Nông dân Mường Động hợp tác trồng thanh long

Về Mường Động - Kim Bôi, chúng tôi đến thăm tổ hợp tác (THT) cây thanh long Đông Bắc, xóm Đồng Nang, xã Đông Bắc. Đây là một trong những THT của nông dân địa phương đang phát huy hiệu quả với việc liên kết trồng và tiêu thụ thanh long. Toàn bộ diện tích trồng thanh long 4,5ha được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP.

 

Ông Bùi Văn Bình, xóm Đồng Nang, xã Đông Bắc (Kim Bôi) chăm sóc vườn thanh long.

Là người tiên phong đưa cây thanh long về trồng trên đất Đông Bắc, ông Bùi Văn Bình, xóm Đồng Nang tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc tốt cho cây trồng, cũng vì vậy ông được bầu là Tổ trưởng THT cây thanh long Đông Bắc. Ông Bình chia sẻ: Gia đình trồng thanh long đã 10 năm nay. Trước đó, trên những diện tích trồng lúa kém hiệu quả, gia đình chuyển sang trồng ngô, mía nhưng năng suất, chất lượng không đạt yêu cầu. Trăn trở tìm hướng đi mới cho diện tích đất sản xuất, năm 2004 tôi về huyện Lạc Thủy tham quan, học hỏi kỹ thuật canh tác cây thanh long, sau đó mua giống về trồng thử nghiệm. Trước khi trồng thanh long phải chuẩn bị cây trụ bê tông, được chôn với khoảng cách khoảng 3m x 3m. Cây thanh long sẽ được trồng vào tháng 11 - 12. Sau khoảng 18 tháng sẽ cho quả bói. Đến năm thứ 3, cây bắt đầu cho thu hoạch ổn định. Thanh long thu hoạch từ tháng 6 - 12 hàng năm, nếu chăm sóc tốt, mỗi tháng cây sẽ cho thu hoạch 2 lứa.

Cũng theo ông Bình, cây thanh long hay bị bệnh thối cành, vì vậy khi có hiện tượng phải tiến hành cắt bỏ ngay. Quan trọng nhất khi trồng theo hướng VietGAP, người trồng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo thời gian cách ly theo đúng quy định trước thu hoạch từ 10 - 15 ngày. Mỗi năm, với 500 gốc thanh long, gia đình ông Bình thu hoạch 10 tấn quả. Bởi áp dụng theo quy trình chăm sóc an toàn nên quả luôn đảm bảo độ ngọt, trọng lượng, được các tiểu thương tới tận vườn thu mua. Bình quân mỗi năm, gia đình ông thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí.

Cũng là một trong những thành viên có thu nhập ổn định từ khi tham gia THT cây thanh long Đông Bắc, hiện gia đình ông Bùi Văn Tình, xóm Đồng Nang sở hữu vườn thanh long 0,5ha với khoảng 700 gốc. Ông Tình cho biết: Để cây thanh long phát triển tốt, gia đình phát cỏ và bón phân định kỳ 4 lần/năm. Phân bón được sử dụng là các loại có nguồn gốc hữu cơ. So với cây trồng khác, thanh long có thời gian thu hoạch dài nên dễ tiêu thụ. Những quả nặng trên 4 lạng, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp sẽ được tiểu thương ở Hải Dương và Hà Nội đến tận nơi thu mua với giá 20.000 đồng/kg. Mỗi năm, từ bán thanh long gia đình thu về khoảng 200 triệu đồng.

Sau nhiều năm, thấy hiệu quả kinh tế từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng của gia đình ông Bình, ông Tình, nhiều hộ xóm Đồng Nang đã cải tạo vườn, học hỏi kinh nghiệm, hợp tác, liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, bước đầu cây thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cho 15 hộ thành viên của THT. Theo thống kê, diện tích thanh long của xã Đông Bắc có khoảng 10ha, tập trung ở một số xóm: Đồng Nang, Ve, Đầm Định, Trang …

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Anh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi cho biết: Thanh long là một trong những loại cây trồng huyện định hướng để phát triển mở rộng. Loại cây này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân mà còn phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Toàn huyện Kim Bôi hiện có gần 30ha trồng thanh long, trong đó xã Đông Bắc khoảng 10ha. Để phát triển và nhân rộng diện tích trồng thanh long, huyện tiếp tục định hướng hộ sản xuất nhỏ lẻ tại các xóm, xã liên kết thành lập HTX, sản xuất theo chuỗi giá trị; hỗ trợ vay vốn, chứng nhận quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP; tập huấn khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long… Đồng thời, hỗ trợ các hộ sản xuất, THT quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua tham gia các hội chợ do huyện, tỉnh tổ chức...

 

Thu Hằng

Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/12/193538/Nong-dan-Muong-Dong-hop-tac-trong-thanh-l111ng.htm
Tin liên quan