Thăm hợp tác xã nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc

Năm 2024, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Phạm An, thôn Trâm, xã Hưng Thi (Lạc Thủy) được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc.

Mướp đắng là một trong những cây trồng chủ lực của Hợp tác xã dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Phạm An, thôn Trâm, xã Hưng Thi (Lạc Thủy).

Hợp tác xã dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Phạm An được thành lập năm 2020, trên cơ sở là chi hội nghề nghiệp trồng sả và chuyển đổi HTX theo quy định của Luật HTX năm 2012. Đến nay, HTX có 45 thành viên. Năm 2022, sản lượng rau, củ, quả HTX cung ứng cho thị trường cả nước đạt hơn 300 tấn, đem lại thu nhập khoảng 1,2 tỷ đồng.

Năm 2023, HTX tiếp tục triển khai kế hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho bà con, mở rộng quy mô sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. HTX đăng ký với Sở NN&PTNT, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 70 ha (trong đó, rau các loại 30 ha, sả 40 ha). Các sản phẩm của HTX sản xuất và tiêu thụ được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng. Đến cuối năm 2023, sản lượng rau, củ, quả HTX cung ứng cho thị trường trên 400 tấn, đem lại tổng thu nhập trên 1,4 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Toàn, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Phạm An cho biết: Vừa qua, HTX ký hợp đồng với Công ty T9 Việt Nam trồng và bao tiêu sản phẩm ớt chỉ thiên xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, diện tích 5ha, giá được công ty bao tiêu 20.000 đồng/kg ớt tươi. Hiện công ty tiếp tục phối hợp với HTX mở rộng diện tích cho niên vụ 2025 lên 10 ha. Đây là sản phẩm mới của HTX, hứa hẹn tăng thêm thu nhập cho các thành viên.

Anh Nguyễn Đức Hữu, thôn 9, xã Hưng Thi cho biết: Tham gia vào HTX, các thành viên là hộ sản xuất nhỏ lẻ sẽ giảm được chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giá bán cũng như xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm. Mặt khác, các thành viên còn có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, liên kết với doanh nghiệp trong cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Sau 3 năm trồng mướp đắng, gia đình tôi nhận thấy hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cây trồng khác. Mỗi năm sản xuất được 2 vụ, giá trị kinh tế trên 1 ha sau khi trừ chi phí có lãi gần 100 triệu đồng. Nếu chăm sóc tốt, 1ha mướp đắng cho thu nhập từ 160 - 180 triệu đồng/năm, trừ chi phí có thể thu lãi trên 120 triệu đồng/năm. Tất cả sản phẩm của HTX đều có hợp đồng bao tiêu với tiểu thương tại các chợ đầu mối lớn như: chợ Thổ Tang ở Vĩnh Phúc, chợ Long Biên, chợ đầu mối phía Nam của TP Hà Nội và các công ty xuất nhập khẩu trong nước.

Ông Phạm Văn Toàn, Giám đốc HTX cho biết thêm: Mục tiêu những năm tiếp theo của HTX là duy trì vùng nguyên liệu đã có, tập trung mở rộng thêm vùng sản xuất đảm bảo chất lượng VietGAP, hướng tới sản xuất hữu cơ nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm rau, củ, quả tốt nhất, đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng trong nước, hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài sản phẩm củ sả tươi. HTX đã trở thành cầu nối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, kết nối nông dân với nông dân để có sức mạnh lớn hơn, giải quyết được bài toán đầu ra cho sản phẩm. Đây là lực đẩy quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững tại địa phương.

Việt Lâm

 

 

 

Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/12/195166/Tham-hop-tac-xa-nong-nghiep-tieu-bieu-toan-quoc.htm
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật