Căn cứ vào Công văn số 586/UBND-TNMT, ngày 26/4/2022 của UBND huyện Krông Ana về việc triển khai các bước thực hiện Dự án mở đường vành đai quanh Hồ Sen, Đảng ủy thị trấn Buôn Trấp đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc triển khai dự án này. Trong đó, xác định công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân vùng dự án tự nguyện hiến đất, tháo dỡ tài sản, vật kiến trúc là nhiệm vụ trọng tâm và hoàn thành trong năm 2022.
Theo Chủ tịch UBND thị trấn Buôn Trấp Trịnh Thành Đô, việc triển khai Dự án mở đường vành đai quanh Hồ Sen có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với thị trấn Buôn Trấp nói riêng, huyện Krông Ana nói chung. Dự án được triển khai, hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng, chỉnh trang bộ mặt đô thị khu vực trung tâm thị trấn, khai thác tốt tiềm năng du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Từ ý nghĩa thiết thực đó, kế hoạch thực hiện vận động giải phóng mặt bằng (GPMB) được cấp ủy, chính quyền các cấp của thị trấn triển khai đến các thôn, tổ dân phố vùng ảnh hưởng dự án.
Gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết, tổ dân phố 6, thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) tự nguyện hiến đất mở đường dân sinh đến Hồ Sen. |
Theo đó, lãnh đạo thị trấn và ban tự quản thôn, tổ dân phố đã đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động hiến đất mở đường dân sinh ven Hồ Sen. Qua tuyên truyền, thấy được tầm quan trọng của Dự án, hàng chục hộ dân trên địa bàn đã đồng tình hưởng ứng, tự nguyện hiến phần đất của gia đình mình để mở đường.
Điển hình như hộ bà Nguyễn Thị Tuyết (tổ dân phố 6, thị trấn Buôn Trấp) đã tự nguyện hiến hơn 1.000 m2 đất của gia đình để mở đường dân sinh đến Hồ Sen. Bà Tuyết chia sẻ, gia đình bà đến sinh sống tại huyện Krông Ana từ năm 1980, bà được biết Dự án mở đường vành đai Hồ Sen có từ lâu nhưng kinh phí địa phương khó bố trí nên chưa thực hiện được. Trong tháng 6 vừa qua, khi ban tự quản tổ dân phố và lãnh đạo UBND thị trấn đến vận động, gia đình bà đã đồng tình hưởng ứng việc hiến đất, tự nguyện chặt cây cối trong vườn để địa phương có mặt bằng mở đường dân sinh.
Theo bà Tuyết, Hồ Sen là hồ nước rất đẹp, nếu được đầu tư hạ tầng, nhất là việc mở đường quanh hồ, khơi thông dòng chảy và hình thành được không gian ẩm thực đặc trưng của vùng đất Krông Ana thì đây sẽ là điểm du lịch không thua kém gì Hồ Tây ở huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông.
Là một trong những địa bàn có số lượng các hộ dân sống xung quanh Hồ Sen khá lớn, Ban tự quản thôn Quỳnh Tân 1, thị trấn Buôn Trấp cũng xác định khi ngân sách còn khó khăn thì việc huy động sức dân để mở đường dân sinh là hết sức cần thiết. Ông Nguyễn Đình Viện, Trưởng thôn Quỳnh Tân 1 cho hay, thôn có 350 hộ, với 1.500 nhân khẩu, trong đó 16 hộ có nhà quanh Hồ Sen. Hàng chục năm nay, các hộ dân này đã gắn bó với Hồ Sen, có hộ đất nhiều, hộ ít, song khi chính quyền địa phương đi vận động hiến đất, đa số hộ dân đều đồng tình với chủ trương của Nhà nước. Phong trào hiến đất lan tỏa từ xóm trên, làng dưới, chỉ trong một thời gian ngắn hầu hết hộ dân đã tự nguyện bàn giao một phần đất của gia đình mình cho địa phương san ủi mặt bằng quanh bờ hồ.
Vị trí đất của hộ ông Nguyễn Thế Xuyến (bên phải), thôn Quỳnh Tân 1, thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) tự nguyện hiến để mở đường dân sinh ven Hồ Sen. |
Ông Nguyễn Thế Xuyến, người dân thôn Quỳnh Tân 1 bộc bạch, khi địa phương thông báo làm đường dân sinh ven hồ, ông cũng thấy băn khoăn vì nhà ông chỉ có hơn 1.800 m2 đất khu vực ven Hồ Sen, đây vừa là đất ở, vừa là đất vườn để trồng rau màu của gia đình. Song khi hiểu rõ về ý nghĩa lâu dài của việc mở đường ven hồ, ông đã bàn với vợ và các con, tự nguyện hiến 300 m2 đất giáp bờ hồ phục vụ việc triển khai dự án. Với ông, giờ mình chịu thiệt hiến một phần đất, nhưng đổi lại thế hệ con cháu sau này đều được hưởng lợi. Ông cũng mong rằng Dự án mở đường vành đai Hồ Sen sớm được triển khai để tạo nên không gian mới, trở thành điểm tham quan của người dân địa phương và du khách từ vùng khác đến. Từ đó, diện mạo địa phương sẽ từng ngày thay đổi, người dân ven hồ cũng có cơ hội để kinh doanh, dịch vụ, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống.
Mới đây, UBND huyện Krông Ana đã có quyết định về việc triển khai Dự án san lấp mặt bằng đường vành đai Hồ Sen giai đoạn 1. Công trình có tổng chiều dài khoảng 2 km, thuộc dự án nhóm C, kinh phí 1,5 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách huyện. Công trình này được đầu tư xây dựng sẽ là một trong những điểm nhấn trong quá trình xây dựng thị trấn Buôn Trấp trở thành đô thị phát triển bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đồng thời là tiền đề để địa phương triển khai giai đoạn 2 đầu tư hoàn thiện hạ tầng để Khu du lịch sinh thái Hồ Sen trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài tỉnh.
Hoàng Tuyết