Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Để giải quyết triệt để, ổn định tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản, lâu dài. Trong đó, TP tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên cho vận tải hành khách công cộng…

Kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn

Theo thống kê của ngành Giao thông vận tải, hiện thành phố Hà Nội có khoảng 10 triệu dân, phương tiện giao thông tăng nhanh, nên dù thời gian qua, thành phố quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Các chỉ tiêu không đạt về diện tích dành cho giao thông còn xa so với mục tiêu, trong đó diện tích đất dành cho giao thông tĩnh chưa đến 1%. Giao thông công cộng thành phố cũng đặt ra trọng tâm nhưng mới đạt 19,05%.

Đáng lưu ý, năm 2022, thành phố có 35 điểm ùn tắc giao thông, ngành đã nỗ lực xử lý được 8 điểm thì lại phát sinh thêm 10 điểm do kết cấu hạ tầng giao thông chưa theo kịp, các tuyến vành đai đang triển khai, chưa hoàn chỉnh.

Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
Hiện thành phố Hà Nội có khoảng 10 triệu dân, phương tiện giao thông tăng nhanh theo từng năm

Thống kế của ngành Giao thông cũng cho thấy, thành phố có 12 tuyến đường do mặt đường bị thắt lại do xén vỉa hè lòng đường, phân làn… gây ùn tắc. Thời gian qua, các lực lượng chức năng, các địa phương vào cuộc xử lý 260 điểm vào giờ cao điểm nhưng cũng không xuể.

Về giao thông tĩnh, do cơ chế chính sách, cách thức triển khai thực hiện, nên dù trên địa bàn có 1.620 bãi đỗ xe theo quy hoạch đã được phân cấp cho các quận huyện quản lý nhưng chỉ có 57 bãi đỗ xe được thực hiện đang khai thác; 66 dự án đang triển khai; 73 bãi đỗ xe ngầm chưa được thực hiện do cơ chế chính sách…

Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải, nguyên nhân cơ bản gây ùn tắc giao thông hiện nay do quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Với số lượng phương tiện giao thông đều tăng hằng năm, mật độ phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường cao, việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không theo kịp dẫn đến quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố. Ý thức của của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao, theo thói quen không tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ theo quy hoạch, trong đó cần tập trung nguồn lực để đầu tư đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai, các tuyến trục chính có tính kết nối, các cầu qua sông Hồng và các cầu khác qua sông để tăng tính kết nối.

Các tuyến đường giao thông trục chính, các cầu lớn có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, các nút giao, trục đường có nhiều giao cắt với các ngõ, đường ngang gây xung đột giao thông dẫn đến chỉ cần xảy ra một sự cố va chạm giao thông, tai nạn giao thông cũng dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông…

Xây dựng giao thông thông minh để giảm ùn tắc

Có thể thấy rằng, hệ thống giao thông được coi là huyết mạch của nền kinh tế, là bộ mặt của đô thị. Trong thời gian qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn quan tâm đến phát triển hệ thống giao thông hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Phát triển hệ thống giao thông thông minh và bền vững là xu hướng của các đô thị trên thế giới.

Do đó, UBND TP. Hà Nội đã giao cho Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác tổ chức, quản lý điều hành giao thông; ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, xây dựng hệ thống giao thông thông minh trong Thành phố thông minh.

Theo đó, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai một số ứng dụng cho giao thông thông minh như tìm xe buýt, tìm tuyến đường gần nhất hay trung tâm điều khiển đèn tín hiệu… Qua đó đã đem lại hiệu quả rất tốt cho người dân và doanh nghiệp. Việc phát triển giao thông thông minh sẽ đáp ứng được nhu cầu khách quan của con người.

Hà Nội có những nguồn dữ liệu rất lớn từ camera hay dữ liệu hành trình trên xe nhưng chưa được khai thác triệt để, mới sử dụng để hậu kiểm, chưa ứng dụng trực tiếp. Vì vậy, thành phố cần hướng tới việc thu thập và xử lý đồng độ dữ liệu và vận dụng trực tiếp để trích xuất thông tin cần thiết để phục vụ việc đi lại của người dân.

Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
Hoạt động của Trung tâm Điều khiển giao thông thành phố Hà Nội giúp lực lượng chức năng chủ động cảnh báo, điều tiết từ xa, hạn chế thấp nhất nguy cơ ùn tắc giao thông

GS.TS Lê Hùng Lân (nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông vận tải)- Chủ nhiệm Đề án nghiên cứu "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội" cho rằng, Hà Nội cần nhanh chóng trở thành thành phố thông minh, trong đó phát triển hệ thống giao thông thông minh là một trong các trụ cột chính.

Theo ông Lân, lộ trình phát triển giao thông thông minh thành phố Hà Nội cần chia thành 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2024-2026 sẽ xây dựng trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố; đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi ITS; kết nối nguồn dữ liệu; thẻ vé liên thông.

Giai đoạn 2 từ năm 2027-2030 sẽ triển khai thu phí nội đô giai đoạn 1. Bên cạnh đó, xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp thành phố Hà Nội; đổi mới phương thức quản lý; phát triển các ứng dụng ITS cơ bản; đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi ITS.

Giai đoạn 3 đến năm 2045 sẽ triển khai thu phí nội đô giai đoạn 2, đồng thời vận hành, khai thác hiệu quả ITS thành phố; hoàn thiện cơ sở hạ tầng ITS và tăng cường các ứng dụng khai thác dữ liệu giao thông số.

Các chuyên gia giao thông cũng cho rằng, phát triển giao thông thông minh cần tập trung vào 3 yếu tố chính là thu thập dữ liệu, xử lý và truyền phát thông tin. Công việc cụ thể cần thực hiện là xây dựng hệ thống camera để thu thập thông tin; xây dựng một trung tâm thông tin chung và tích hợp các ứng dụng để truyền phát thông tin...

Tác giả: Thanh Hà
Nguồn: https://tuoitrethudo.com.vn/tap-trung-nguon-luc-dau-tu-phat-trien-ket-cau-ha-tang-giao-thong-239060.html
Tin liên quan