Chính phủ thực sự của dân

Trong số các tài liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngay sau Ngày độc lập 2/9/1945 có bài báo “Chính phủ là công bộc của dân” ký tên Chiến Thắng đăng báo Cứu Quốc số 46 (19/9/1945).

Như tên gọi, bài báo ngắn chỉ tập trung nói một điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh xem là cốt tử đối với chính quyền mới non trẻ đang trong giai đoạn lâm thời khi đó: Chính phủ cách mạng là phục vụ nhân dân.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bác đối lập cái mới và cái cũ ngay mở đầu bài viết: “Non hai tháng trước đây, trước cuộc khởi nghĩa 19/8/1945, nói tới hai chữ Chính phủ người ta nghĩ ngay tới một bọn đầu đảng cướp nguy hiểm, xảo quyệt. Trái lại, ai ai đối với Chính phủ nhân dân hiện nay cũng đều có một cảm tình thân mật xen lẫn với một tôn kính sâu xa”.

Bác nói thẳng ngay vào vấn đề: “Người xưa nói: quan lại là công bộc của dân, ta cũng có thể nói: Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do, hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”.

Đó là phong cách tư duy, phong cách viết nổi bật của Hồ Chí Minh. Theo đúng phong cách ấy, sau khi nói Chính phủ ở cấp Trung ương, Bác Hồ nói ngay đến chính phủ ở cấp địa phương, đó là các UBND làng xã. Và cái ý chính phủ là công bộc của dân ở đây Bác không nói về kinh tế, xã hội, mà Bác đưa lên hàng đầu là “không được phạm vào công lý, vào tự do của dân chúng”. Bác chỉ ra ba điểm cụ thể như sau: một là, tránh bắt bớ đánh đập độc đoán, tịch thu tài sản không đúng lý; hai là, tránh lạm dụng công quỹ, chi tiêu tùy tiện; ba là, tránh gây bè kết cánh, đưa người trong nhà, trong họ vào làm việc với mình.

Bác Hồ không chỉ là nhà chiến lược thiên tài mà còn là người thực hành sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ. Ba nguy cơ cần đề phòng của bộ máy chính quyền cấp cơ sở mà Bác nêu ra ngay những ngày đầu dựng nước Việt Nam mới cho đến nay vẫn còn thời sự. Phương thuốc mà Bác đưa ra chỉ có một vị: tự do dân chủ cho dân, càng là cấp chính quyền cơ sở gần dân thì càng phải để dân được dân chủ tự do. Kết thúc bài báo ngắn của mình, Bác viết: “Ủy ban nhân dân là ủy ban có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng. Nó phải hành động đúng tinh thần tự do dân chủ đó”.

Rõ ràng, rành mạch như thế. Bản chất và chức năng của Chính phủ mới ở Trung ương và địa phương là phải tự do dân chủ cho dân chúng và để dân chúng được hưởng tự do dân chủ. Vì dân, do dân – đó là “ham muốn tột bậc” suốt cả cuộc đời cách mạng của Hồ Chí Minh. Chỉ khi thực sự vì dân, do dân thì chính phủ mới thực sự là của dân, còn không dân sẽ đối lập với chính phủ.

Phạm Xuân Nguyên

Nguồn: http://baodaklak.vn/chinh-tri/202309/chinh-phu-thuc-su-cua-dan-ff11171/
Tin liên quan