Kho tàng di sản văn hóa đồ sộ
TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, trong lịch sử hình thành và phát triển, Thăng Long - Hà Nội chịu ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ bởi không gian văn hóa của 4 tiểu vùng văn hóa: Xứ Bắc, xứ Đoài, xứ Đông và xứ Sơn Nam Thượng.
Hà Nội ngày nay đã kế thừa, bảo tồn và tiếp biến văn hóa của các tiểu vùng, đồng thời tiếp nhận những yếu tố văn hóa bên ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thành một thành phố văn hiến, văn minh và hiện đại.
Chính điều này đã tạo cho Thủ đô Hà Nội khả năng tích tụ và lan tỏa văn hóa, văn minh; vừa là vùng đất lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ của dân tộc vừa tiếp thu những giá trị tinh hoa văn hóa, văn minh của nhân loại, từ đó có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của đất nước, khu vực và thế giới.
Lãnh đạo Trung ương và TP Hà Nội tham dự sự kiện Ngày hội Văn hóa vì hòa bình 2024 |
Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, thành phố hiện có 5.922 di tích được kiểm kê; trong đó, 2.668 di tích được xếp hạng (chiếm khoảng 1/3 tổng số di tích xếp hạng của cả nước); có 1 di sản thế giới; 2 di sản tư liệu thế giới; 21 di tích quốc gia đặc biệt; 1.163 di tích/cụm di tích xếp hạng quốc gia (chiếm 1/4 tổng số di tích xếp hạng quốc gia của cả nước); 1.484 di tích, cụm di tích xếp hạng cấp thành phố.
Hà Nội có 3.507 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, bằng 5,32% cả nước; trong đó có 32 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 2 di sản tư liệu thế giới được UNESCO công nhận, 4 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, trong do có 3 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài ra, Hà Nội có 1.350 làng nghề; 1.661 lễ hội dân gian được bảo tồn và văn hóa ẩm thực phong phú.
“Trên thế giới, ít có thủ đô nào có sự hội tụ văn hóa truyền thống, lịch sử giáo dục lâu đời, có nhiều loại hình tôn giáo, tín ngưỡng, nghi lễ, lễ hội truyền thống, làng nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật diễn xướng dân gian… như Thủ đô Hà Nội. Đó là tiềm năng và nguồn lực vô cùng giá trị của mảnh đất này”, TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.
Vận dụng và quán triệt sâu sắc chủ trương phát triển văn hóa
Có thể nói, từ tầm nhìn mang tính chiến lược của đức vua Lý Thái Tổ mùa Thu năm 1010, kinh đô Thăng Long đã ra đời. Trải qua biến thiên lịch sử, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội luôn tạo ra những dấu ấn, kỳ tích trên mặt trận chống giặc ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Đặc biệt, ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Một tháng sau sự kiện vĩ đại đó, ngày 17/3/1930, Đảng bộ Hà Nội được thành lập, trở thành Đảng bộ đầu tiên của cả nước. Trong suốt chiều dài gần một thế kỷ ra đời - đấu tranh - xây dựng - củng cố - đổi mới - phát triển, Đảng bộ Hà Nội đã hòa mình vào quá trình đấu tranh cách mạng đầy vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” |
Suốt 95 năm qua, Hà Nội luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo những quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người phù hợp với điều kiện Thủ đô. Còn nhớ, sau giải phóng, cả Hà Nội mới chỉ có 1 thư viện với 9 vạn cuốn sách thì năm 1965 đã có 8 thư viện với 17,7 vạn đầu sách.
Từ 19 đội chiếu bóng và nghệ thuật năm 1955, đến năm 1965 Hà Nội đã có 31 đội văn hóa nghệ thuật, phục vụ đông đảo quần chúng Nhân dân. Từ một di sản đổ nát do thực dân Pháp để lại, trong thời kỳ khôi phục và cải tạo (1954 - 1960), Hà Nội đã đưa vào sử dụng mới 6 công trình phục vụ công cộng, sinh hoạt, 8 công trình văn hoá, giáo dục.
Giai đoạn 1961 - 1965, Hà Nội tiếp tục hoàn thành và đưa vào sử dụng 30 công trình phục vụ sinh hoạt và công cộng.
Sau 1975, Hà Nội đẩy mạnh quan tâm, chú trọng phát triển văn hóa, chăm lo đời sống tinh thần của người dân. Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư như Công viên Thủ Lệ, Cung Văn hóa thiếu nhi…
Hiện nay, thành phố đứng đầu cả nước về số lượng cơ sở bảo tàng với 49 bảo tàng công lập, 19 bảo tàng tư nhân; thư viện; nhà hát, hàng trăm trường đại học, học viện, trung tâm, nhà văn hóa, không gian sáng tạo văn hóa, khu vui chơi giải trí nghệ thuật… được xây dựng và phát triển.
Thời kỳ đổi mới và hội nhập, một trong những thành tựu của Đảng bộ Hà Nội là triển khai hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triền bền vững đất nước", chú trọng xây dựng con người, phát triển văn hóa ngang tầm chính trị và kinh tế.
Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 11 ngày 3/10/2012 của Thành ủy Hà Nội (khóa XV) về “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội”; ban hành “Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội" và "Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố”; đưa vào giảng dạy bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”, “Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương" trong nhà trường.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình gia đình, làng, tổ dân phố, khu dân cư, đơn vị văn hóa được xây dựng góp phần thiết thực xây dựng nếp sống văn hóa Hà Nội.
Tiên phong phát triển công nghiệp văn hóa
Bộ Chính trị đã ban Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022, trong đó, xác định “Văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô” và đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cần “Tập trung phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô”.
Theo TS Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW; Đại hội XIII của Đảng cũng như chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ Hà Nội, Thành ủy Hà Nội tiếp tục tập trung chỉ đạo có hiệu quả, rõ nét trong lĩnh vực văn hóa.
Đông đảo quần chúng tham dự sự kiện Ngày hội Văn hóa Vì hòa bình |
Cụ thể, ở nhiệm kỳ này, TP đã ban hành chương trình toàn khóa về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa.
Theo đó, Nghị quyết số 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", xác định mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, có thể đóng góp đến 8% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố (vào năm 2030) và 10% GRDP của thành phố (đến năm 2045).
Việc ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa và minh chứng cho sự coi trọng văn hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Thủ đô, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng bộ thành phố nhằm thích ứng với xu thế phát triển văn hóa của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Gần đây nhất, để phát huy truyền thống anh hùng, hòa bình và hữu nghị, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên của Nhân dân Thủ đô, Thành ủy Hà Nội tiếp tục ban hành Chỉ thị 30-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
“Đây được coi là giải pháp nhằm phát huy kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và con người Thủ đô trong thời kỳ mới”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Sự nỗ lực ấy trong suốt chặng đường 95 năm đã mang đến niềm vinh dự cho Thủ đô. Cho tới nay, TP Hà Nội đã sở hữu những danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”, vinh dự nhận nhiều giải thưởng lớn do các tổ chức quốc tế bình chọn, trao tặng như: "Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Châu Á"; "Điểm đến thành phố golf tốt nhất thế giới năm 2024"; lọt Top "100 điểm
đến thành phố hấp dẫn nhất thế giới năm 2024"; “Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam 2024”; “Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu thế giới 2024”…
Mới đây, trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 11 Luật Thủ đô năm 2012, Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024 đã quy định các cơ chế đặc thù mới để phát triển văn hóa Thủ đô. Trên cơ sở pháp lý quan trọng đó, sự đoàn kết, đồng lòng, sáng tạo và bản lĩnh của Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội, văn hóa Thăng Long ngày càng tỏa sáng, từng bước hiện thực hóa khát vọng thành phố toàn cầu trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.