Chiều 25/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa luật cần hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh quảng cáo sẽ góp phần quan trọng để tạo dựng môi trường quảng cáo lành mạnh, hiện đại, có khả năng hội nhập với thị trường thế giới.
Đại biểu Phạm Nam Tiến (đoàn Đắk Nông) quan tâm đến quy định về quảng cáo trên mạng (bao gồm trên môi trường internet, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, mạng viễn thông, thiết bị đầu cuối).
Theo ông Tiến, những năm qua, thị phần quảng cáo đang có sự dịch chuyển nhanh chóng từ phương thức truyền thống (báo chí, truyền hình) sang phương thức số (sử dụng internet, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến) dẫn đến việc các cơ quan báo chí ngày càng khó khăn về nguồn thu quảng cáo.
Đại biểu Phạm Nam Tiến (đoàn Đắk Nông) |
Ông Tiến cho rằng, nếu như hoạt động quảng cáo trên báo chí được quản lý tương đối chặt chẽ, bài bản thì hoạt động quảng cáo trên mạng đang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Điều này tạo nên sự lo ngại về việc cạnh tranh không bình đẳng giữa các cơ quan truyền thông, báo chí với các nền tảng lớn (Facebook, Google, TikTok) trong hoạt động quảng cáo.
Đại biểu Phạm Nam Tiến đánh giá cao việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xây dựng quy định điều chỉnh.
Tuy nhiên, quy định này cần được tiếp tục rà soát để đảm bảo bao quát, hài hòa, đầy đủ trách nhiệm của tất cả các bên tham gia vào chuỗi hoạt động quảng cáo (từ nhãn hàng, nhà sản xuất phim quảng cáo, đại lý quảng cáo, nền tảng mạng truyền phát quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo); tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) |
Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cho biết, song song với các hoạt động quảng cáo truyền thống, với sự đổi mới liên tục của công nghệ, quảng cáo trên các phương tiện truyền thông xã hội internet, Facebook, TikTok… đã xuất hiện và trở nên phổ biến trên toàn thế giới.
Theo ông Thanh, xu hướng nổi bật nhất của thị trường quảng cáo Việt Nam trong 2 thập niên qua là sự gia tăng của quảng cáo trên không gian mạng.
Tuy nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật về quảng cáo của chúng ta cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, không theo kịp sự phát triển của thị trường hiện nay, nhất là các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới...
Do vậy, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại kỳ họp này là rất cần thiết, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước và bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển.
Đặc biệt, lĩnh vực quảng cáo hiện nay cũng được nước ta xác định là một trong 12 lĩnh vực trọng tâm trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Nhất là thời gian qua hoạt động quảng cáo ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu và có những đóng quan trọng cho nền kinh tế quốc dân. Do vậy, việc phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để phát triển hơn nữa lĩnh vực quảng cáo đầy tiềm năng này là một nhu cầu rất cấp thiết.