Rộn ràng không khí sản xuất sau Tết Nguyên đán

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các nhà máy trên cả nước đã bắt đầu trở lại guồng quay sản xuất. Không khí làm việc tại nhiều nhà máy, khu công nghiệp khá sôi động, người lao động hào hứng vào ca với kỳ vọng một năm mới nhiều may mắn, thuận lợi.

Doanh nghiệp đồng loạt "ra quân" sản xuất kinh doanh

Những ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các công nhân Công ty Cổ phần May 10 (Gia Lâm, Hà Nội) quay trở lại nhà máy lao động, sản xuất với tinh thần vui tươi, phấn khởi, ai nấy đều mong năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong công việc.

Chị Nguyễn Thị Hương - bộ phận dán nhãn Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội, trực thuộc May 10 cho biết, với không khí phấn khởi đầu xuân, chị và các đồng nghiệp kỳ vọng năm 2025, May 10 sẽ phát triển hơn, năng suất lao động cao hơn để người lao động tăng thêm thu nhập.

CEO May 10, ông Thân Đức Việt cho hay, năm ngoái, dù gặp nhiều khó khăn thách thức, nhưng May 10 đã đoàn kết, phát huy trí tuệ, nội lực, tốc độ, tìm các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và ổn định thu nhập cho người lao động, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra.

Năm 2024, tổng doanh thu của May 10 đạt 4.699 tỉ đồng, tăng 11% so với kế hoạch, tăng 10% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế đạt 131,5 tỉ đồng, tăng 14% so với kế hoạch. Thu nhập bình quân đạt hơn 10.000.000 đồng/người/tháng, tăng 5% so với kế hoạch.

Rộn ràng không khí sản xuất sau Tết Nguyên đán

Ông Phạm Quang Thanh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội lì xì cho công nhân Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam chiều ngày mùng 6 Tết

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, năm 2025 là năm có nhiều dấu mốc quan trọng với đất nước, do đó, trong năm nay, Vinatex sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh nội sinh của từng doanh nghiệp, trong định hướng phải tổng hợp được thành sức mạnh chung toàn tập đoàn.

Đơn vị cũng sẽ thu hút, đãi ngộ và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao. Tạo lực kéo tất cả các doanh nghiệp cùng tiến bộ. Đẩy nhanh tốc độ đổi mới phương thức quản trị thông qua chuyển đổi số và áp dụng các mô hình quản trị doanh nghiệp tốt nhất đang có trong tập đoàn đến tất cả các doanh nghiệp.

Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, mở rộng thị trường ngách, tạo giá trị riêng bên cạnh sản xuất hàng dệt may truyền thống. Đồng thời, chủ động xây dựng lợi thế công nghệ và rào cản thị trường để đảm bảo tính bền vững cho tập đoàn.

Đặc biệt, đơn vị sẽ ứng dụng công nghệ tự động hoá, trí tuệ nhân tạo để giảm sự phụ thuộc vào lao động, đưa giá trị của một người lao động trong ngành dệt may theo kịp bước tiến của kinh tế cả nước.

Cũng trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khoảng 33.000 người lao động của Tập đoàn Hoà Phát đã trở lại nhịp độ làm việc bình thường. Riêng với khối sản xuất ở các nhà máy làm theo ca, sản xuất xuyên Tết.

Theo đại diện Tập đoàn Hòa Phát, năm 2024, doanh nghiệp đạt 140.560 tỉ đồng doanh thu, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, đạt kế hoạch năm 2024. Lợi nhuận sau thuế đạt 12.020 tỉ đồng, tăng 77% so với năm 2023, vượt 20% kế hoạch năm.

Năm 2024, Hòa Phát đã sản xuất 8,7 triệu tấn thép thô, tăng 30% so với năm 2023. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 8,1 triệu tấn, tăng 20%.

Rộn ràng không khí sản xuất sau Tết Nguyên đán

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu động viên người lao động

Hòa Phát giữ vững vị thế thị phần số 1 cả nước về thép dài, ống thép. Sản phẩm đã cung cấp vào hàng loạt dự án hạ tầng lớn như sân bay, các tuyến Metro tại Hà Nội, TPHCM và nhiều dự án trọng điểm khác.

Nhằm động viên tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ, người lao động tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới, ông Phạm Quang Thanh - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã đến chúc Tết, kiểm tra, nắm bắt tình hình lao động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Tại Công ty YAMAHA MOTOR Việt Nam (khu công nghiệp Nội Bài), không khí sản xuất diễn ra khẩn trương từ khu vực văn phòng đến dây chuyền sản xuất. Ông Okutani Masahiro - Tổng Giám đốc - bày tỏ vui mừng trước sự quay trở lại làm việc với tinh thần quyết tâm cao của cán bộ, công nhân lao động.

