Xuất khẩu cao su vẫn tăng trưởng ấn tượng
Đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi toàn diện cấu trúc xã hội, tạo nên những tác động đa chiều đến hầu hết mọi lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có ngành cao su. Năm 2021, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của ngành cao su thế giới cũng phải đối mặt với tác động của điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiếu nhân công và dịch bệnh nấm lá cao su ở một số nước sản xuất lớn cũng như tình trạng tắc nghẽn cảng biển.
Để hướng đến sự phát triển bền vững ở toàn bộ chuỗi cung ứng, ngành cao su cần đẩy mạnh liên kết chuỗi, ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng các nguồn lực sẵn có. Ảnh VRG |
Mặc dù đang trong giai đoạn phục hồi và thực hiện “mục tiêu vụ kép”, ngành cao su Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, gia tăng giá trị chuỗi sản phẩm và đang hướng đến sự phát triển bền vững ở toàn bộ chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu và nội địa về sản phẩm bền vững. Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam đạt 1,7 triệu tấn với giá trị 2,8 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2020, lượng cao su xuất khẩu tăng 11,9% nhưng giá trị tăng đến 40,8%.
Ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) - cho biết, cao su luôn nằm trong nhóm những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam. Hiện nay, sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam bình quân đạt 1,6 - 1,7 triệu tấn năm, kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng trong những năm qua đạt trên 2 tỷ USD.
Đặc biệt trong năm 2021, xuất khẩu cao su vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Với vị trí thứ ba toàn cầu về giá trị xuất khẩu, cao su Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như: Trung Quốc, Ấn Độ, Đức, Hoa Kỳ và các thị trường mới nổi Nga, Đài Loan…
Nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu dự kiến sẽ thiếu hụt do ảnh hưởng bởi mùa mưa kéo dài ở một số nước châu Á cuối năm 2021. Trong khi triển vọng về nhu cầu cao su thiên nhiên có thể chịu rủi ro liên quan đến biến thể mới và khả năng tái bùng phát dịch Covid-19 trong mùa đông.
Những thách thức chưa từng có tiền lệ vừa qua cũng đã tạo ra động lực thúc đẩy thực hiện các cam kết về phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và những nỗ lực hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon, cũng như ứng dụng chuyển đổi số để tìm ra các giải pháp cho tình trạng tắc nghẽn cảng biển và gián đoạn sản xuất.
Hướng đi tương lai cho ngành cao su
Thị trường cao su thế giới đã đưa ra những tín hiệu rõ ràng về ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường và không làm tổn hại đến cộng đồng. Các sản phẩm có chứng chỉ bền vững hứa hẹn đem lại giá trị gia tăng cao hơn và đảm bảo việc tiếp cận thị trường thế giới. Chính vì vậy, việc phát triển cao su thiên nhiên bền vững tại Việt Nam là hướng đi phù hợp để đảm bảo sự phát triển của ngành cao su Việt Nam.
Trong nhưng năm gần đây, thị trường cao su thế giới đã đưa ra những tín hiệu rõ ràng về ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường, không làm tổn hại đến cộng đồng. Các sản phẩm cao su thiên nhiên cùng gỗ cao su có chứng chỉ bền vững đem lại giá trị gia tăng cao hơn, đảm bảo việc tiếp cận và mở rộng thị trường thế giới.
Tại Hội thảo “Sẵn sàng cho “bình thường mới” tiếp theo: Hướng đi tương lai cho ngành cao su” vừa diễn ra ngày 17/12 tại TP. Hồ Chí Minh, bà Bùi Thị Thanh An - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, tình hình thế giới, khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường như: Kinh tế tăng trưởng chậm; chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn; xu hướng tăng cường sử dụng hàng rào kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước gia tăng; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện, yêu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm bền vững…
Cùng với đó là việc tham gia các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA với mức độ hội nhập sâu rộng và toàn diện nhất từ trước tới nay của Việt Nam. Trong trạng thái “bình thường mới” tiếp theo sau đại dịch, ngành cao su Việt Nam phải chấp nhận cạnh tranh và tuân thủ tiêu chuẩn thị trường trong cả 3 lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Đây sẽ là hướng đi tương lai mà doanh nghiệp cao su cần có sự chuẩn bị sẵn sàng để thích ứng kịp thời và hiệu quả.
Xuất phát từ bối cảnh thực tiễn và chủ trương của Chính phủ Việt Nam, bà Bùi Thanh An cũng cho biết Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp thực hiện các giải pháp phát triển ngành cao su Việt Nam theo hướng chuỗi giá trị, tăng cường kết nối sản xuất với thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, phát triển sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu theo hướng bền vững. Đặc biệt, trong thời gian qua hoạt động xúc tiến thương mại (XTTT) phát triển thị trường cho cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su đã được chú trọng và đẩy mạnh.
Các chuyên gia tại hội thảo cũng cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là một trong những khâu đột phá lớn, góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, với chuỗi giá trị vốn phức tạp và khác biệt đối với từng quốc gia, từng vùng lãnh thổ. Do đó, việc xây dựng sơ đồ chuỗi cung và trao đổi thông tin, số liệu để tháo gỡ các trở ngại về logistics cũng ngày càng trở nên cấp bách nhằm đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng cao su.
Những xu hướng trên đặt ra yêu cầu đối với các DN trong ngành cao su Việt Nam cần phải thực hiện các quá trình chuyển đổi nhanh chóng hơn, nhằm thích ứng với tình hình mới. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như giảm chi phí nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Minh Khuê