Thúc đẩy các giải pháp bền vững xử lý rác thải điện tử

Khi nhu cầu sử dụng các sản phẩm điện tử ngày càng tăng cao, lượng rác thải điện tử cũng gia tăng chóng mặt, gây áp lực lớn đối với công tác quản lý và bảo vệ môi trường. Để thu gom và xử lý loại rác thải này cần thúc đẩy trách nhiệm liên ngành trong xây dựng các giải pháp bền vững.

Mỗi năm phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, Việt Nam đang đối mặt với một bài toán lớn về rác thải điện tử. Hiện nay, trung bình mỗi năm cả nước phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử, chủ yếu là đồ gia dụng điện tử, thiết bị điện tử, văn phòng. Đây là loại chất thải có tốc độ gia tăng nhanh nhất hiện nay, gây áp lực lớn đối với công tác quản lý và xử lý môi trường.

Rác thải điện tử đang gây nguy hiểm cho môi trường cũng như sức khỏe con người (Ảnh minh họa)

Rác thải điện tử đang gây nguy hiểm cho môi trường cũng như sức khỏe con người (Ảnh minh họa)

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lượng rác thải điện tử khổng lồ là do tuổi thọ ngắn của thiết bị điện tử. Việc sản xuất thiết bị điện tử mới diễn ra liên tục. Điều này khiến các sản phẩm đang sử dụng nhanh chóng trở nên lạc hậu và bị đào thải. Kết quả là chúng được vứt bỏ một cách không thương tiếc và kết thúc vòng đời của mình ở các bãi rác công nghệ.

Cùng với đó, xu hướng công nghệ liên tục phát triển và chuyển đổi, góp phần tạo ra rác thải điện tử ngày một nhiều hơn. Đáng nói, hệ thống thu gom xử lý rác thải điện tử hiệu quả thấp, khiến lượng lớn rác thải này bị xả thẳng vào môi trường.

Các chuyên gia môi trường đánh giá, rác thải điện tử gây ra những tác hại khôn lường đối với môi trường và sức khỏe con người. Vỏ và các linh kiện bên trong thiết bị điện tử chứa nhiều kim loại nặng độc hại, nếu không được xử lý đúng cách, loại rác thải này có thể giải phóng các chất độc hại như thủy ngân, chì... làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người qua ô nhiễm đất, nước, không khí, lao động tiếp xúc trực tiếp với rác thải.

Trong đó, pin là loại rác thải độc hại nhất, vì nó chứa các kim loại nặng như chì, thủy ngân, kẽm, cadmium... Do vậy, khi bỏ pin cũ vào thùng rác, đốt pin hoặc chôn với rác thải thông thường sẽ gây ô nhiễm nặng đến môi trường không khí, đất và nước.

Sự nguy hại đến từ rác thải điện tử rất lớn nhưng hiện nay công tác xử lý, thu gom đang có nhiều bất cập. Đa phần, các thiết bị điện tử khi đã hết giá trị sử dụng đều bị bỏ chung với rác thải sinh hoạt để đem chôn lấp, một phần nhỏ được thu gom thông qua những người thu mua đồng nát, các cơ sở thu gom tự phát với mục đích chính là tháo gỡ những bộ phận bên trong để lấy đồng, nhôm, sắt...

Chị Trần Thu Hiền (ở phường Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi nghe tuyên truyền nhiều đến rác thải nhựa chứ rác điện tử thì ít. Tôi được biết là không nên vứt pin vào thùng rác nên mấy lần thay pin điều khiển hay đồng hồ cũng để gọn vào túi riêng. Thế nhưng, những cơ sở thu gom xa nhà tôi, nhiều khi chỉ có một hai cục pin, cũng lười đi nên lại vứt bỏ vào thùng rác”.

Rác thải điện tử không được xử lý đúng cách với quy trình bài bản đã, đang trở thành gánh nặng cho môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất

Trước thực trạng trên, nhiều văn bản, chính sách đã ra đời nhằm siết lại công tác thu gom, xử lý rác thải điện tử. Cụ thể như Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; Quyết định số 491/2018/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó quy định đến năm 2025, 100% nhà sản xuất thiết bị điện tử phải thiết lập, công bố các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ theo quy định của pháp luật...

