Kể chuyện lịch sử theo cách rất mới, sáng tạo
Nếu như trước kia, lịch sử thường bị gói gọn trong những trang sách khô khan, các tiết học rập khuôn hay những bài kiểm tra học thuộc lòng thì giờ đây, những bản hùng ca của dân tộc đã có cơ hội “sống dậy” mỗi ngày qua mạng xã hội, công nghệ số và các hình thức nghệ thuật tương tác.
TikTok, YouTube, Instagram - những nền tảng từng chỉ được xem là công cụ giải trí, nay trở thành kênh truyền cảm hứng lịch sử mạnh mẽ. Một trong những gương mặt tiêu biểu là Lý Hữu Trường, chủ tài khoản “Trường lịch sử”. Với giọng kể dí dỏm, hình ảnh hoạt họa sinh động và âm nhạc bắt tai, những video ngắn của Trường thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, giúp lịch sử trở nên gần gũi, dễ tiếp cận hơn với giới trẻ.
Bức ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập được Phùng Quang Trung - nhóm Skyline phục dựng |
“Em muốn mang lại niềm tự hào dân tộc từ những câu chuyện đã cũ, để mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ thêm hiểu, thêm yêu và biết trân trọng những hy sinh của thế hệ cha ông”, Trường chia sẻ. Câu nói đó không chỉ thể hiện đam mê cá nhân mà còn khẳng định một điều quan trọng, lịch sử không còn là môn học đơn thuần, mà là cảm hứng để sáng tạo, lan tỏa và kết nối.
Không chỉ dừng lại ở việc truyền tải kiến thức, những video của Trường còn tạo ra cộng đồng yêu sử học trên mạng. Hàng loạt bạn trẻ từ khắp nơi vào bình luận, tranh luận, bổ sung kiến thức và bày tỏ tình yêu lịch sử của mình. Điều này chứng tỏ, khi được tiếp cận bằng ngôn ngữ phù hợp, lịch sử hoàn toàn có thể trở thành “trend”.
Khi công nghệ gặp… ký ức
Lịch sử không chỉ được kể lại bằng giọng nói hay con chữ, mà còn được tái hiện qua hình ảnh, kỹ xảo và trí tuệ nhân tạo. Nhóm Skyline, thành lập từ năm 2021, là một trong những điển hình tiêu biểu cho xu hướng “lịch sử số” tại Việt Nam.
Dưới sự dẫn dắt của Phùng Quang Trung, người được vinh danh là “Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam 2024”, nhóm đã phục dựng hàng trăm bức ảnh lịch sử, trong đó có khoảnh khắc mang tính biểu tượng: Xe tăng 846 tiến vào Dinh Độc Lập trong ngày của tháng 4/1975 lịch sử. Không đơn thuần là tô màu ảnh, Skyline đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo để “hồi sinh” những thước phim lịch sử, tạo ra trải nghiệm sống động và chân thực như thể người xem đang chứng kiến quá khứ ngay trước mắt.
Nhóm Skyline yêu lịch sử bằng những hành động cụ thể |
Trung chia sẻ: “Chiến tranh đã lùi xa nhưng việc lan tỏa giá trị của hòa bình và sự hy sinh vẫn là sứ mệnh người trẻ có thể tiếp nối. Khi một người mẹ già òa khóc vì nhìn thấy người thân trong bức ảnh phục dựng, tôi biết chúng tôi đang làm điều có ý nghĩa”.
Ngoài việc phục dựng, nhóm Skyline còn tổ chức nhiều buổi triển lãm, in tặng ảnh cho học sinh, sinh viên; chia sẻ dữ liệu mở để cộng đồng có thể tiếp cận, sử dụng vào mục đích giáo dục. Đó là cách mà người trẻ hiện nay đang chuyển hóa tình yêu lịch sử từ cảm xúc thành hành động cụ thể.
Câu chuyện của Trường Lịch sử hay Skyline cho thấy rằng, lịch sử không còn là những trang giáo trình cố định, mà đang trở thành chất liệu sống, được “diễn” lại qua âm nhạc, mô hình lắp ráp, triển lãm đa phương tiện…
Tại trường Đại học Fulbright Việt Nam, một nhóm sinh viên đã thực hiện dự án bảo tồn âm nhạc Trịnh Công Sơn. Thay vì chỉ nghe nhạc, họ thiết kế ứng dụng số, tổ chức workshop và podcast để kể câu chuyện văn hóa đằng sau từng giai điệu. Một không gian nghệ thuật mang hơi thở thời đại được mở ra từ chất liệu lịch sử, tạo ra những đối thoại liên thế hệ sâu sắc.
Dự án “Kinh đô kỳ họa” quảng bá di sản Hoàng thành Thăng Long |
Cũng từ khát vọng đưa di sản vào đời sống, nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã triển khai dự án “Kinh đô kỳ họa” nhằm quảng bá Hoàng thành Thăng Long, di sản lịch sử ngàn năm, theo cách hoàn toàn mới mẻ. Dự án không chỉ tái hiện kiến trúc qua mô hình lắp ráp “Blind box”, mà còn tích hợp website trải nghiệm 3D, tổ chức workshop và các hoạt động giáo dục tương tác cho học sinh phổ thông.
Nguyễn Thị Lan Anh, Trưởng nhóm, chia sẻ: “Di sản văn hóa là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận. Nếu ta tiếp cận đúng cách, như dùng công nghệ AR, VR, hay gamification, thì lịch sử sẽ trở nên sống động và hấp dẫn hơn bất kỳ bài giảng nào”.
Từ cá nhân sáng tạo đến ý thức cộng đồng
Điểm chung nổi bật trong các hành trình kể trên chính là sự chuyển hóa từ tình yêu cá nhân thành hành động cộng đồng. Người trẻ không chỉ đơn thuần tiêu thụ nội dung lịch sử, mà còn tự tay sản xuất, lan tỏa, bảo tồn và kiến tạo các giá trị mới. Họ đưa lịch sử vào đời sống như một phần của bản sắc cá nhân và cộng đồng.
Hàng loạt podcast, lớp học lịch sử bằng VR, sân khấu hóa sử học, kịch ứng tác, nhạc rap lịch sử… ra đời với sự dẫn dắt của người trẻ cho thấy lịch sử đang được kể lại với đủ mọi hình thức, miễn sao vẫn giữ được tinh thần nguyên bản và khơi dậy được cảm xúc thật.
Theo các chuyên gia giáo dục, sự sáng tạo của giới trẻ đặt ra yêu cầu mới cho ngành văn hóa, giáo dục và truyền thông cần lắng nghe, đồng hành và tạo điều kiện để lịch sử trở thành một trải nghiệm thực tế, chứ không chỉ là khối tri thức khô cứng trong sách vở.
Ký ức của dân tộc được các bạn trẻ kể lại bằng nhiều hình thức khác nhau |
Sự bùng nổ của “lịch sử số”, của những mô hình sáng tạo kể chuyện di sản, không chỉ là dấu hiệu đáng mừng mà còn là minh chứng rõ ràng cho năng lực tiếp nối văn hóa của thế hệ trẻ Việt Nam. Họ đang chứng minh rằng, để yêu lịch sử, không nhất thiết phải ngồi học thuộc lòng ngày tháng, mà quan trọng hơn là cảm, hiểu và sống cùng quá khứ.
Hành trình làm mới ký ức lịch sử của người trẻ hiện nay chính là một cuộc “cách mạng mềm” lặng lẽ nhưng đầy sức nặng khơi nguồn cảm hứng từ truyền thống để bước vào tương lai. Họ kể lại những câu chuyện cha ông không phải để khép lại quá khứ, mà để mở ra một tương lai vững chãi hơn, giàu bản sắc hơn, biết tri ân và không lãng quên.
Bởi vì lịch sử, nếu được chạm tới bằng trái tim và trí tuệ, không bao giờ là thứ cũ kỹ. Đó là ánh sáng soi đường, là động lực để đi xa và là nền tảng để mỗi công dân trẻ tự hào bước đi giữa thời đại mình đang sống.