Đổi thay của chợ truyền thống: Văn minh, an toàn, hiệu quả

Việc thực hiện mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả" đã góp phần hình thành những chuẩn mực văn hóa của người dân, tiểu thương; qua đó góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Những đổi thay cần thiết

Tọa lạc tại số 79 Phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội, chợ Hôm Đức Viên là khu chợ nổi tiếng và lâu đời nhất (bên cạnh chợ Đồng Xuân, chợ Long Biên và chợ Quảng Bá). Chợ mở cửa từ 6h - 18h tất cả các ngày trong tuần. Đây đã từng là khu chợ sầm uất, nổi tiếng nhộn nhịp, địa điểm mua sắm lý tưởng cho các bà nội trợ.

Đổi thay của chợ truyền thống: Văn minh, an toàn, hiệu quả

Chợ Hôm Đức Viên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Thế nhưng, đó là chợ Hôm của nhiều năm về trước. Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng online, chợ Hôm rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ giống như nhiều khu chợ truyền thống nổi tiếng khác trên địa bàn Thủ đô.

Khi thói quen mua sắm của người tiêu dùng thay đổi, chủ động đổi mới để tiếp cận với khách hàng là yêu cầu đặt ra với các cửa hàng kinh doanh truyền thống. Ứng xử văn minh, không chèo kéo, ép giá, thanh toán không dùng tiền mặt… là một trong những đổi thay cần thiết.

Mỗi cửa hàng kinh doanh đều niêm yết bộ quy tắc ứng xử của thành phố, chủ cửa hàng niềm nở, nhiệt tình, không chèo kéo, nói thách… là cảm nhận của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô khi ghi nhận thực tế tại chợ Hôm những ngày đầu tháng 8.

Chợ có đa dạng các mặt hàng phục vụ cho nhu cầu của gia đình, từ quần áo, vải vóc, giày dép đến thực phẩm, trái cây… Đối tượng phục vụ chủ yếu là các bà nội trợ, học sinh, sinh viên, những người dân xung quanh.

Mặt hàng nhiều nhất ở khu chợ này chính là vải vóc. Tại đây, những mẫu mã, chủng loại vải thì vô cùng phong phú, đa dạng. Khách hàng có thể lựa chọn những loại vải may quần áo, chăn ga, rèm… Những loại vải cũng có nhiều loại, từ bình dân đến hàng cao cấp. Ngoài ra, còn có nhiều quầy bán quần áo may sẵn cho bạn tha hồ lựa chọn.

Chị Nguyễn Thị Huế, trú tại phường Lê Đại Hành chia sẻ: “Trước đây mình rất ngại vào chợ vì cảnh chen lấn, xô đẩy, mời chào, nói thách. Tuy nhiên, giờ đây, tình trạng này gần như không còn tồn tại. Hơn nữa quầy hàng nào cũng in sẵn mã QR để khách hàng tiện thanh toán”.

Phó Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin quân Hai Bà Trưng Thành Thị Kiều Oanh cho biết thêm: UBND quận đã tổ chức tập huấn các nội dung quy tắc ứng xử (QTƯX) cho Ban Quản lý các chợ, đưa nội dung QTƯX vào nội quy chợ; đồng thời tổ chức ký cam kết giữa các hộ kinh doanh với cơ quan chức năng về chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong kinh doanh, buôn bán.

Đổi thay của chợ truyền thống: Văn minh, an toàn, hiệu quả

Quy tắc ứng xử nơi công cộng được các tiểu thương niêm yết trong quầy hàng

Hội Liên hiệp Phụ nữ quận tuyên truyền, vận động hội viên kinh doanh khối chợ thực hiện văn hóa ứng xử văn minh thương mại gắn với 4 phẩm chất đạo đức “tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”.

Các tiểu thương cùng nhau trao đổi những kiến thức, kinh nghiệm về văn hóa ứng xử văn minh thương mại tại chợ như: Sắp xếp hàng hoá kinh doanh gọn gàng, ngăn nắp, dễ thấy, dễ lấy; giao tiếp với khách hàng và đồng nghiệp văn minh, lịch sự; không nói thách giá quá mức; giữ gìn vệ sinh môi trường; phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự tại chợ; không kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả…

Hiệu quả thiết thực

Không chỉ có chợ Hôm, tại Phố Lụa (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội), các cửa hàng kinh doanh đều niêm yết giá, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Để có được kết quả trên, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Hà Đông Phạm Đình Tuyên cho biết, thực hiện mô hình tuyên truyền chợ văn minh, phòng đã làm điểm tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, hướng dẫn tiểu thương các nghiệp vụ bán hàng, thân thiện với du khách, không chèo kéo, tăng giá, ép giá du khách sử dụng sản phẩm, thực hiện đầy đủ việc niêm yết giá, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Đánh giá cao những kết quả đã đạt khi triển khai mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”, Trưởng ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hoàng Thu Hồng chia sẻ: "Khi triển khai mô hình, chúng tôi nhận thấy nhiều khó khăn. Hiện nay, chợ truyền thống không thu hút được người mua như trước do sự cạnh tranh của hệ thống bán hàng online, các cửa hàng tiện ích và trung tâm thương mại, siêu thị.

Đổi thay của chợ truyền thống: Văn minh, an toàn, hiệu quả

Đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội kiểm tra việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử tại chợ Hôm

Từ thực tế đó, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để tiểu thương hiểu được những lợi ích khi môi trường chợ truyền thống trở nên văn minh hơn. Đơn cử như việc niêm yết giá để người dân đến chợ không phải mặc cả, có thể dùng mã QR để thanh toán… nhằm rút ngắn khoảng cách giữa chợ truyền thống và những loại hình kinh doanh khác”.

Tính đến nay, mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” mang lại những hiệu quả thiết thực, tiểu thương đồng thuận hưởng ứng. 20 mô hình do Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội phát động gắn với việc thực hiện bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng của thành phố đã được triển khai.

Mô hình bước đầu có kết quả tích cực, góp phần gìn giữ nét đẹp của chợ truyền thống và nhân lên hình ảnh người phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp, văn minh, thanh lịch.

Hà Nội hiện có hơn 400 chợ với hơn 90.000 hộ kinh doanh, trong đó đa phần là nữ tiểu thương.

Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng mô hình này tại 35 chợ truyền thống ở các quận, huyện, thị xã. Ngoài những tiêu chí như cơ sở hạ tầng, hệ thống quản lý, thì ý thức văn minh trong thương mại của tiểu thương là yếu tố quyết định hàng đầu.

Link bài gốc Copy link
 
Tác giả: Ngọc Minh
Nguồn: http://tuoitrethudo.com.vn/https://tuoitrethudo.vn/doi-thay-cua-cho-truyen-thong-van-minh-an-toan-hieu-qua-256466.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật