Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng vốn cho phát triển kinh tế

Đó là định hướng quan trọng được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh (NHNN tỉnh) triển khai đến các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn, bám sát sự điều hành chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam.

Tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phục hồi và phát triển sản xuất. (Trong ảnh: Công ty CP CRC Solar Cell hoạt động tại KCN Lương Sơn).
 
Trong nỗ lực đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, ngày 10/7 vừa qua, NHNN Việt Nam đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các TCTD với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. NHNN Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 thấp hơn so với kịch bản đề ra, các nguồn vốn nền kinh tế gặp khó khăn, NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD nhằm cung ứng thêm vốn tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. 
 
Cùng với việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, NHNN chỉ đạo các TCTD tăng cường rà soát thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn. Qua đó vừa tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, vừa bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.
 
Ghi nhận tại tỉnh, từ đầu năm đến nay, NHNN tỉnh đã kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách trọng tâm đến các ngân hàng, TCTD trên địa bàn. Đồng thời xây dựng các kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2023 theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam và UBND tỉnh; chỉ đạo các TCTD thực hiện kế hoạch kinh doanh phù hợp với các giải pháp điều hành hoạt động ngân hàng của Chính phủ và NHNN Việt Nam. Theo NHNN tỉnh, bám sát định hướng chung, các ngân hàng, TCTD trên địa bàn xác định tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, ưu tiên cung ứng vốn phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Đến 30/6/2023, tổng dư nợ toàn địa bàn đạt 35.712 tỷ đồng, tăng 1.362 tỷ đồng, tức 4% so với thời điểm 31/12/2022. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 17.022 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 49%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 7.646 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22%. Ngoài ra, nguồn vốn được phân bổ cho các lĩnh vực ưu tiên khác, như cho vay xuất khẩu 40 tỷ đồng, HTX trên 30 tỷ đồng, công nghiệp hỗ trợ 22 tỷ đồng... Đáng ghi nhận là chất lượng tín dụng được đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%.
 
Ông Hà Trung Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhìn nhận: Về phía doanh nghiệp, chúng tôi ghi nhận nỗ lực đồng hành với doanh nghiệp và khơi thông dòng vốn phục vụ phát triển kinh tế của hệ thống ngân hàng, TCTD. NHNN tỉnh đã tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc liên quan đến tiếp cận vốn để kịp thời xử lý, tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Điểm sáng trong hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm là nỗ lực điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, nỗ lực đồng hành tháo gỡ Khó khăn cho doanh nghiệp và cung ứng vốn phục vụ phát triển KT-XH địa phương. 
 
Được biết, từ tháng 3 - 6/2023, NHNN Việt Nam đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành (mức giảm từ 0,5-2%). Việc giảm lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, ưu tiên giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, người dân. Bám sát chỉ đạo của NHNN Việt Nam, các TCTD trên địa bàn tỉnh chấp hành quy định về lãi suất. Trong đó, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên 4,0%/năm (đối với ngân hàng thương mại), 5,0%/năm (đối với quỹ tín dụng nhân dân). Lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường: ngắn hạn dao động từ 6,0 - 13%/năm; trung, dài hạn 9,5-14%/năm. Lãi suất cho vay lĩnh vực phi sản xuất: ngắn hạn từ 7,0-13,7%/năm; trung, dài hạn từ 9,5-15%/năm.
 
Cùng với nỗ lực giảm lãi suất cho vay để tiếp thêm nguồn lực tín dụng cho nền kinh tế, các ngân hàng, TCTD trên địa bàn tỉnh đã bám sát chính sách tiền tệ của toàn hệ thống, thúc đẩy triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm và chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ... Đặc biệt, NHNN tỉnh yêu cầu các TCTD triển khai thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN và Chỉ thị số 02/CT-NHNN về tăng cường công tác tín dụng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Thống kê đến 30/6/2023, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 10 khách hàng với tổng dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lũy kế là 546,8 tỷ đồng. Thời gian tới, các TCTD tiếp tục triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Hội sở chính, chủ động rà soát khách hàng gặp khó khăn, đủ điều kiện cơ cấu lại nợ, hướng dẫn khách hàng về thủ tục, hồ sơ theo quy định. Với phương châm sẵn sàng cung ứng vốn phục vụ phát triển kinh tế, các ngân hàng, TCTD sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
 
 
Thu Trang

 

 

Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/12/180360/Tang-truong-tin-dung-an-toan,-hieu-qua,-dam-bao-cung-ung-von-cho-phat-trien-kinh-te.htm
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật