Nhu cầu tuyển dụng nhân lực công nghệ thông tin sẽ tăng mạnh
Công nghệ thông tin được TP. Đà Nẵng xác định là 1 trong 3 trụ cột công nghiệp, là ngành kinh tế mũi nhọn, được ưu tiên, khuyến khích phát triển. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, Công nghiệp ICT (Công nghệ thông tin & Truyền thông – CNTT) sẽ đóng góp 15% vào GRDP thành phố.
Ông Lê Sơn Phong - Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TP. Đà Nẵng cho biết, ngành CNTT tại Đà Nẵng liên tục có bước phát triển ấn tượng trong những năm qua với tốc độ tăng trung bình 20%/năm giai đoạn 2010 – 2019. Riêng năm 2020, mặc dù GRDP TP. Đà Nẵng giảm sâu (-9,71%), kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố cũng rơi vào tăng trưởng âm, nhưng doanh thu công nghiệp CTTT của thành phố vẫn đạt 19.811 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu phần mềm cán đích ở con số 92,7 triệu USD, tăng 4,2% so với năm 2019. Số lượng doanh nghiệp CNTT của TP. Đà Nẵng tăng tới 35%/năm, chiếm 20% doanh nghiệp thành phố.
Tương ứng với sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ thông tin, sự gia tăng nhanh chóng của của doanh nghiệp CNTT, ngành công nghiệp này cũng tạo ra khối lượng việc làm lớn với thu nhập ổn định cho 40.500 lao động. Con số này dự được báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Theo ông Takahisa Onose - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng (JCCID), hiện nay, có 143 doanh nghiệp Nhật Bản đang có dự án kinh doanh tại Đà Nẵng, gần đây, có thêm nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin & dịch vụ đầu tư vào Đà Nẵng.
Công nghiệp công nghệ thông tin cũng là lĩnh vực được ưu tiên thu hút đầu tư tại tỉnh Bình Định. Hiện dự án công viên sáng tạo TMA Bình Định đang đi đến những bước xây dựng cuối cùng để hoàn thiện đưa vào hoạt động. Theo TS. Nguyễn Hữu Lệ - Chủ tịch tập đoàn TMA Solutions Bình Định, khi dự án đi vào hoạt động dự kiến sẽ tuyển dụng 3.000 kỹ sư CNTT. Bình Định cũng là điểm đến về đầu tư CNTT giá trị gia tăng cao như công nghiệp AI, IoT được nhiều nhà đầu tư uy tín như FPT, Fujinet Systems (Nhật Bản) lựa chọn, đi cùng với đó là việc làm cho hàng nghìn lao động CNTT.
Xu hướng đặt hàng nhân lực kết hợp hỗ trợ đào tạo để đón đầu người tài đang là chiến lược được nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin lựa chọn |
Đón đầu nhân lực CNTT chất lượng cao, doanh nghiệp vừa hợp tác vừa tham gia đào tạo
Để đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, các doanh nghiệp CNTT hiện không chỉ tìm kiếm đơn hàng, phát triển những sản phẩm mới mà còn tích cực trong “cuộc đua” tìm kiếm và tuyển dụng nhân lực chất lượng cao.
Trong đó, các tập đoàn, doanh nghiệp CNTT lớn trong nước và doanh nghiệp FDI đều đang chú trọng đến việc ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT với các trường đại học cùng nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn để thu hút người tài.
Theo Đại diện tập đoàn FPT, Công ty phần mềm FPT tại Đà Nẵng hiện là nơi làm việc của hơn 3.000 nhân lực CNTT. FPT đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án FPT Complex. Dự án khi đi vào hoạt động sẽ tuyển dụng thêm khoảng 7.000 nhân sự, đưa tổng nhân sự CNTT của FPT trên địa bàn TP. Đà Nẵng lên đến 10.000 người.
Tại buổi ký kết hợp tác với Đại học Công nghệ thông tin & Truyền thông Việt Hàn (Đại học Đà Nẵng), đại diện FPT cho biết, để việc hợp tác cung ứng nhân lực giữa hai bên hiệu quả, FPT sẵn sàng đưa chuyên gia, kỹ sư sang phối hợp hỗ trợ đào tạo cho sinh viên Đại học Việt Hàn. Ngoài hỗ trợ kiến thức chuyên môn, FPT cũng sẵn lòng hỗ trợ đào tạo các sinh viên các kỹ năng mềm.
TS. Nguyễn Hữu Lệ - Chủ tịch TMA Solutions Bình Định cho biết, dự án Công viên sáng tạo TMA Bình Định dự kiến mỗi năm cần phát triển thêm khoảng 300 nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhưng Đại học Quy Nhơn (Bình Định) hiện đào tạo không đủ nhân lực để cung ứng theo nhu cầu phát triển của công ty. Vì vậy, công ty phải mở rộng việc tìm kiếm nhân tài ở các trường Đại học khu vực miền Trung như: Đại học CNTT & Truyền thông Việt Hàn – Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Phạm Văn Đồng (Phú Yên), Đại học Nha Trang (Khánh Hòa),….để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực đầu vào.
“TMA dành một nguồn đầu tư lớn cho chương trình thực tập sinh viên thông qua hợp tác với các trường đại học. Chúng tôi hợp tác với các trường đại học không chỉ tạo cơ hội thực tập cho sinh viên, mà còn mong muốn hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu & phát triển CNTT (R&D) để phát triển nguồn nhân lực toàn diện”, ông Lệ nói.
Việc trường đai học đào tạo kết hợp với hợp tác cùng doanh nghiệp công nghệ thông tin nhằm đảo bảo đôi bên phát triển bền vững và sinh viên là đối tượng hưởng lợi |
Theo PGS.TS. Huỳnh Công Pháp – Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học CNTT & Truyền thông Việt Hàn, việc đào tạo sinh viên cũng như mở các ngành nghề đào tạo hiện theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Nhiều năm qua, Đại học Việt Hàn đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ CNTT trong và ngoài nước để xúc tiến hợp tác đào tạo – cung ứng nguồn nhân lực đầu ra CNTT của nhà trường làm đầu vào cho các doanh nghiệp. Việc việc thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp đảm bảo đôi bên cùng phát triển bền vững trên cơ sở liên kết các nguồn lực và thế mạnh của mỗi bên. Để nâng cao năng lực giáo dục của trường, trong thời gian tới Đại học Việt Hàn sẽ triển khai Xây dựng môi trường nghiên cứu và đào tạo ICT; Nâng cao năng lực giáo dục đào tạo và nghiên cứu ICT; Nâng cao năng lực hợp tác nhà trường doanh nghiệp trên nền tảng ICT.
Ngoài Đại học Việt Hàn, tại trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng cũng đang có các chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao để đáp ứng được nhu cầu nguồn cung kỹ sư CNTT đang thiếu hụt, đảm bảo cho sự phát triển của doanh nghiệp và ngành công nghiệp CNTT.
Ngày 25/3, Trường ĐH Công nghệ thông tin – truyền thông Việt Hàn (Đại học Đà Nẵng) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Cp Viễn thông FPT – Chi nhánh Quảng Nam và TMA Solutions Bình Định. Theo đó, 2 doanh nghiệp về công nghệ thông tin – truyền thông sẽ tiếp nhận sinh viên của Đại học Việt Hàn đến tham quan, thực tập nghề nghiệp về lĩnh vực CNTT, Viễn thông, Kinh tế. Đại học Việt Hàn sẽ giới thiệu nhân lực phù hợp cho 2 đơn vị đối tác thực hiện việc tuyển dụng hàng năm. Các bên sẽ cùng hợp tác tham gia các chương trình đào tạo, hội thảo về lĩnh vực CNTT, Viễn thông; các chương trình nghiên cứu các lĩnh vực CNTT, Viễn thông phù hợp với nhu cầu đôi bên. |
Vũ Lê