Chị Tạ Thị Chung - nhà ở Phổ Yên (Thái Nguyên) - vừa theo xe đưa đón công nhân lao động của công ty xuống Hà Nội làm việc ca 2, bắt đầu từ 14h không giấu được sự phấn khởi. Chị Chung cho biết, Tết Ất Tỵ được thưởng 2 tháng lương. Trước khi nghỉ Tết, Công đoàn và công ty tổ chức tiệc Tất niên với nhiều phần quà cho công nhân lao động. Trong đó, chị Chung được nhận giỏ quà Tết với rất nhiều bánh kẹo.

Rộn ràng không khí sản xuất sau Tết Nguyên đán

Người lao động trở lại làm việc ngày đầu sau Tết được lì xì may mắn

Cũng trong những ngày làm việc đầu tiên của năm mới, đồng chí Nguyễn Chính Hữu - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã đến thăm, chúc Tết, kiểm tra công vụ và nắm tình hình công nhân, viên chức, lao động tại huyện Đông Anh.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu đã trực tiếp xuống xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần Nam Thiên thăm, động viên, lì xì cho người lao động và động viên người lao động tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp, hăng say lao động sản xuất, phát huy sáng kiến cải tiến để tăng năng suất lao động, góp phần vào sự phát triển chung của doanh nghiệp; tiếp tục tin tưởng, gắn bó với tổ chức Công đoàn và tích cực ủng hộ, tham gia các hoạt động, phong trào thi đua do các cấp Công đoàn triển khai.

Nhiều tín hiệu tích cực trong năm mới

Trao đổi về tình hình lực lượng lao động sau Tết, ông Phạm Quang Thanh bày tỏ niềm tin cơ bản tất cả công nhân lao động sẽ trở lại làm việc với tinh thần phấn khởi vì Tết vừa qua đã nhận được sự chăm lo của tổ chức Công đoàn với phương châm không để đoàn viên, người lao động nào không có Tết. Ông Thanh cho hay, Liên đoàn Lao động thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn động viên doanh nghiệp cũng như người lao động để tạo sự gắn bó.

Theo tổng hợp của Liên đoàn Lao động thành phố, tính đến 9h00 ngày 3/2, tức mùng 6 Tết Ất Tỵ có 91,68% doanh nghiệp đã mở xưởng sản xuất với 95,18% số công nhân lao động trở lại làm việc. Đây là số công nhân lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp đã mở cửa sản xuất.

Trong đó, số doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp - Chế xuất Hà Nội mở xưởng sản xuất là 356/365 doanh nghiệp, đạt 97,53% với 147.872/154.033 công nhân lao động trở lại làm việc, đạt 96%.

Rộn ràng không khí sản xuất sau Tết Nguyên đán

Trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khoảng 33.000 người lao động của Tập đoàn Hoà Phát đã trở lại nhịp độ làm việc bình thường

Dịp Tết Ất Tỵ, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chi trên 300 tỉ đồng từ ngân sách Công đoàn, các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội cho biết, ngay sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền, các doanh nghiệp hội viên đã “ra quân” thực hiện hoạt động tổ chức sản xuất đầu năm.

Đội ngũ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tiếp tục bám sát, kiên định mục tiêu duy trì và phát triển hoạt động sản xuất và kinh doanh, tận dụng thời cơ mới trong kỷ nguyên vươn mình. Sẵn sàng cung ứng các sản phẩm, linh kiện ngành công nghiệp vào các dự án hạ tầng lớn được Chính phủ chỉ đạo triển khai.

Các thành viên hiệp hội sẽ tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, nâng cao lợi thế cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường từ nội địa hướng tới xuất khẩu. Đẩy mạnh chuyển đổi số, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới trong tổ chức sản xuất tại doanh nghiệp.

TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025 dự báo sẽ gặp nhiều thuận lợi bởi tình hình kinh tế thế giới khả quan hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất.

Ở trong nước, Chính phủ đã vào cuộc mạnh mẽ với nhiều giải pháp hỗ trợ toàn diện cho nền kinh tế; sớm nhận diện những khó khăn, rủi ro từ các thị trường xuất khẩu để tham mưu, đề xuất các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, công tác phòng vệ thương mại được triển khai kịp thời, đã và đang mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, theo TS Lê Quốc Phương, các doanh nghiệp với năng lực ngày càng được nâng cao đã có sự chủ động thích ứng tốt hơn với một thị trường biến động nhanh, khó lường.

 

 
Link bài gốc Copy link
 
Tác giả: Hà Đông
Nguồn: http://tuoitrethudo.com.vn/https://tuoitrethudo.vn/ron-rang-khong-khi-san-xuat-sau-tet-nguyen-dan-271119.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật