Kon Tum: 85,3% cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm

Vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum đã có báo cáo về kết quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) quý II năm 2022. Dựa trên những kết quả của báo cáo đã cho thấy tầm quan trọng của việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm ATTP.

Cụ thể, trong quý II của năm, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm ATTP tại địa phương như triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022, tăng cường quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, triển khai thực hiện Kế hoạch hành động bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022…

Đồng thời, các công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP cũng được triển khai đầy đủ từ cấp tỉnh xuống cấp huyện, cấp xã. Trong đó, ngành Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đơn vị như ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Công Thương, ngành Giáo dục và Đào tạo, Cục Quản lý thị trường và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP trên sóng truyền hình, sóng phát thanh, các lớp tập huấn quy định của pháp luật và kiến thức về ATTP cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống…

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh đã phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Sa Thầy tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì ATTP” năm 2022 với hơn 500 người tham dự. 

Lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” được tổ chức tại thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum ngày 19/4/2022 (Ảnh: vfa.gov.vn/)

Đặc biệt, công tác thanh tra kiểm tra toàn tỉnh đã được đẩy mạnh. Toàn tình đã kiểm tra 1.655 cơ sở trong tổng số 7.383 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn. Trong đó, có 1.411 cơ sở đạt tiêu chuẩn ATTP, chiếm tỷ lệ 85,3%.

Riêng ngành Y tế đã thành lập 01 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP và 01 đoàn kiểm tra chuyên ngành. Các đoàn đã kiểm tra 98 cơ sở, lấy mẫu kiểm tra chất hàn the, formol, ôi khét dầu mỡ, phẩm màu, nitrat và sulfite. Kết quả có 94 cơ sở đạt tiêu chuẩn. 

Cũng trong quý II, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 46 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản. Trong đó phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 02 cơ sở với số tiền là 6.000.000 đồng. Đồng thời, tiến hành kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng đối với 16 hộ gia đình, kết quả cho thấy người dân đã sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”, sử dụng thuốc sinh học, đảm bảo được thời gian cách ly theo hướng dẫn sử dụng, sử dụng thuốc trong danh mục được phép sử dụng theo quy định.

Ngoài ra, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh đã kiểm tra, xử phạt 04 cơ sở vi phạm quy định về ATTP, tổng số tiền phát lên đến 16.000.000 đồng. Cụ thể tại 04 cơ sở này, nơi chế biến kinh doanh bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập. Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra độc lập 33 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 04 cơ sở không niêm yết giá hàng hóa tai địa điểm phải niêm yết giá và kinh doanh hàng hóa nhập lậu với số tiền là 3.750.000 đồng.

Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Ia H’Drai đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về chất lượng vệ sinh ATTP tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. (Ảnh: kontumtv.vn/)

Tại các địa phương, 10 đoàn kiểm tra ATTP cấp huyện và 74 đoàn cấp xã đã được thành lập. Kết quả trong quý II, các đoàn đã kiểm tra 1.458 cơ sở, trong 1.228 cơ sở đạt tiêu chuẩn ATTP. Đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính 05 cơ sở với số tiền là 3.000.000 đồng; tiêu hủy sản phẩm thực phẩm tại 11 cơ sở với 19 loại sản phẩm gồm 68,33 kg thực phẩm rắn và 56,95 lít thực phẩm lỏng… Theo báo cáo từ phía tuyến huyện, tuyến xã, các lỗi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm hết hạn sử dụng; vi phạm quy định về không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; nơi chế biễn, kinh doanh bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập…

Một số nhiệm vụ khác cũng được thực hiện theo đúng kế hoạch như việc triển khai đường dây nóng về ATTP. Tổng số đường dây nóng trên địa bàn tỉnh là 318, trong đó tuyến tỉnh có 03 đường dây nóng, tuyến huyện có 215 đường dây nóng và tuyến xã có 100 đường dây nóng. Trong quý II, không tiếp nhận và xử lý vụ vi phạm nào về ATTP.

Ngoài ra, đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, tính riêng quý II năm 2022, toàn tỉnh đã duy trì, phát triển 02 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 7.919 ha. Đồng thời hình thành 07 cánh đồng lớn với 04 loại cây trồng là cà phê, mía, ngô sinh khối, lúa nước tại các huyện theo mô hình liên kết sản xuất. Bên cạnh đó, công nhận 02 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,… Tại các tuyến huyện, thành phố, đã triển khai xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng khoa học công nghệ để lựa chọn ra những giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, phù hợp điều kiện địa bàn để chuyển giao cho người nông dân...

Phương Loan

Nguồn: https://congnghiepsinhhocvietnam.com.vn/tin-tuc/t2616/kon-tum-85-3-co-so-dat-tieu-chuan-an-toan-thuc-pham.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật