Du lịch Việt: Thời cơ tăng trưởng nhờ cách nhìn mới

Phát triển sản phẩm cao cấp, tận dụng trí tuệ nhân tạo có thể giúp du lịch Việt Nam hoàn thành mục tiêu đón khoảng 22-23 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025

Mục tiêu khả thi với nền tảng sẵn có

Năm 2025, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu thực hiện mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế (thị trường du lịch inbound). Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu nhận định, năm 2025 là năm có nhiều ngày lễ lớn của đất nước. Ngành du lịch đang đứng trước những cơ hội lịch sử xuất phát từ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò động lực của du lịch trong nền kinh tế; thị trường khách du lịch quốc tế còn nhiều dư địa tăng trưởng trong điều kiện đã có các chính sách thuận lợi về thị thực và xuất nhập cảnh.

Trên thực tế, với thủ tục đơn giản, thuận tiện, lại có giá trị nhập cảnh nhiều lần trong vòng 90 ngày, thị thực điện tử đã giúp Việt Nam trở nên thân thiện hơn trong mắt các du khách quốc tế.

Nhận định về mục tiêu đón 22-23 triệu khách du lịch nước ngoài, ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing Công ty du lịch Best Price Travel nhận định rằng, con số này hoàn toàn khả thi dù có tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tiềm năng hiện nay của Việt Nam, ngành du lịch thậm chí có thể vượt cao hơn mục tiêu kể trên bởi nhiều yếu tố.

Cụ thể, hiện nay, vấn đề ngoại giao chính trị của Việt Nam đang rất phát triển. Điển hình, mỗi lần các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thực hiện gặp gỡ, làm việc với các lãnh đạo của các nước trên thế giới, vị thế của nước ta đều được nâng cao đáng kể, đi kèm nhiều sự kiện giao lưu văn hóa, thúc đẩy du lịch. Bên cạnh đó, theo ông Bùi Thanh Tú, hình ảnh của Việt Nam đang được lan tỏa một cách tích cực trên thế giới, được biết đến là quốc gia ổn định chính trị, an ninh - trật tự, tạo nên cảm giác an toàn đối với các du khách quốc tế khi nghĩ tới việc du lịch Việt Nam.

Năm 2024, du lịch Việt Nam tiếp tục được quốc tế đánh giá cao. Việt Nam đã vượt qua nhiều ứng viên nặng ký để giành 3 giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”. Đây là lần thứ 6 Việt Nam được tôn vinh là “Điểm đến hàng đầu châu Á”, khiến vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới ngày càng được khẳng định. Du lịch Việt Nam đã hướng vào thực chất khi khai thác hiệu quả các lợi thế về tài nguyên văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm qua đã xếp hạng cao nhiều chỉ số của du lịch Việt Nam.

Điểm đến Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Ảnh: Nguyễn Quang Vinh
Điểm đến Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Ảnh: Nguyễn Quang Vinh

Ngoài ra, theo nhận định của ông Bùi Thanh Tú qua các buổi làm việc, tiếp xúc với chính quyền địa phương cùng với cộng đồng doanh nghiệp lữ hành, các đơn vị này đều đã xác định du lịch là một trong những nguồn thu trọng điểm, nên đã tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng về văn hóa Việt Nam, giúp du khách có trải nghiệm mới. Để lấy ví dụ cho tiềm năng tăng trưởng khách du lịch, ông Bùi Thanh Tú thông tin, năm nay, doanh nghiệp mà ông đang làm việc đặt mục tiêu tăng 200% so với năm 2024 về số lượng khách nước ngoài.

"Chìa khóa" cho thị trường inbound năm 2025

Để thúc đẩy quy mô thị trường du lịch inbound của Việt Nam, một số chuyên gia nhận định rằng, cần tiếp tục mở rộng khai thác đối với một số quốc gia chưa tương xứng đối với tiềm năng. Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, trong năm 2024, dù vẫn ở trong những thị trường gửi khách lớn tới Việt Nam, có tổng cộng 780.000 lượt khách Mỹ, 491.000 lượt khách Australia tới Việt Nam trong khi con số này có thể được phát triển hơn nữa.

Cách chi tiêu của những du khách Mỹ và Australia cho các sản phẩm du lịch chất lượng tốt khá mạnh tay. Cùng với đó, hiện nay, Việt Nam và Australia cũng có nhiều đường bay thẳng để cung cấp cho du khách. Do đó, hướng đến việc mở rộng các thị trường này sẽ góp phần mở rộng doanh thu du lịch của Việt Nam”, ông Bùi Thanh Tú nhận định.

Đáng chú ý, phân khúc khách quốc tế cao cấp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành du lịch. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đối tượng khách này, du lịch Việt Nam đã xác định ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc biệt là thu hút du khách có chi tiêu cao.

Trong thời gian tới, một số chuyên gia cho rằng cần chú trọng đầu tư vào các sản phẩm du lịch cao cấp, đảm bảo tính độc đáo, nguyên bản, và cá nhân hóa, kết hợp hài hòa với văn hóa, thiên nhiên và môi trường, mang lại những trải nghiệm trọn vẹn và đẳng cấp cho du khách.

Đồng thời, thương hiệu du lịch Việt Nam gần đây đã có sự chuyển mình từ hình ảnh du lịch giá rẻ sang một điểm đến đẳng cấp và chất lượng. Những tín hiệu tích cực đã rõ ràng khi nhiều tỷ phú và du khách quốc tế với chi tiêu cao lựa chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức các sự kiện quan trọng.

Đám cưới của chú rể Vivek Dinodiya và cô dâu Anmol Garg tại Vinpearl Resort and Spa Hạ Long. Ảnh: Vinpearl.
Một đám cưới của du khách nước ngoài tại Vinpearl Resort and Spa Hạ Long. Ảnh: Vinpearl.

Năm 2025, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã đề ra các giải pháp đồng bộ để phát triển sản phẩm du lịch cao cấp, bao gồm cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng, và xây dựng hệ sinh thái du lịch cao cấp.

Đồng thời, cơ quan này cũng đề xuất các chính sách hỗ trợ như du lịch tàu biển, golf, MICE (du lịch gắn với tổ chức sự kiện hội nghị, hội thảo) và mua sắm giải trí quốc tế. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp du lịch và địa phương để tạo ra hệ sinh thái sản phẩm cao cấp, giúp ngành du lịch phát triển mạnh mẽ.

Đáng chú ý, áp dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao khả năng tiếp cận khách du lịch cũng đang là một điểm sáng của ngành du lịch năm nay. Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Thanh Tú cho biết: Chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp lữ hành hiện đã trở thành yếu tố cơ bản, để đi xa hơn, chúng ta cần biết cách tận dụng trí tuệ nhân tạo.

"Điển hình, chúng tôi đang sử dụng công nghệ này với khả năng đa ngôn ngữ để có thể trao đổi với các khách hàng quốc tế một cách nhịp nhàng. Trong thời gian tới, chúng tôi hướng đến việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để gợi ý cho khách quốc tế về hành trình khi du lịch Việt Nam dựa trên thói quen chi tiêu, du lịch của du khách tại từng quốc gia. Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo cũng có thể hỗ trợ nhiều bộ phận khác như quảng cáo, thống kê, giúp nâng cao năng suất làm việc nhằm phát triển nguồn thu cho các doanh nghiệp lữ hành” ông Bùi Thanh Tú nhấn mạnh.

Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2024 đạt gần 17,6 triệu lượt, tăng 39,5% so với năm 2023 và đạt 97,6% so với năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

 

 
Tác giả: Trần Đình
Nguồn: https://congthuong.vn/du-lich-viet-thoi-co-tang-truong-nho-cach-nhin-moi-372228.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật