Tăng trưởng ấn tượng
Thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), trong tháng 1/2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã đạt 657,35 triệu USD, tăng 78,57% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 598,07 triệu USD, tăng 84,61% so với tháng 1/2020 và 56,51% so với tháng 12/2020. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tín hiệu lạc quan này càng có ý nghĩa khi Hiệp định UKVFTA vừa mới được áp dụng kể từ ngày 1/1/2021, hứa hẹn tiếp tục tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế, thương mại trong thời gian tới.
Các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng ấn tượng |
Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh, kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn giữ vững mức tăng ổn định và tích cực trong tháng 1, với kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 19,72 triệu USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái; mặt hàng rau, quả đạt 1,04 triệu USD, tăng 148,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, các mặt hàng thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng có mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, điện thoại các loại và linh kiện (252,59 triệu USD, tăng 371,6% so với cùng kỳ năm ngoái); máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng (đạt 74,58 triệu USD, tăng 109,9%); máy tính và sản phẩm linh kiện điện tử (31,82 triệu USD, tăng 91%).
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Vương quốc Anh vào Việt Nam trong tháng 1 đạt 59,297 triệu USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ. Như vậy, Việt Nam tiếp tục xuất siêu sang thị trường Anh với mức tăng 113,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong cơ hội có thách thức
Tuy nhiên theo các chuyên gia, Hiệp định UKVFTA bên cạnh tạo nhiều sức bật mới cho thương mại song phương cũng đặt ra những thách thức nhất định trong việc tận dụng cam kết, cũng như sức ép với thị trường trong nước.
Đơn cử như hàng dệt may, mặc dù hiệp định tạo thuận lợi mở rộng nguồn cung trong các quy tắc xuất xứ, nhưng do nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc ASEAN. Do đó, để tận dụng những cơ hội từ các cam kết của hiệp định, doanh nghiệp cần chuyển hướng nhập khẩu nguồn nguyên liệu trong ngành này.
Hay sức ép với mặt hàng nông sản, khi rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Anh rất chặt chẽ, đa số ngành hàng nông sản của Việt Nam như chè, rau, quả... vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch, bảo quản...
Để hiện thực hóa các lợi ích và xử lý thách thức liên quan của Hiệp định UKVFTA, theo các chuyên gia, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động nghiên cứu thông tin, tiến hành chuẩn bị toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu quả…
Về phía Bộ Công Thương, sẽ xây dựng chương trình hành động tổng thể, toàn diện, tập trung vào công tác cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan, doanh nghiệp và người dân; xây dựng kế hoạch tổ chức thực thi, luật hóa Hiệp định UKVFTA cho phù hợp các cam kết đã ký nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thực thi, điều chỉnh chính sách, đảm bảo mang lại hiệu quả cho nền kinh tế; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về hiệp định thông qua việc tổ chức các hội thảo, khóa tập huấn chuyên sâu (tra cứu cam kết về thuế, quy tắc xuất xứ…) tại nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Hiện, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử về FTA tại địa chỉ: http://fta.moit.gov.vn/ và đang vận hành trang Facebook có tên: "FTA Việt Nam". |
Phương Thu