Báo Công Thương: Truyền tải thông tin nhanh nhạy, có tính chuyên nghiệp cao

Không chỉ nhanh nhạy, kịp thời, Báo Công Thương còn là một trong những tờ báo kinh tế có tính chuyên nghiệp cao.

Không chỉ nhanh nhạy, kịp thời, Báo Công Thương còn là một trong những tờ báo kinh tế có tính chuyên nghiệp cao khi đề cập đến thông tin chuyên sâu về nhiều lĩnh vực của ngành Công Thương và nền kinh tế đất nước.

Tờ báo kinh tế uy tín

Là một trong những chuyên gia uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá cao Báo Công Thương trong công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin đến với độc giả.

Báo Công Thương: Truyền tải thông tin nhanh nhạy, có tính chuyên nghiệp cao
Tổng biên tập Nguyễn Văn Minh giới thiệu, chia sẻ với Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chi Bảo về nguồn gốc ngày truyền thống của Báo Công Thương

“Báo Công Thương cung cấp thông tin rất nhanh nhạy, kịp thời và có tính chuyên nghiệp cao về thị trường trong nước, thị trường nước ngoài, vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế… cũng như nhiều vấn đề doanh nghiệp quan tâm. Đặc biệt, Báo Công Thương còn thu hút được nhiều ý kiến chuyên gia kinh tế thuộc nhiều lĩnh vực, và có những bài viết phản ánh đa chiều, tranh luận, thảo luận sôi nổi về những vấn đề được dư luận quan tâm như: Vấn đề cung ứng điện, xăng dầu, về vấn đề sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu và điều chỉnh giá xăng có hợp lý không… Tất cả những ý kiến đó theo tôi là có ích tới doanh nghiệp, người tiêu dùng và cả cơ quan chức năng” - TS Lê Đăng Doanh thông tin.

Cũng đánh giá cao về vai trò của Báo Công Thương, TS Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Chủ tịch Liên Chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) cho rằng: “Báo Công Thương là một trong những tờ báo kinh tế uy tín mà tôi rất hay đọc, tham khảo thông tin. Tôi nhận thấy, không chỉ nhanh nhạy, truyền tải thông tin chính xác, đội ngũ phóng viên Báo Công Thương còn có nhiều bài viết chuyên sâu về một số lĩnh vực công nghiệp, thương mại, hội nhập doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài và cập nhật những thông tin tính xác về 63 tỉnh, thành trên cả nước”.

Đặc biệt, theo TS Phan Hữu Thắng, từ những thông tin được truyền tải trên Báo Công Thương, doanh nghiệp có thể dễ dàng nắm bắt được thông tin về các cơ chế, chính sách của nhà nước, hoặc doanh nghiệp có thể trực tiếp kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước, nhà hoạch định chính sách về những điểm chưa phù hợp, giúp cơ quan quản lý có sự chỉnh sửa cho phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi để từ chính sách đi vào thực tiễn một cách nhanh nhất, hiệu quả, công khai minh bạch nhất.

“Đó là điều mà tôi đánh giá rất cao vai trò của cơ quan báo chí nói chung và Báo Công Thương nói riêng thời gian qua, cả ở góc độ tuyên truyền và góp ý cho chính sách sát hơn với yêu cầu của thực tiễn” – TS Phan Hữu Thắng khẳng định.

Báo Công Thương tổ chức Toạ đàm Góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Tọa đàm của Báo Công Thương đề cập đến những vấn đề xã hội quan tâm

Tiếp tục đổi mới thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả

Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng: Báo Công Thương thời gian qua hướng đến mô hình đa phương tiện, phát triển đa dạng với nhiều loại hình từ truyền hình, báo in, báo điện tử… nhờ đó đã có sự đổi mới vượt bậc từ nội dung đến hình thức thể hiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của độc giả.

Báo đưa tin rất kịp thời, nhanh chóng các hoạt động của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Bộ Công Thương, đặc biệt là các kỳ họp Quốc hội được phát trực tiếp, nêu bật được quan điểm của đại biểu quốc hội cũng như những câu trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, Chính phủ, tiện lợi cho độc giả trong việc theo dõi thông tin về những vấn đề kinh tế - xã hội. Các hoạt động talkshow của Báo Công Thương thực hiện cũng đề cập đến nhiều vấn đề lớn của ngành, của nền kinh tế, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận thị trường.

Tuy nhiên, đứng trước tình hình rủi ro của nền kinh tế trong điều kiện kinh tế khu vực và thế giới đang diễn biến phức tạp, đồng thời các yếu tố tâm lý trong nước có nhiều xáo trộn và thay đổi, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, cơ quan báo chí nói chung và Báo Công Thương tới đây cần đi sâu sát hơn, nhằm phát hiện, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp, tầng lớp dân cư, từ đó phản ánh với cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan ban hành chính sách phù hợp, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cơ quan báo chí cũng cần tuyên truyền, phổ biến nhanh nhạy, sâu sắc hơn về những chính sách của nhà nước trong việc hỗ trợ đồng hành cùng với doanh nghiệp, nhằm củng cố niềm tin của doanh nghiệp, người dân vào cơ chế, chính sách của cơ quan quản lý nhà nước, từ đó đảm bảo hoạt động của thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô.

Cũng góp ý về công tác tuyên truyền trong thời gian tới, TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Thời gian tới, tình hình kinh tế quốc tế diễn biến phức tạp và kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, Báo Công Thương cần đẩy mạnh việc kết nối giữa doanh nghiệp với chuyên gia kinh tế và tổ chức các cuộc hội thảo, toạ đàm có tính chất chuyên môn cao, đi vào từng chuyên đề cụ thể, để giúp giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong tình hình mới.

Đặc biệt, Báo Công Thương cũng cần tuyên truyền những nội dung liên quan đến các vấn đề chuyển đổi số, cải cách bộ máy hành chính và phòng, chống tham nhũng… nhằm xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp hoạt động, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước” – TS Lê Đăng Doanh đề xuất.

 
Tác giả: Nguyễn Hòa
Nguồn: https://congthuong.vn/bao-cong-thuong-truyen-tai-thong-tin-nhanh-nhay-co-tinh-chuyen-nghiep-cao-327347.html
Tin liên quan