![]() |
Điểm đặc trưng giúp tăng giá trị các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là câu chuyện văn hoá phía sau. Những câu chuyện này đã được kể lại nhờ sàn thương mại điện tử. |
Tỉnh Hoà Bình là một trong những địa phương có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng đặc trưng, có tiềm năng lớn về phát triển nông sản chất lượng cao. Trong đó, cam Cao Phong đã trở thành biểu tượng và niềm tự hào của bà con nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Không chỉ nổi tiếng bởi vị ngọt thanh, mọng nước, cam Cao Phong còn chinh phục người tiêu dùng bằng việc đảm bảo sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, ngày càng chinh phục người tiêu dùng. Ông Đinh Công Sứ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình cho biết, bên cạnh lợi thế, cam Cao Phong cũng đang đối mặt với những thách thức về mở rộng thị trường, cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu và xây dựng thương hiệu riêng trong lòng người tiêu dùng. Song từ khi kết hợp với sàn thương mại điện tử nongsan.buudien.vn, “bài toán” tiêu thụ bền vững, hiệu quả cho tiêu thụ cam Cao Phong và nông sản Hoà Bình đã có thêm lời giải. Kênh tiêu thụ cho sản phẩm đa dạng hơn, cơ hội cho sản phẩm được bán với đúng giá trị cao hơn. |
![]() |
Cam Cao Phong là một trong những loại nông sản đầu tiên được đưa lên sàn thương mại điện tử chuyên biệt về nông sản - nongsan.buudien.vn ra mắt vào tháng 12/2024. Theo đại diện sàn thương mại điện tử nongsan.buudien.vn, hiện nay, sàn thương mại điện tử này đang chuẩn bị những bước cần thiết để đón đầu mùa thu hoạch rộ nông sản sẽ diễn ra trong vài tháng tới. Ông Nguyễn Trường Giang, Phụ trách Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam – chủ đầu tư sàn thương mại điện tử nongsan.buudien.vn cho biết, đất nước ta đang ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm của bạn bè quốc tế không chỉ bởi Việt Nam thân thiện, hoà bình với những danh lam, thắng cảnh mà còn là bởi ẩm thực và văn hoá Việt Nam. Đặc biệt là ẩm thực mang đậm nét văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số với những sản phẩm đặc trưng như những cây trà cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở Tây Bắc; những loại nông sản của bà con Hoà Bình, Phú Thọ… |
![]() |
Những trải nghiệm khó quên khi được thưởng thức các loại nông sản vùng miền chất lượng, cùng trách nhiệm được Nhà nước giao phó đã giúp Bưu điện Việt Nam quyết tâm xây dựng và vận hành sàn thương mại điện tử chuyên biệt đầu tiên về nông sản với mục tiêu đem lại cho người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Bên cạnh đó, mỗi sản phẩm trên sàn đều có câu chuyện về văn hoá và về những trải nghiệm. Hiện nongsan.buudien.vn cũng là nơi duy nhất tổ chức bài bản việc hỗ trợ người nông dân, đặc biệt là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong việc quảng bá, tiếp thị và bán sản phẩm nông sản ra thế giới bên ngoài trên môi trường số và cả những cửa hàng offline của Bưu điện Việt Nam trên toàn quốc. Với phương châm “Mỗi sản phẩm là một món quà đến tay người tiêu dùng” cùng sự nghiêm ngặt trong lựa chọn sản phẩm, nền tảng thương mại điện tử mới được vận hành theo 4 tôn chỉ: Chất lượng dẫn đầu thị trường; gia tăng giá trị văn hóa; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, truyền thông, marketing và cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh nhất và an toàn nhất. Sự khác biệt của nongsan.buudien.vn ở chỗ từng câu chuyện về đặc điểm vùng trồng, khí hậu, thổ nhưỡng, văn hóa, yếu tố lịch sử liên quan đến mỗi loại nông sản đều được mô tả chi tiết trên từng sản phẩm, giúp khách hàng thấy gần gũi, thân quen, tin tưởng hơn, đồng thời gia tăng giá trị cho sản phẩm. |
![]() |
Theo đó, nongsan.buudien.vn được vận hành với mục tiêu không chỉ đơn thuần là sàn thương mại điện tử mua bán, thương mại mà còn là cầu nối nơi người nông dân vượt ra khỏi khuôn khổ của lũy tre làng để kể, để trao gửi những câu chuyện gắn với nông sản quê hương, thấm đẫm bản sắc văn hóa vùng miền. Các sản phẩm được bán trên sàn thương mại điện tử nongsan.buudien.vn được tuyển chọn qua nhiều khâu đánh giá, đẹp về hình thức, xuất sắc về chất lượng và mang nét đặc trưng riêng biệt của từng địa phương. |
Số liệu thống kê mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt mức cao kỷ lục 62,4 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu rau quả đạt 7,2 tỷ USD, xuất khẩu sầu riêng, dừa và các loại trái cây nhiệt đới tăng trưởng mạnh nhờ mở rộng thị trường sang Trung Quốc và các quốc gia khác. Tuy nhiên, sự đóng góp của các sàn thương mại điện tử Việt vào kết quả trên chưa cao. Số lượng sàn thương mại điện tử chuyên về nông sản còn hạn chế và hiệu quả hoạt động chưa như kỳ vọng. Đơn cử, sàn Voso.vn chuyên về sản phẩm vùng miền đã ngừng hoạt động từ năm 2023 với lý do để nâng cấp website. |

Ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số - Bộ Thông tin và Truyền thông lưu ý, nông sản là mặt hàng có tính đặc thù, chỉ giữ giá trị dinh dưỡng tươi ngon trong khoảng thời gian rất ngắn. Do đó, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử không chỉ đơn giản là lập cửa hàng online rồi đưa sản phẩm lên bán. Các sàn thương mại điện tử Việt muốn kinh doanh thành công mặt hàng nông sản thì nên học hỏi kinh nghiệm quốc tế, chẳng hạn như kinh nghiệm của Trung Quốc, đó là phải đưa nông sản đến gần người dân hơn qua hệ thống cả online và offline. Trong bối cảnh đó, nhằm kết nối giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản và sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, cũng trong tháng 12/2024, Bưu điện Việt Nam đã tổ chức Lễ khai trương 3 Cửa hàng nông sản Bưu điện tại số 4 đường Quang Trung, quận Hà Đông; số 305 Phố Tây Sơn, quận Đống Đa và số 2D Phố Giảng Võ, quận Ba Đình. |
![]() |
Ông Phạm Quyết Tiến – Giám đốc Trung tâm Kinh doanh sàn Nông sản và Thương mại điện tử, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, mỗi cửa hàng được thiết kế để cung cấp gần 200 sản phẩm đa dạng, bao gồm các mặt hàng nông sản và sản phẩm OCOP chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày. Bên cạnh đó là các sản phẩm có thể lựa chọn để làm quà biếu, tặng ý nghĩa dành cho người thân và bạn bè, như: Cam Cao Phong, Dưa lưới Ninh Thuận, Mỳ Chũ, Mộc nhĩ Cao Bằng, Hành tím Phan Rang... Không chỉ dừng lại ở các cửa hàng này mà phát huy lợi thế mạng lưới 13.000 điểm phục vụ, trong đó có hơn 8.000 Bưu điện - Văn hoá xã trải rộng tới tận thôn bản, Vietnam Post sẽ tiếp tục phát huy những giá trị, sứ mệnh lịch sử của điểm Bưu điện -Văn hóa xã trong giai đoạn trước. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai sứ mệnh mới của Bưu điện - Văn hóa xã trong việc kết nối nông sản và văn hóa. Qua đó, giúp các hộ sản xuất tại nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các khu vực khó khăn khác kết nối trực tiếp với thị trường, mở rộng cơ hội tiêu thụ nông sản, lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi vùng miền. Đây cũng là bước chuyển mình của Bưu điện - Văn hóa xã để đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới. |
