Gia đình chị Ngọc Thị Thuyên ở thôn Hà Bắc (xã Ea Wer) thuộc diện hộ nghèo. Đầu năm 2024, con trai thứ hai của chị được tạo điều kiện đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại thị trường Nhật Bản. Chị Thuyên cho biết, quá trình con trai Hòa Quang Nhuận chuẩn bị XKLĐ được hỗ trợ làm thủ tục hồ sơ, chi phí đào tạo nghề, đi lại. Đặc biệt, gia đình còn được Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ vay hơn 90 triệu đồng, giúp nguyện vọng sang Nhật Bản làm việc của Nhuận sớm thành hiện thực.
Gần một năm lao động ở Nhật Bản, Nhuận được giao việc lắp ráp ống nước, có thu nhập đều đặn, trung bình mỗi tháng gửi về cho gia đình từ 15 – 20 triệu đồng. Nhờ đó, chị Thuyên có thêm kinh phí trả nợ, mua sắm các thiết bị máy móc trong gia đình và dự kiến sửa sang lại nhà cửa trong thời gian tới.
Chị Ngọc Thị Thuyên (bên trái) chia sẻ thông tin về việc được hỗ trợ xuất khẩu lao động. |
Quyết định đi XKLĐ tại Nhật Bản trong 4 năm (từ 2018 đến 2022) đã giúp anh Hoàng Thế Bảo (xã Ea Nuôl) thay đổi cuộc sống. Công việc cơ khí tuy vất vả nhưng anh Bảo đã cố gắng cần mẫn làm việc, tăng ca ngày nghỉ nên thu nhập mỗi tháng khoảng 25 triệu đồng. Không chỉ sớm trả hết nợ, có vốn tích lũy, anh còn hỗ trợ bố mẹ sửa sang nhà cửa. Sau khi về nước, anh mua sắm thêm phương tiện máy móc để làm thêm nghề quảng cáo. Từ chỗ sống phụ thuộc bố mẹ, nay anh Bảo đã có công việc ổn định.
Nếu trước đây, người dân trên địa bàn còn e ngại việc đi XKLĐ do phải xa người thân, gia đình, thì nay bà con đã có cái nhìn tích cực hơn, nhờ đó số lượng lao động ra nước ngoài làm việc đã tăng lên đáng kể. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn huyện Buôn Đôn có 43 lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, trong đó hầu hết là lao động trẻ. Một số gia đình có từ 2 – 3 người thân tham gia lao động tại các thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Hầu hết lao động đều chịu khó làm việc, có thu nhập khá ổn, hằng tháng đều gửi về cho gia đình.
Tuyên truyền về đào tạo nghề và xuất khẩu lao động cho người dân ở huyện Buôn Đôn. |
Bà Đinh Thị Kim Liên, cán bộ Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Buôn Đôn khẳng định, đạt được kết quả này là nhờ sự phối hợp của các ngành chức năng, nhất là trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về XKLĐ. Công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin thị trường lao động nước ngoài được địa phương thực hiện khá hiệu quả với nhiều đổi mới.
Ngoài cung cấp thông tin theo cách truyền thống tại các bảng thông tin, địa phương còn sử dụng các trang mạng Zalo, Facebook để chia sẻ thông tin về lao động, thị trường XKLĐ. Ngành chức năng cũng đẩy mạnh công tác tư vấn việc làm, cập nhật thông tin việc làm ở các thị trường ngoài nước để người lao động dễ dàng tiếp cận, lựa chọn công việc phù hợp; hướng dẫn người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi khi XKLĐ; tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đúng pháp luật quy định. Bên cạnh đó, nhiều lao động trên địa bàn còn được Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ vốn vay đi XKLĐ.
Tính từ đầu năm đến nay đã có 6 trường hợp thuộc hộ nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn với tổng số tiền 635 triệu đồng.
Song Quỳnh