Quảng Bình: 15 sản phẩm OCOP bị "hạ sao" do hết hạn công nhận

Thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện có 15 sản phẩm OCOP 3 sao của địa phương bị "hạ sao" do hết hạn công nhận.

Theo đó, 15 sản phẩm OCOP 3 sao này được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình công nhận từ năm 2020.

Lý do được đưa ra cho việc "hạ sao" theo quy định do không hoàn thành và nộp hồ sơ đánh giá, công nhận lại. Cụ thể, các sản phẩm được công nhận đạt OCOP sau 36 tháng là hết hạn công nhận, nếu muốn duy trì chứng nhận sản phẩm OCOP thì bắt buộc các chủ thể phải nộp hồ sơ để đánh giá, công nhận lại. Tuy nhiên đến nay, 15 sản phẩm này không có hồ sơ để tiếp tục được công nhận. Một số chủ thể sản phẩm OCOP bị rút sao cho rằng, việc đưa ra hồ sơ, thủ tục mất khá nhiều công sức, thời gian và chi phí, trong khi việc được công nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao không mang lại sự đột phá nhiều cho sản phẩm. Vì thế, họ xem việc đánh giá sản phẩm OCOP chỉ là hình thức và không mặn mà với việc giữ hay nâng sao cho sản phẩm của mình.

Đây là điều rất đáng quan tâm bởi lẽ, OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.

Quảng Bình: 15 sản phẩm OCOP bị
Nhiều sản phẩm OCOP 3 sao bị rút sao do chủ thể không mặn mà việc làm hồ sơ đề nghị gia hạn

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với tiềm năng và thế mạnh có sẵn, nhiều sản phẩm nông nghiệp ở Quảng Bình khẳng định được thương hiệu, uy tín trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế nông thôn.

Sau gần 5 năm triển khai chương trình OCOP, đến nay, tại Quảng Bình có 150 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên, trong đó có 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao.

Theo quy định, đối với những sản phẩm sau khi hết hạn 36 tháng, chủ thể không tham gia đánh giá, xếp hạng lại thì sao OCOP và tem nhãn có gắn sao OCOP hết hiệu lực. Các chủ thể không được tiếp tục sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP để in trên bao bì sản phẩm, trong trường hợp nếu vẫn sử dụng và lưu hành trên thị trường thì sẽ bị xử lý.

Hiện nay, Chương trình OCOP của tỉnh Quảng Bình đã cấp chứng nhận cho nhiều loại sản phẩm thuộc các nhóm sản phẩm khác nhau, trong đó nhóm thực phẩm (74 sản phẩm, trong đó có 4 sản phẩm 4 sao: trà nấm linh chi Tuấn Linh, cá bờm trắng, cao thìa canh Thanh Bình, nước mắm truyền thống Ngọc Biển), đồ uống (11 sản phẩm, trong đó có 3 sản phẩm 3 sao: rượu Võ Xá, rượu sim Xuân Hưng, rượu sim Hùng Nhung), thảo dược (8 sản phẩm, trong đó có 3 sản phẩm 3 sao: tinh dầu sã Lộc Phúc, tinh dầu sã Như Oanh, tinh dầu tràm Giáo Vượng), thủ công mỹ nghệ (11 sản phẩm, trong đó có 1 sản phẩm 4 sao: đũa gỗ Quảng Thủy), dịch vụ (14 sản phẩm). Những sản phẩm OCOP này đã được đăng ký nhãn hiệu và giới thiệu với thị trường tiêu dùng trong nước và dần khẳng định chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Bên cạnh đó, hai năm một lần UBND tỉnh tổ chức Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh nhằm lựa chọn các sản phẩm xuất sắc, nổi trội để hỗ trợ phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại. Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là một trong những giải pháp hỗ trợ để các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội giao lưu, học hỏi, hợp tác để cùng tìm ra hướng phát triển mới, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tạo ra những sản phẩm đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, tiêu biểu của địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

 
Tác giả: Thành Long
Nguồn: https://congthuong.vn/quang-binh-15-san-pham-ocop-bi-ha-sao-do-het-han-cong-nhan-256348.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật