Nam

Tháng 8/2023, xuất khẩu cá tra sang Canada đạt gần 4 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là giá trị cao nhất xuất khẩu cá tra đạt được sang thị trường này kể từ đầu năm, tăng 20% so với tháng trước. Đồng thời, mức giảm 4% cũng là mức giảm thấp nhất kể từ đầu năm nay của quốc gia Bắc Mỹ này khi những tháng trước Canada đều chứng kiến tăng trưởng âm 2 con số từ 30% - 46%.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Canada liên tục duy trì vị trí số 2 trong khối CPTPP về nhập khẩu cá tra Việt Nam chỉ đứng sau Mexico. So với các thị trường khác cùng khối quốc gia Bắc Mỹ này nhập khẩu khá đa dạng sản phẩm cá tra từ Việt Nam như: Cá tra phile đông lạnh, cá tra cắt miếng/khoanh/khúc đông lạnh, bong bóng cá tra sấy, cá tra nguyên con xẻ bướm, cá tra và sốt cari thái đỏ; cá tra sốt chanh ngò tây; cá tra sốt tương gừng… các sản phẩm mã HS 0304, đặc biệt người dân tại quốc gia có diện tích lớn thứ 2 thế giới này rất ưa chuộng các món ăn từ phi lê cá tra, cá da trơn đông lạnh mã HS 030462.

Theo Trung tâm Thương mại thế giới (ITC), 6 tháng đầu năm 2023, Canada nhập khẩu hơn 10 triệu USD, và gần 1 triệu USD cho lần lượt các sản phẩm phi lê cá tra HS 30324 và phi lê cá da trơn tươi/ướp lạnh HS 030432.

Tại Canada, cá tra Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm cá thịt trắng khác, trong đó nổi bật là sản phẩm cá tuyết cod và cá haddock, cá rô phi.

Cũng theo ITC, tính đến hết tháng 6/2023, Canada nhập khẩu từ Việt Nam 14 triệu USD cá thịt trắng từ Việt Nam trong khi nhập khẩu 125 triệu USD sản phẩm cá thịt trắng từ thế giới. Việt Nam chỉ chiếm 11% trong tổng số cá thịt trắng tiêu thụ tại quốc gia này.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thuỷ sản là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh nhất của Việt Nam tại thị trường Canada. Trong đó, nhiều chủng loại đã chiếm thị phần rất cao tại thị trường này.

Chẳng hạn như cá basa gần như chiếm 100% thị trường cá da trơn nhập khẩu của Canada; mặt hàng tôm (bao gồm tôm đông lạnh và tôm chế biến) đứng đầu trong số các nước xuất khẩu tôm vào Canada và chiếm gần 1/3 thị phần nhập khẩu; mặt hàng cá ngừ vàng, mắt to đông lạnh cũng chiếm tới 89% thị phần. Chỉ có cá ngừ chế biến hiện có thị phần còn thấp.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu phân tích, Thái Lan và Trung Quốc đang là hai đối thủ lớn nhất của Việt Nam trong việc xuất khẩu cá ngừ vào Canada, nhưng hai nước này không phải là thành viên của CPTPP nên sẽ khó cạnh tranh hơn.

Hiện có tới 17 nước đang xuất cá ngừ sang Canada, trong đó Trung Quốc, Thái Lan, Italy, Indonesia, Philippines và Việt Nam là 6 nguồn cung lớn nhất cho thị trường này.

Do đó, tiềm năng xuất khẩu cá ngừ sang Canada còn rất lớn, bởi lẽ cá ngừ Việt Nam mới chiếm khoảng trên 1,1% thị phần. Dư địa cho xuất khẩu và lợi thế cạnh tranh sẽ giúp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam vào thị trường này có thể tăng trưởng cao.

Riêng mặt hàng tôm, đối thủ hàng đầu của Việt Nam là Ấn Độ cũng không phải thành viên CPTPP nên đây được xem là cơ hội để sản phẩm tôm xuất khẩu Việt Nam vươn lên cạnh tranh vị trí xuất khẩu hàng đầu.

Tỷ trọng giá trị tôm Việt Nam tại Canada đã tăng từ 24% năm 2016 lên 29% năm 2018; Ấn Độ tăng từ 23% năm 2016 lên 28% năm 2018. Trong bối cảnh hai nước cạnh tranh sít sao về thị phần, CPTPP chắc chắn sẽ là cú hích giúp Việt Nam tạo khoảng cách lớn với đối thủ chính trong tương lai.

Theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), hiện nay đã có hơn 200 bộ quy tắc xuất xứ đáp ứng các điều kiện trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong đó, có 90% quy tắc đủ yêu cầu xuất sang thị trường Canada. Đây được đánh giá là thị trường “hot” nhất trong khối CPTPP.

Theo các chuyên gia, Canada là thị trường thủy sản giá tốt, tăng trưởng ổn định trong khối Bắc Mỹ. Quốc gia thuộc khối CPTPP này cũng có mối quan hệ thương mại gần gũi và thân thiết với hai thị trường là Hoa Kỳ và Trung Quốc và chủ yếu là các sản phẩm khai thác từ biển.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường có ảnh hưởng lớn nhất đối với thương mại thủy sản của Canada do quan hệ thương mại rất chặt chẽ và có đường biên giới chung dài nhất thế giới.

Sự kiện chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam đồng thời nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” cùng với quan hệ song phương Việt Nam - Canada ngày càng phát triển cũng mở ra kỳ vọng về tiềm năng phát triển ngành xuất khẩu cá tra sang thị trường này.

 
Tác giả: Nguyễn Hạnh
Nguồn: https://congthuong.vn/canada-dung-top-2-trong-khoi-thi-truong-cptpp-nhap-khau-ca-tra-tu-viet-nam-275275.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật