Hơn bốn năm tự phân loại và cất riêng các loại pin hỏng, chị Huỳnh Thị Thanh Dung (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) đã gom được đầy 10 chai nhựa loại 500 ml. Chị Dung chia sẻ, ngay từ thời sinh viên, chị đã được tiếp cận nhiều nguồn thông tin nói về sự độc hại của mỗi viên pin khi bị vứt bỏ bừa bãi ra môi trường. Chị cũng học được mẹo sử dụng các chai nhựa rỗng để đựng pin cũ, vừa gọn gàng vừa giảm nguy cơ chúng phát thải ra các loại chất độc khi để lâu trong môi trường độ ẩm cao.
Chị đã thay đổi thói quen của mình và gia đình, giảm thiểu dùng các thiết bị có sử dụng các loại pin chì nên số lượng pin tự thu gom không đáng kể. Đến năm 2018, do gia đình chị bắt đầu kinh doanh khách sạn nên lượng pin AA, AAA thải ra từ các thiết bị như khóa điện tử, điều khiển từ xa của ti vi, máy lạnh… tăng lên rất nhiều. Chị hướng dẫn nhân viên khách sạn bỏ pin hỏng vào đúng các chai lọ đã quy định chứ không được vứt chung vào rác thải sinh hoạt.
Đoàn cơ sở Sở NN-PTNT thu gom pin hỏng đã qua sử dụng. |
Tại Đoàn cơ sở Sở NN-PTNT, hoạt động thu gom pin đã qua sử dụng đang tiếp tục được đoàn viên, thanh niên hưởng ứng. Hoạt động này được triển khai tới từng chi đoàn cơ sở với mỗi thùng thu gom pin đặt tại trụ sở mỗi đơn vị. Các thùng thu gom đều được đặt ở vị trí dễ thấy và được trang trí bắt mắt với màu xanh làm chủ đạo cùng thông điệp ngắn gọn, ý nghĩa nhằm chuyển tải thông điệp về tác hại của pin đối với môi trường. Từ đó, không chỉ đoàn viên, thanh niên mà tất cả cán bộ, công nhân viên chức tại đơn vị đều chủ động phân loại pin cũ từ vật dụng của gia đình và mang đến cơ quan bỏ vào thùng thu gom.
Bằng hình thức này, cuối năm 2021, Đoàn cơ sở Sở NN-PTNT đã thu gom được hơn 9 kg pin cũ để gửi đến đầu mối tiếp nhận là Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đơn vị bạn phản hồi rằng không còn tiếp nhận pin cũ nữa nên đã gửi trả lại. Anh Hà Thành Luân, Bí thư Đoàn cơ sở Sở NN-PTNT cho biết, toàn bộ số pin cũ vẫn được đơn vị cất giữ cẩn thận và đựng trong các chai nhựa kín. Đoàn cơ sở đang tích cực kết nối với các tổ chức môi trường để tìm kiếm đơn vị tiếp nhận xử lý. Bên cạnh đó, các chi đoàn trực thuộc tiếp tục duy trì hoạt động đầy ý nghĩa này nhằm giảm bớt số lượng pin cũ bị vứt bỏ chung với rác thải sinh hoạt thông thường.
Đoàn viên Chi đoàn Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cùng thông điệp chiến dịch “Thu pin vì tương lai xanh”. |
Pin có lịch sử chế tạo và phát triển hơn 200 năm và mang lại nhiều tiện ích cho đời sống con người. Đây là công cụ lưu trữ năng lượng được sử dụng phổ biến không chỉ trong hiện tại mà còn nhiều năm nữa trong tương lai. Tuy nhiên, mỗi viên pin đều chứa rất nhiều hóa chất độc hại, nguy hiểm nhất là các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadimi… Pin đã qua sử dụng nếu bị vứt bỏ ra môi trường, chôn lấp hoặc đốt cùng rác thải sinh hoạt sẽ phát thải những hợp chất chứa kim loại nặng và các chất độc vào đất, nước, không khí, tác động nhiều mặt đến sức khỏe con người cũng như môi trường sống của các loại sinh vật khác.
Chính vì vậy, những năm gần đây, nhiều tổ chức đã đứng ra kêu gọi phân loại, thu gom pin đã qua sử dụng để xử lý chúng đúng cách. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hầu hết các chương trình, địa điểm tiếp nhận pin cũ đều tạm ngừng hoạt động. Điều này khiến cho số lượng pin cũ các tổ chức, cá nhân đang thu gom, tích trữ ngày một nhiều lên, rất cần các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh pin và các thiết bị sử dụng pin cùng chung tay thực hiện trách nhiệm với cộng đồng.
Đáng mừng nhất là thông qua các hoạt động truyền thông và thu gom pin cũ, mọi người đã dần ý thức được tác hại của pin đối với môi trường để điều chỉnh hành vi tiêu dùng, giảm sử dụng các vật dụng dùng pin không cần thiết hoặc chuyển qua sử dụng loại pin sạc nhiều lần thay thế cho pin chì sử dụng một lần. Mỗi chai pin cũ được tích trữ cũng là lời nhắc nhở thiết thực nhất để mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta.
Đinh Nga