Cùng với đó, nhiều nơi đã triển khai mô hình thu gom pin, rác thải điện tử; vận động Nhân dân không vứt pin, rác thải điện tử lẫn với rác thải thông thường.

Điển hình như Chương trình thu gom rác thải điện tử của Tổ chức Việt Nam tái chế, nhằm hỗ trợ người tiêu dùng xử lý chất thải điện tử và nâng cao nhận thức về việc phân loại rác thải tại nguồn, khuyến khích người dân nâng cao ý thức thu gom và xử lý rác thải điện tử an toàn và thân thiện với môi trường.

Thúc đẩy các giải pháp bền vững xử lý rác thải điện tử

Chương trình thu gom rác thải điện tử của Tổ chức Việt Nam tái chế, nhằm hỗ trợ người tiêu dùng xử lý chất thải điện tử

Chị Mai Thị Thu Hằng, Đại diện quản lý chương trình Việt Nam tái chế cho hay, đơn vị đang triển khai thu gom pin và rác thải điện tử ở hai thành phố lớn gồm: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Rác thải điện tử sau khi thu gom trực tiếp từ người dân hoặc tập hợp tại các điểm thu gom của Việt Nam tái chế sẽ được vận chuyển bằng xe chuyên dụng (có giấy phép phù hợp theo quy định) và đưa đến nhà máy được cấp phép xử lý chất thải nguy hại.

Đại diện Tổ chức Việt Nam tái chế cho rằng, tương lai có thể sẽ khác đi nhiều, khi chúng ta kết thúc hành trình công nghệ bằng những hành động đơn giản như: Tăng tuổi thọ thiết bị bằng sửa chữa, thay thế linh kiện chất lượng; phân loại rác tại nguồn, tách riêng rác thải điện tử khỏi các loại rác sinh hoạt và các chất độc hại khác; mang rác thải điện tử đến các điểm thu hồi uy tín, có quy trình minh bạch để được xử lý đúng cách.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, đến nay, việc thu gom và xử lý rác điện tử chưa đạt kết quả cao, các nhóm hỗ trợ thu gom vẫn chưa đủ mạnh, hoạt động kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện nghiêm túc. Trong khi đó, việc quản lý chất thải điện tử, chất thải nhựa là vấn đề cần phải thực hiện quyết liệt, thường xuyên và đồng bộ.

Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, để Việt Nam không rơi vào tình trạng quá tải rác thải điện tử giống như rác thải nhựa hiện nay, Chính phủ cần dành sự ưu tiên đặc biệt đối với loại chất thải này, sớm xây dựng những chương trình hành động, những kế hoạch kiểm soát và quản lý luồng chất thải điện tử. Hình thành hệ thống quản lý chất thải điện tử chính thức, trong đó tận dụng những nhân tố từ mạng lưới thu gom phi chính thức hiện nay.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung thêm những quy định theo hướng tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử; xem xét đưa các quy định về thu gom và xử lý rác thải điện tử vào điều kiện phê duyệt dự án sản xuất kinh doanh của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này.

Điều quan trọng nữa là những nhà quản lý môi trường cần phải thay đổi tư duy quản lý theo hướng, coi rác thải điện tử là nguồn tài nguyên và là một mắt xích trong nền kinh tế tuần hoàn để có những biện pháp quản lý việc thu gom và xử lý rác thải phù hợp.

Một giải pháp mang tính tổng hợp, chiến lược từ chính sách quản lý, thu gom tái chế, đầu tư nghiên cứu các công nghệ xử lý, tái chế những vật liệu quý trong rác điện tử, kết hợp cùng việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc phân loại rác tại nguồn... mới có thể ngăn chặn và sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải điện tử.

Ánh Dương

 
Tác giả: Ánh Dương
Nguồn: http://tuoitrethudo.com.vn/https://tuoitrethudo.vn/thuc-day-cac-giai-phap-ben-vung-xu-ly-rac-thai-dien-tu-282710.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật