Đà Nẵng: Bất chấp khó khăn do Covid-19, doanh nghiệp sản xuất vẫn tăng trưởng tốt

Dịch Covid-19 tái bùng phát đã khiến doanh nghiệp sản xuất tại TP. Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn. Vượt qua “chướng ngại” dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp không chỉ duy trì được hoạt động sản xuất ổn định mà còn tiếp nhận nhiều đơn hàng, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận.

Covid-19 gây nhiều khó khăn cho sản xuất

Dịch Covid-19 tái bùng phát tại TP. Đà Nẵng và đang diễn biến phức tạp trên thế giới đã khiến doanh nghiệp sản xuất đứng trước nhiều khó khăn về tuyển dụng lao động, sụt giảm đơn hàng, doanh thu, tăng chi phí vận chuyển….

Đà Nẵng: Bất chấp khó khăn do Covid – 19, doanh nghiệp sản xuất vẫn tăng trưởng tốt
Dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất tại Đà Nẵng bị sụt giảm đơn hàng, thiếu người lao động,....

Công ty TNHH Kane – M Đà Nẵng chuyên sản xuất hàng may mặc, hàng phụ trợ may mặc xuất 100% sang thị trường Nhật Bản. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng tiêu thụ của thị trường Nhật giảm mạnh. “Đơn hàng chuyền may đồng phục bị giảm 50% do ảnh hưởng của dịch, thị trường tiêu thụ của đối tác bị chậm lại”.

Ngược lại, tại Công ty TNHH May mặc Ba Sao, đơn hàng có nhưng thiếu người lao động. Theo đại diện công ty, 4 tháng đầu năm 2021 cũng như những tháng tới, đơn hàng thì có nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty không thể tuyển dụng thêm lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Hiện tất cả các cơ sở giữ trẻ tại TP. Đà Nẵng đang phải tạm đóng cửa để chống dịch, nhiều công nhân, người lao động phải xin tạm nghỉ làm để ở nhà trông con. Ông Huỳnh Trinh - Giám đốc Công ty CP Lâm sản Đà Nẵng - cho biết, công ty hiện có hơn 10 lao động đang xin nghỉ làm tạm thời để ở nhà trông con. “Một số chuyền lao động thiếu người, gây khó khăn cho sản xuất. Chúng tôi cũng không thể tuyển dụng thêm vì dịch bệnh, nhưng quan trọng hơn là những người lao động xin nghỉ tạm thời đều gắn bó với công ty và việc nghỉ làm của họ là bất đắc dĩ”, ông Trinh chia sẻ.

Đà Nẵng: Bất chấp khó khăn do Covid – 19, doanh nghiệp sản xuất vẫn tăng trưởng tốt
Chi phí vận chuyển tăng cao là một khó khăn lớn khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu Đà Nẵng lo lắng

Khó khăn nổi bật nhất mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Đà Nẵng đang gặp phải đó là chi phí logistics tăng cao.

Theo ông Lê Hoàng Khánh Nhựt - Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC), do ảnh hưởng chung của dịch Covid-19 trên toàn thế giới và sự cố kẹt tàu tại kênh đào Suez (hồi cuối tháng 3/2021) đã làm gia tăng áp lực chi phí vận chuyển hàng hóa xuất khẩu.

Ông Nhựt cho biết, chi phí logistics hiện tại tăng mạnh, đặc biệt là container hàng đến thị trường Hoa Kỳ. “Trước đây, 1 container hàng của DRC đến bang Florida (Hoa Kỳ) chỉ mất chi phí khoảng 4.000 USD. Tuy nhiên, con số này hiện tại đã tăng gấp đôi, lên đến 8.000 USD. Những bang khác chi phí cũng tăng tới 50%”, ông Nhựt thông tin và cho biết, điều này ảnh hưởng rất lớn đến đơn vị đối tác tiêu thụ. “Nhà tiêu thụ rất lo ngại, chi phí vận chuyển cao làm đội giá thành sản phẩm khiến sức tiêu thụ chậm lại”, ông Nhựt cho hay.

Nỗ lực đảm bảo ổn định sản xuất, tăng doanh thu lợi nhuận

Mặc dù chịu áp lực và nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, các doanh nghiệp sản xuất tại TP. Đà Nẵng hiện vẫn đang duy trì ổn định được sản xuất, không chỉ đảm bảo thời gian tiến độ giao hàng mà nhiều đơn vị còn tăng được lượng đơn hàng, doanh thu và lợi nhuận.

Theo ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, doanh thu quý I/2021 của DRC vượt xa kế hoạch. Lợi nhuận mục tiêu của quý I là 66 tỷ đồng, nhưng chúng tôi đã đạt gần 80 tỷ đồng. Trong tháng 4, DRC đạt doanh thu hơn 352 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 41 tỷ đồng. Thị trường nội địa tăng trưởng tốt với doanh thu đạt 330 - 350 tỷ đồng. “Kết quả này là nỗ lực của cả công ty, đặc biệt là bộ phận xuất hàng, vận dụng tối đa sản xuất, cách thức giao hàng. Chúng tôi cũng đang cố gắng để đạt mục tiêu kế hoạch của tháng 5/2021 cũng như quý II”, ông Nhựt nói.

Đà Nẵng: Bất chấp khó khăn do Covid – 19, doanh nghiệp sản xuất vẫn tăng trưởng tốt
Vượt qua khó khăn, nhiều doanh nghiệp sản xuất tại TP. Đà Nẵng đang "sống tốt"

Còn Công ty TNHH Kane - M thì hướng tới tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ. Trước nguy cơ kế hoạch sản xuất của năm có thể bị đe dọa, khó đạt doanh thu mục tiêu, công ty hiện đang có kế hoạch đẩy mạnh thêm mảng kinh doanh. “Trước giờ công ty chỉ sản xuất và xuất hàng về công ty mẹ (tại Nhật). Tuy nhiên dịch Covid-19 buộc đơn vị phải thích ứng bằng cách tìm thêm các đối tác bên ngoài, mở rộng thị trường”, bà Lê Thị Hồng Thủy - Giám đốc điều hành công ty - thông tin và cho biết, hiện đơn hàng của công ty đi thị trường Nhật Bản đã có đến hết quý III và một đối tác tiềm năng cũng đang thương lượng có tín hiệu khả quan.

“Công ty Ba Sao sẽ xây dựng chế độ thưởng, nâng lương để giữ chân người lao động có tay nghề. Cùng với đó, tăng cường tuyển dụng trực tuyến và thông qua sàn giao dịch của Trung tâm giới thiệu việc làm Đà Nẵng để đảm bảo đáp ứng tiến độ các đơn hàng”, ông Lê Tiến Trường - Trưởng phòng nhân sự Công ty May mặc Ba Sao - thông tin và cho biết thêm, "Từ đầu năm đến nay chúng tôi đã tuyển được 250 lao động và hiện còn thiếu khoảng 100 lao động để đảm bảo tiến độ các đơn hàng cho đối tác".

Trước áp lực gia tăng chi phí vận chuyển của nhà nhập khẩu sản phẩm đầu vào, Công ty CP Công nghệ Bích Hạnh đã cùng đối tác đã ngồi lại thương thảo, đàm phán lại hợp đồng đã ký kết. “Mỗi bên đều chấp nhận giảm 1 phần lợi nhuận để cân bằng, chia sẻ khó khăn cho cả 2 bên do chi phí vận chuyển tăng cao”, ông Huỳnh Ngọc Trung – Giám đốc công ty - cho hay.

Một mùa hàng của Công ty Lâm sản Đà Nẵng được tính từ tháng 6 năm trước đến tháng 6 năm sau. Trong mùa hàng 2020 - 2021, dù có khó khăn do dịch Covid-19 nhưng công ty vẫn đạt được doanh thu mục tiêu. “Hiện doanh thu của đơn vị đã đạt hơn 3 triệu USD, dự kiến đến tháng 6 (thời điểm kết thúc mùa hàng 1 năm) công ty sẽ đạt các chỉ tiêu. Công ty cũng đã có đơn hàng của mùa hàng sau (tính từ tháng 6/2021 - tháng 6/2022) đến hết tháng 9, nhiều đối tác đang chuẩn bị đàm phán ký kết lại hợp đồng”, ông Huỳnh Trinh - Giám đốc công ty - vui vẻ chia sẻ.

Theo Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố những tháng đầu năm 2021 có nhiều chuyển biến tích cực. Trong tháng 4/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 6,56% so với tháng 3/2021, và tăng tới 29,5% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang dần lấy lại đà tăng trưởng, mức tăng của tháng 4/2021 so với cùng kỳ năm 2020 ước đạt 31,47%, đây là mức tăng cao nhất của nhóm ngành này kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam.

Ước tính 4 tháng đầu năm 2021, IIP Đà Nẵng tăng 3,39% so với cùng kỳ. Một số ngành công nghiệp tiếp tục có dấu hiệu phục hồi tích cực. Một số sản phẩm chủ lực có mức tăng ấn tượng như động cơ 1 chiều, lốp cao su, dược phẩm, vật liệu xây dựng….

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp trong 4 tháng đầu năm tăng 10,75% so với cùng kỳ, hàng tồn kho tiếp tục có xu hướng giảm.

 

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Vũ Lê

 

Tác giả: Vũ Lê
Nguồn: https://congthuong.vn/da-nang-bat-chap-kho-khan-do-covid-19-doanh-nghiep-san-xuat-van-tang-truong-tot-157361.html
Tin liên quan