Quản lý điều hành hệ thống giao thông vận tải hiệu quả, an toàn

Mới được đưa vào vận hành cách đây không lâu, Trung tâm điều hành Giao thông thông minh của thành phố Hà Nội được kỳ vọng sẽ góp phần tổ chức, quản lý điều hành hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả, an toàn.

Từng bước hoàn thiện hệ thống

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội về "Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới; Sở Giao thông vận tải đã phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng trình thành phố "Đề án Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội".

Theo Lãnh đạo sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, hệ thống giao thông thông minh ITS là hệ thống các ứng dụng kỹ thuật công nghệ vào công tác tổ chức, quản lý điều hành hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả đảm bảo an toàn giao thông giảm thời gian và chi phí đi lại, bảo vệ môi trường...

Quản lý điều hành hệ thống giao thông vận tải hiệu quả, an toàn

Hệ thống giám sát giao thông tại Trung tâm điều hành giao thông thông minh của thành phố Hà Nội

Trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo các mô hình giao thông thông minh trong và ngoài nước, Sở Giao thông vận tải đã tổ chức xây dựng và trình Uỷ ban Nhân dân thành phố "Đề án Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội", trong đó hình thành Trung tâm điều khiển Giao thông thông minh và hệ thống các thiết bị ngoại vi với 12 chức năng, bao gồm Giám sát giao thông; Cung cấp thông tin giao thông; Điều khiển giao thông; Hỗ trợ xử lý vi phạm Trật tự an toàn giao thông; Quản lý Giao thông công cộng; Quản lý đỗ xe; Quản lý sự cố; Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; Quản lý thanh toán vé điện tử Giao thông công cộng; Quản lý vận tải; Quản lý nhu cầu giao thông; Mô phỏng giao thông trong công tác quản lý, khai thác và điều hành giao thông vận tải.

Trung tâm điều hành giao thông thông minh nằm trong Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội số 1 Kim Mã, quận Ba Đình. Tại đây được lắp đặt các thiết bị máy tính, màn hình giám sát giao thông, cùng với đó là các phần mềm điều khiển (phần mềm đo đếm lưu lượng, giám sát vi phạm, cung cấp thông tin, điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh,…).

Các chức năng của hệ thống giao thông thông minh trong giai đoạn thí điểm bao gồm Hệ thống giám sát giao thông; Cung cấp thông tin giao thông; Điều khiển giao thông; Hỗ trợ xử lý vi phạm Trật tự an toàn giao thông; Quản lý giao thông công cộng; Quản lý sự cố; Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; Quản lý đỗ xe; Quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng.

Trong đó 2 chức năng Quản lý đỗ xe, Quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng sẽ được tích hợp khi các dự án thí điểm theo chương trình riêng của thành phố đã sẵn sàng đưa vào vận hành bên cạnh đó Hệ thống được thiết kế đảm bảo tính mở, sẵn sàng mở rộng, tích hợp đủ 12 chức năng khi các ứng dụng hoàn thiện, đủ điều kiện kết nối, chia sẻ dữ liệu và từng bước hoàn thiện hệ thống.

Sẽ xử lý bất cập nảy sinh trong quá trình khai thác vận hành thí điểm

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, trong những ngày đầu vận hành, hệ thống hoạt động thuận lợi. Tình hình giao thông trên nhiều tuyến phố, nút giao, các xung đột, va chạm giao thông, tình hình vận hành xe buýt liên tục được cập nhật về trung tâm. Biển số ô tô, xe máy được camera ghi lại rõ nét theo thời gian thực.

Các hành vi vi phạm như đi sai làn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều được tự động ghi lại để lực lượng chức năng làm cơ sở phạt “nguội”. Thậm chí, các ổ gà hay sự cố giao thông phát sinh trên đường cũng được ghi lại để kịp thời cảnh báo. Tại một số nút giao thông, thời gian của đèn tín hiệu sẽ tự điều chỉnh theo lưu lượng phương tiện, góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Quản lý điều hành hệ thống giao thông vận tải hiệu quả, an toàn

Các thông tin giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục được cập nhật về Trung tâm điều hành giao thông thông minh

Đặc biệt, trên đường Phạm Văn Bạch, nơi triển khai thí điểm, tình hình giao thông khá ổn định, chỉ ùn ứ vào một số khung giờ cao điểm do lưu lượng phương tiện tăng cao.

Anh Phan Văn Đức (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) chia sẻ: “Hằng ngày, tôi di chuyển trên đường Phạm Văn Bạch. Từ khi lắp đặt hệ thống giao thông thông minh, người tham gia giao thông đã có ý thức tuân thủ hơn. Rất mong mô hình này sớm nhân rộng trên nhiều tuyến đường khác”.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết: Hiện nay, mới chỉ là giai đoạn đầu thí điểm nên còn nhiều việc cần tiếp tục triển khai, trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống, phát hiện xử lý các tồn tại, bất cập nảy sinh trong quá trình khai thác vận hành thí điểm.

Sau khi hoàn thành thí điểm, Sở Giao thông vận tải sẽ cùng với các đơn vị liên quan tổ chức tổng kết đánh giá toàn diện các ưu nhược điểm, bất cập, tồn tại để đưa ra phương án tối ưu về kỹ thuật, công nghệ đối với hệ thống giao thông thông minh (đặc biệt là Trung tâm Điều hành giao thông thông minh) làm cơ sở cho việc triển khai đề án ‘‘Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội” một cách hiệu quả, khả thi, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu.

Link bài gốc Copy link
 
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn: http://tuoitrethudo.com.vn/https://tuoitrethudo.vn/quan-ly-dieu-hanh-he-thong-giao-thong-van-tai-hieu-qua-an-toan-254299.html
Tin liên quan