TP. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày giải phóng - Bài 2: Văn hóa hội tụ, bản sắc thăng hoa

Nếu coi đô thị là một thực thể sống và luôn phát triển thì những “bản sắc văn hóa” của đô thị chính huyết mạch của thực thể đó.

Sự giao thoa và hội nhập văn hóa

TP. Hồ Chí Minh có bề dày lịch sử gần 300 năm hình thành và phát triển. Nơi đây, những giá trị truyền thống đậm đà hòa quyện với sự hiện đại, tạo nên một bản sắc văn hóa độc đáo, không chỉ thu hút du khách mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà nghiên cứu, giới văn nghệ sĩ và nhân dân.

TP. Hồ Chí Minh - Hành trình 50 năm: Bài 2  Văn hóa
Sông nước góp phần hình thành nét đặc trưng của đô thị TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Hữu Long

Với tinh thần phóng khoáng, nhịp sống sôi động, TP. Hồ Chí Minh có thể xem là nơi hội tụ của nhiều dân tộc, sắc tộc, tôn giáo và nền văn hóa khác nhau từ phương Tây, phương Đông và đặc biệt là văn hóa phương Nam. Một nơi mà con người tứ xứ được hội tụ và giao thoa, tạo nên một bức tranh tổng thể đầy độc đáo. Những dấu ấn văn hóa của các cộng đồng luôn được thể hiện rõ nét trong đời sống sinh hoạt, kiến trúc, ẩm thực và các lễ hội truyền thống của thành phố.

Ẩm thực TP. Hồ Chí Minh chính là minh chứng rõ nét nhất cho sự giao thoa văn hóa. Thành phố này được ví như “thiên đường ẩm thực” với hàng loạt món ăn phong phú, từ đặc sản Nam Bộ đến những tinh hoa ẩm thực Trung Hoa, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… Sự hòa nhập ấy không chỉ thể hiện qua nguyên liệu, cách chế biến mà còn qua khẩu vị được điều chỉnh để phù hợp với người dân địa phương.

Chẳng hạn, khu phố người Hoa ở Chợ Lớn (quận 5) chính là một ví dụ điển hình về sự giao thoa văn hóa giữa người Việt và người Hoa. Tại đây, không chỉ các lễ hội truyền thống như Tết Nguyên đán hay lễ hội Vu Lan được tổ chức hằng năm, mà ngay cả nền ẩm thực cũng mang đậm phong vị Trung Hoa được người dân địa phương “Việt hóa” để phù hợp với khẩu vị người Việt. Sự giao thoa văn hóa này là minh chứng sống động cho khả năng thích ứng và sáng tạo của người dân nơi đây.

TP. Hồ Chí Minh - Hành trình 50 năm: Bài 2  Văn hóa
Chợ Bình Tây (hay còn gọi Chợ Lớn) được xem là trung tâm của cộng đồng người Việt gốc Hoa tại TP. Hồ Chí Minh.

Không chỉ dừng lại ở đó, quá trình hội nhập văn hóa tại TP. Hồ Chí Minh còn thể hiện rõ qua sự tiếp nhận và kết hợp các yếu tố văn hóa quốc tế. Ngày nay, thành phố hiện đại này được tô điểm bởi những tòa nhà chọc trời, các khu trung tâm thương mại sầm uất, cũng như sự xuất hiện của hàng loạt nhà hàng, quán café mang phong cách phương Tây, Hàn Quốc, Nhật Bản…

TP. Hồ Chí Minh còn là trung tâm hội nhập nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực điện ảnh và âm nhạc. Thành phố trở thành điểm đến của nhiều sự kiện âm nhạc quốc tế, thu hút các nghệ sĩ danh tiếng từ khắp nơi trên thế giới. Đây không chỉ là cơ hội để ngành nghệ thuật Việt Nam phát triển mà còn là dịp để quảng bá hình ảnh đất nước trên bản đồ văn hóa toàn cầu.

Theo TS. Trương Hoàng Trương (Khoa Đô thị học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), trong suốt quá trình hình thành và phát triển, TP. Hồ Chí Minh đã mang trong mình nhiều giá trị văn hóa - lịch sử - xã hội độc đáo, trong đó tính đa dạng là một đặc điểm nổi bật nhất.

“Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh có khả năng thu hút những nhóm cư dân từ nhiều vùng miền khác nhau đến sinh sống, tạo nên một bức tranh đô thị đa dạng về dân cư, tôn giáo, văn hóa. Thành phố được ví như một bức tranh xã hội với nhiều thành phần khác nhau, mỗi nhóm lại có một điểm chung nào đó như quê hương, sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp… Đô thị không làm yếu đi sự liên kết xã hội trong từng nhóm mà ngược lại, tạo sự gắn kết mạnh mẽ giữa các nhóm với nhau. Chính điều đó đã hình thành nên những giá trị văn hóa đặc trưng như sự tương trợ, nghĩa tình, cởi mở và bao dung”, TS. Trương Hoàng Trương nhận định.

Chính sự đa dạng trong thống nhất đã tạo nên nét đặc sắc của TP. Hồ Chí Minh - một đô thị hiện đại nhưng vẫn giữ được chất riêng, vừa hội nhập với thế giới vừa bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.