Không chỉ bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử đơn thuần mà sàn thương mại điện tử chuyên biệt nongsan.buudien.vn còn quyết tâm đưa câu chuyện về các sản phẩm nông sản đặc trưng đến với người tiêu dùng bằng câu chuyện đặc biệt phía sau. Đây là lý do Vietnam Post và TikTok đã ký kết Thỏa thuận hợp tác nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn. Là nền tảng nội dung số hàng đầu với một cộng đồng đông đảo các nhà sáng tạo trẻ nhiệt huyết, TikTok đã trở thành “trung tâm kết nối” hàng triệu nhà sáng tạo nội dung trên cả nước, chung tay lan tỏa các câu chuyện thú vị về vùng đất, con người, sản vật của nhiều địa phương qua các video ngắn và livestream, góp phần quảng bá văn hoá, thúc đẩy hiệu quả du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Để nâng tầm sứ mệnh của Bưu điện - Văn hóa xã trong kỷ nguyên mới, Vietnam Post và TikTok Việt Nam cùng các đối tác Quản lý Mạng lưới Nhà Sáng tạo nội dung (MCN) như Vitamin Network sẽ phối hợp lan tỏa giá trị văn hóa vật thể (nông sản, đặc sản địa phương) và phi vật thể (câu chuyện của từng đặc sản, phong tục tập quán, các nét đẹp văn hóa gắn với mỗi loại đặc sản) từ các vùng miền đến người dùng trong nước và thế giới. Đồng thời giúp người dân tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp cận nhanh chóng, thuận với hàng trăm đặc sản của các địa phương trên cả nước thông qua điểm Bưu điện - Văn hóa xã. |
![]() |
Ngoài ra, hai đơn vị sẽ “bắt tay” nâng cao năng lực kỹ năng số cho nhân viên Bưu điện - Văn hóa xã trở thành những đại sứ quảng bá nông sản và các giá trị văn hóa địa phương trên nền tảng số. Ông Nguyễn Lâm Thanh, CEO TikTok Việt Nam, cho biết, phía TikTok sẽ cung cấp thêm công cụ để đội ngũ nhân viên bưu điện - văn hóa xã trở thành những “đại sứ” truyền tải câu chuyện làng xã, giới thiệu sản vật, hàng hóa của địa phương đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. “Ngay trong quý I/2025, chúng tôi sẽ phát động chương trình cho cán bộ/nhân viên bưu điện - văn hóa xã làm video đầu tiên giới thiệu địa phương mình. Từ đó, lựa chọn 500 người ưu tú nhất, đào tạo họ thành hạt nhân, sau này đi đào tạo tiếp, để năm 2025 đạt mục tiêu 2.000 'đại sứ' của các địa phương”, ông Nguyễn Lâm Thanh chia sẻ. Việt Nam là quốc gia sở hữu số lượng nông sản dồi dào, phong phú. Nông sản khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lại mang những đặc trưng riêng khi sở hữu một câu chuyện văn hoá đặc biệt phía sau. Mỗi một kênh phân phối các sản phẩm của khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dù hoạt động theo hình thức nào cũng đều mang một sứ mệnh nhân văn là tôn vinh nông sản Việt, kết nối, hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản theo một phương thức nhanh, hiện đại và bền vững dựa trên công nghệ số. Từ đó, kết nối giao thương để từng bước tạo nên thị trường kinh doanh số hoàn hảo, nâng tầm, chắp cánh nông sản, đặc sản Việt trở thành “sản phẩm tinh hoa”, là thức quà mang ý nghĩa đặc biệt và vươn tầm ra thị trường thế giới. |
Phương Lan Đồ họa: Ngọc Lan |