Cao Dạ cẩm - kết tinh từ loại dược liệu quý

Những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Đa Phúc (Yên Thủy) đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm theo từng năm, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Cao Dạ cẩm của HTX Nông nghiệp Yên Trị đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu thu hái, phân loại, làm sạch đến nấu cao và bảo quản trong lọ kín.

Từ xa xưa, đồng bào dân tộc Mường ở huyện Yên Thủy đã biết dùng cây dạ cẩm hay còn gọi là dây ruột gà, dây ngón cúi để chữa bệnh đường ruột. Dạ cẩm được các thầy lang, mế Mường, thầy thuốc nam dùng để phối trộn với một số vị thuốc nam khác thành bài thuốc chữa bệnh đường ruột hiệu quả. Ngày nay, ngày càng có nhiều người tiêu dùng biết đến công dụng của cây dạ cẩm. Để loại dược liệu quý này phát huy tối đa công dụng, HTX Nông nghiệp Yên Trị, xóm Tân Thành, xã Yên Trị (Yên Thủy) đã nghiên cứu và đưa ra thị trường sản phẩm Cao Dạ cẩm.

Dạ cẩm thuộc họ cà phê, có tên khoa học là Hedyotis capitellata Wall. Trong y học cổ truyền, dạ cẩm có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, điều trị vết thương, làm vết loét se lại, mau lành, vì vậy loại cây này được dùng để hỗ trợ điều trị đau dạ dày khá hiệu quả. Trên địa bàn huyện Yên Thủy, dạ cẩm mọc và được trồng khá nhiều. Cây thường mọc thành từng bụi trườn và mượn cây khác để cuộn vào. Chiều dài của cây khoảng 1 - 4m. Khi còn non, thân cây có màu xanh hoặc tím. Cây già thường có thân sần sùi, màu xám mốc. Người dân địa phương thường lấy về đun cho những ai bị các bệnh về đường ruột uống.

Tuy nhiên, phương pháp nấu, đun uống thông thường không đủ liều lượng và khó bảo quản, dễ bị vi khuẩn xâm nhập làm ảnh hưởng đến chất lượng và giảm công dụng. Để khắc phục nhược điểm đó, HTX Nông nghiệp Yên Trị đã áp dụng kỹ thuật chiết xuất bằng công nghệ chiết chân không với nhiệt độ thấp. Theo đó, cây dạ cẩm được cô đặc thành dạng cao, vừa giữ được nguyên chất dược tính, vừa dễ dàng bảo quản, tiện lợi cho người sử dụng.

Ông Bùi Phi Nam, Giám đốc HTX Nông nghiệp Yên Trị cho biết: Dạ cẩm được ví như một loại thần dược của xứ Mường, là "khắc tinh” của những cơn đau dạ dày và viêm loét miệng. Khi sử dụng 100g cao Dạ cẩm sẽ tương đương với dùng 1,5kg cây dạ cẩm khô. Để làm ra 100g cao, HTX sử dụng 80g dạ cẩm cùng 5g cây khôi tía, 100g cây khôi đất cho vào nồi đun với khoảng 300ml nước. Cứ nấu cho đến khi thấy tất cả đông đặc lại thì đem ra để nguội và cất bảo quản trong lọ thủy tinh. Cao khi uống có vị đắng nhẹ ở đầu lưỡi và ngọt dần ở cuống lưỡi, người tiêu dùng có thể sử dụng cao hòa với nước để uống hàng ngày.

Toàn bộ quy trình sản xuất cao Dạ cẩm của HTX Nông nghiệp Yên Trị đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu thu hái, phân loại, làm sạch đến nấu cao. Được sản xuất bằng dây chuyền máy móc đầu tư bài bản nên sản phẩm cao Dạ cẩm có mùi thơm, màu đen, đặc sánh, tan nhanh trong nước, rất tiện lợi cho người sử dụng. Bên cạnh đó, thiết kế lọ đựng sản phẩm nhỏ gọn nên người tiêu dùng có thể bỏ túi mang theo đến nơi làm việc hoặc trong các chuyến công tác.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Yên Trị cho biết thêm: Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người tiêu dùng biết đến công dụng của cây dạ cẩm. Vì thế sản phẩm cao Dạ cẩm mở rộng được thị trường, đến với người tiêu dùng ở nhiều tỉnh, thành phố. Công dụng tốt, được sản xuất theo quy trình khép kín và bài bản, cao Dạ cẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Thu Hằng

Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/12/190319/Cao-Da-cam-ket-tinh-tu-loai-duoc-lieu-quy-.htm
Tin liên quan