Xuất khẩu rau quả nửa đầu năm 2025 chỉ đạt 3,05 tỷ USD
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 6 năm 2025 ước đạt 750 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả 6 tháng đầu năm 2025 đạt 3,05 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2024. Mặt hàng rau quả của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tỷ trọng giá trị xuất khẩu chiếm 48,2%. Hai thị trường xuất khẩu rau quả lớn tiếp theo là Hoa Kỳ và Hàn Quốc với tỷ trọng giá trị xuất khẩu lần lượt là 9% và 5,7%.
Dự kiến xuất khẩu rau quả cả năm đạt được khoảng 5,5-6 tỷ USD
So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu hàng rau quả 5 tháng đầu năm 2025 sang thị trường Trung Quốc giảm 35,1%, thị trường Hoa Kỳ tăng 65,2%, thị trường Hàn Quốc giảm 5,3%. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng mạnh nhất ở thị trường Hồng Kông với mức tăng 69,2% và giảm mạnh nhất ở thị trường Trung Quốc với mức giảm 35,1%.
Năm 2025, ngành rau quả đạt mục tiêu xuất khẩu 7,6 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2024. Để đạt được con số này, 6 tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả phải thu về 4,55 tỷ USD. Đây là con số khá áp lực do thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam – Trung Quốc giảm nhập khẩu các mặt hàng chiến lược của Việt Nam như sầu riêng, thanh long, chuối, mít.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho hay, dù các thị trường xuất khẩu khác tăng trưởng bình thường, tuy nhiên, do kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này chưa lớn bằng Trung Quốc, nên khi Trung Quốc sụt giảm xuất khẩu một vài mặt hàng chiến lược, sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch chung. Do đó, dự kiến xuất khẩu rau quả cả năm đạt được khoảng 5,5-6 tỷ USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên phân tích, theo số liệu của Cục Hải quan (Bộ Tài chính) đến hết tháng 5/2025, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam chỉ đạt 387 triệu USD, trong đó, riêng thị thị trường Trung Quốc chỉ được 278 triệu USD, giảm 67%. Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của thị trường Trung Quốc giảm quá sâu, kéo tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành rau quả từ đầu năm đến nay giảm.
“Năm ngoái chúng ta xuất khẩu sầu riêng đạt 3,2 tỷ USD, nếu tính tốc độ kim ngạch sầu riêng giảm khoảng 60%, như vậy, năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng dự kiến sụt giảm khoảng 1,8 tỷ USD”, ông Đặng Phúc Nguyên nói.
Nhận định về kim ngạch xuất khẩu rau quả nói chung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến chia sẻ, theo số liệu xuất khẩu ước tính vào thời điểm tháng 6/2025, khả năng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng rau quả có thể sụt giảm hơn so với mục tiêu đặt ra, ước tính chỉ đạt khoảng 6,6 tỷ USD giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2024.
Đồng bộ các giải pháp triển khai
Thị trường xuất khẩu rau quả chứa đựng nhiều yếu tố không thuận. Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Nông nghiệp và Môi trường hiện đã xây dựng kế hoạch cũng như đề ra nhiệm vụ cụ thể cho từng mặt hàng, trong đó có mặt hàng rau quả.
Theo đó, với thị trường Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận định, trong thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động thích ứng, đáp ứng yêu cầu của thị trường này. Bên cạnh đó, người tiêu dùng tại Hoa Kỳ đang có xu hướng đầu tư nhiều hơn cho sức khỏe khi sử dụng các loại trái cây và rau quả tươi, độc lạ để phục vụ chế độ ăn uống lành mạnh. Đây là cơ hội cho ngành rau quả Việt Nam.
6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp cần tăng tốc thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, trong đó, tập trung sản phẩm trái cây đặc sản là thế mạnh xuất khẩucủa Việt Nam như dừa tươi, xoài, bưởi, chanh dây,…. Đồng thời, đẩy mạnhxuất khẩu bổ sung các sản phẩm chế biến, đặc biệt các sản phẩm chế biến từ dừa và xoài đang có lợi thế tăng trưởng tốt.
Bên cạnh đó, ngành hàng rau quả cần duy trì và thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường lớn, ưu tiên lựa chọn các thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro và gia tăng giá trị xuất khẩu bền vững.
"Với Trung Quốc - thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ nhất của Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận định, Trung Quốc đã giảm thuế hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam (trong đó có trái cây tươi) trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường rộng lớn này; trong đó, mặt hàng dừa tươi có triển vọng tăng trưởng tốt tại thị trường Trung Quốc", Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận định.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Nâng cao mức độ tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm để giữ vững thị trường, đặc biệt các mặt hàng có giá trị cao đang bị thị trường nhập khẩu kiểm soát chặt.
Nắm bắt thông tin, theo dõi việc thông quan, xuất nhập khẩu nông sản qua khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh vào thời điểm thu hoạch chính vụ nông sản và dịp Tết nguyên đán.
Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, gia tăng xuất khẩu các mặt hàng trái cây đã được xuất khẩu chính ngạch và có lợi thế gia tăng thị phần như dừa tươi, thanh long, mít, chuối, dưa hấu, xoài, nhãn, măng cụt, vải thiều, chôm chôm, chanh dây, sầu riêng;…
Với mặt hàng sầu riêng, ông Đỗ Hồng Khanh, Chánh văn phòng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết nửa đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 5.217 lô sầu riêng tươi với sản lượng gần 130.000 tấn, giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh lại tăng gấp 3 lần với 388 lô, tương ứng sản lượng 14.282 tấn.
Tiềm năng xuất khẩu sầu riêng đông lạnh được nhìn nhận sẽ tiếp tục là điểm sáng trong thời gian tới nhờ tính ổn định, khả năng bảo quản lâu. Hiện nay cũng đã có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư dây chuyền chế biến và kho lạnh hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn của Trung Quốc và các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU...
Với việc thị trường Trung Quốc đã phê duyệt thêm gần 1.000 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, cùng với những tín hiệu tốt từ một số thị trường nhập khẩu, Cục Bảo vệ thực vật dự báo, xuất khẩu sầu riêng tươi có khả năng phục hồi từ quý III/2025, đặc biệt là vào mùa vụ chính từ tháng 8 - 10.
"Tuy nhiên, mức phục hồi vẫn phụ thuộc lớn vào việc doanh nghiệp và nông dân có duy trì được điều kiện an toàn thực phẩm như đã cam kết hay không. Nếu tình trạng vi phạm vẫn còn tái diễn thì rủi ro xuất khẩu với ngành hàng này vẫn còn rất lớn", ông Khanh nhấn mạnh.
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận định, hiện kim ngạch xuất khẩu rau quả chế biến chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng rau quả. Các doanh nghiệp hiện đang đẩy mạnh chế biến sâu nhằm giảm áp lực tiêu thụ khi nông sản vào mùa vụ thu hoạch, giảm chi phí vận chuyển, gia tăng giá trị nông sản, trái cây xuất khẩu. Do đó, đây cũng là hướng đi lâu dài cho ngành rau quả Việt Nam.