Những công trình văn hóa mang tính biểu tượng

TP. Hồ Chí Minh không chỉ nổi tiếng với nền văn hóa đa dạng, ẩm thực phong phú mà còn là nơi hội tụ nhiều công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa hội nhập, phản ánh quá trình phát triển, hội nhập và bản sắc riêng của thành phố qua từng thời kỳ.

TP. Hồ Chí Minh - Hành trình 50 năm: Bài 2  Văn hóa
Nhà thờ Đức Bà còn là chứng nhân lịch sử, chứng kiến sự thay đổi của TP. Hồ Chí Minh

Khi đến TP. Hồ Chí Minh không ai có thể bỏ qua kiến trúc Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - một biểu tượng kiến trúc vượt thời gian. Được xây dựng từ năm 1877 đến 1880 dưới sự thiết kế của kiến trúc sư J. Bourad, nhà thờ mang phong cách kiến trúc Roman kết hợp Gothic, với điểm nhấn là hai tháp chuông cao 58m vươn lên giữa trung tâm thành phố.

Không chỉ là một trung tâm tôn giáo quan trọng, Nhà thờ Đức Bà còn là chứng nhân lịch sử, chứng kiến sự thay đổi của thành phố qua nhiều giai đoạn. Nằm ngay giữa quảng trường Công xã Paris, nhà thờ không chỉ là nơi thu hút du khách mà còn là không gian giao thoa giữa kiến trúc phương Tây và tinh thần văn hóa Việt Nam.

TP. Hồ Chí Minh - Hành trình 50 năm: Bài 2  Văn hóa
Chợ Bến Thành là khu chợ mang tính biểu tượng của TP. Hồ Chí Minh.

Hay như Chợ Bến Thành - Linh hồn thương mại của Sài Gòn. Được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, là một trong những công trình lâu đời nhất và mang đậm dấu ấn lịch sử của Sài Gòn. Với kiến trúc cổ kính và cổng chính có hình dạng tháp đồng hồ đặc trưng, chợ Bến Thành đã trở thành một địa điểm mang tính biểu tượng. Đây là nơi hội tụ của những món ăn truyền thống, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đặc trưng của ba miền đất nước, thu hút không chỉ người dân địa phương mà cả du khách quốc tế.

TP. Hồ Chí Minh - Hành trình 50 năm: Bài 2  Văn hóa
Dinh Độc Lập là nơi chứng kiến lịch sử thống nhất đất nước.

Dấu ấn đậm nét nhất có thể nói là Dinh Độc Lập, ngày nay được gọi là Dinh Thống Nhất - là nơi chứng kiến lịch sử thống nhất đất nước, của độc lập dân tộc. Là một trong những công trình mang đậm dấu ấn lịch sử quan trọng của Việt Nam. Công trình này được xây dựng vào năm 1962 theo thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, mang phong cách hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống Á Đông.

Dinh Thống Nhất gắn liền với sự kiện ngày 30/4/1975, khi quân đội Giải phóng tiến vào dinh, đánh dấu thời khắc lịch sử thống nhất đất nước. Ngày nay, dinh trở thành một bảo tàng lịch sử quan trọng, nơi lưu giữ nhiều hiện vật, tài liệu quý giá liên quan đến thời kỳ chiến tranh và công cuộc thống nhất đất nước.

Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh còn sở hữu nhiều công trình văn hóa có giá trị như Nhà hát Thành phố, Bưu điện Thành phố, Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh, tất cả đều góp phần tạo nên diện mạo văn hóa đặc trưng của thành phố. Những công trình này không chỉ phản ánh quá khứ huy hoàng mà còn góp phần định hình bản sắc đô thị trong tương lai.

TP. Hồ Chí Minh - Hành trình 50 năm: Bài 2  Văn hóa
Thảo Cầm Viên - "Lá phổi xanh" của TP. Hồ Chí Minh.

So với các đô thị khác, TP. Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm kinh tế sôi động mà còn là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa sâu sắc. Thành phố này được biết đến với tinh thần nghĩa tình, nhân văn, sự phóng khoáng và khả năng thích nghi linh hoạt, tạo nên một sức sống mãnh liệt hiếm nơi nào có được.

Sự giao thoa văn hóa tại đây không phải là sự pha trộn không định hướng mà là quá trình tiếp biến có chọn lọc, vừa bảo tồn bản sắc truyền thống vừa không ngừng tiếp thu tinh hoa quốc tế. Chính điều này đã giúp thành phố luôn giữ được sức hút mạnh mẽ, vừa năng động, sáng tạo nhưng vẫn gìn giữ được chiều sâu văn hóa.

(Còn nữa)

Hướng tới tương lai, TP. Hồ Chí Minh cần có những chính sách phù hợp để bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời tiếp thu có chọn lọc các giá trị quốc tế, nhằm giữ vững vị thế là một đô thị hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc riêng.

 

 
Tác giả: Ngân Nga
Nguồn: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-50-nam-sau-ngay-giai-phong-bai-2-van-hoa-hoi-tu-ban-sac-thang-hoa-380899.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật