Ngày 11/11, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến Xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi, na và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang.
"Tập đoàn" cây ăn quả đa dạng
Với tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp, Bắc Giang giờ đây được ví như "tập đoàn" cây ăn quả phong phú, đa dạng, với nhiều sản vật nông nghiệp đặc trưng, nổi tiếng, đặc biệt là vải thiều.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại đầu cầu Hà Nội |
Tại điểm cầu Bắc Giang, ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - thông tin: Hiện nay, cam, bưởi và một số nông sản của tỉnh bắt đầu cho thu hoạch. Những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Bắc Giang có nhiều nông sản cung cấp ra thị trường. Trong đó, cam các loại khoảng 48 nghìn tấn, bưởi 37 nghìn tấn, na 4 nghìn tấn, được sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, có truy xuất nguồn gốc.
Cùng với nông sản, Bắc Giang cũng là địa phương có tổng đàn vật nuôi lớn, luôn nằm trong tốp 5 tỉnh dẫn đầu cả nước về chăn nuôi lợn, gà. Bên cạnh đó, còn có vùng trồng rau chế biến, rau an toàn hơn 11 nghìn ha, sản lượng hơn 230 nghìn tấn, đủ năng lực cung cấp cho các nhà máy chế biến nông sản, các siêu thị trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu.
Trong số các địa phương tập trung nhiều cây trái thơm ngon nổi tiếng của Bắc Giang phải kể đến huyện Lục Ngạn. Đây là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, đặc biệt thích hợp để phát triển nhiều loại cây ăn quả chất lượng cao như vải, nhãn, cam, bưởi, táo...
Theo UBND huyện Lục Ngạn, hiện nay, Lục Ngạn có gần 28.000 ha cây ăn quả các loại; trong đó, tổng diện tích trồng vải toàn huyện là 15.450 ha, tăng 160 ha so với năm 2020, sản lượng đạt 144.826 tấn; diện tích sản xuất theo quy trình VietGap, GlobalGap là 12.500 ha, tăng 710 ha so với năm 2020, chiếm 80,26% tổng diện tích.
Cùng với quả vải thì cam, bưởi… cũng là những nông sản thơm ngon và hiện đã được cấp nhãn hiệu tập thể. Huyện đang tiếp tục phối hợp với Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang, Cục Sở Hữu trí tuệ hoàn thiện thủ tục để cấp Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Ổi Lục Ngạn, Nhãn Lục Ngạn, Dê Lục Ngạn, Ngựa Lục Ngạn...
Các đại biểu thăm gian hàng trưng bày nông sản tại huyện Lục Ngạn |
Để các sản phẩm nông sản của Bắc Giang được người tiêu dùng tin yêu, đón nhận nhiều hơn nữa, thời gian tới, tỉnh Bắc Giang định hướng phát triển nông nghiệp gắn với dịch vụ du lịch, văn hóa. Tỉnh đang nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, doanh nghiệp lữ hành đến khảo sát, đầu tư với các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch khám phá gắn với trải nghiệm hoa trái vườn đồi...
Tăng khả năng kết nối, tiêu thụ
Tại điểm cầu Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao tỉnh Bắc Giang đã phối hợp tích cực, hiệu quả với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành, hiệp hội, tập đoàn phân phối, doanh nghiệp, nhà cung ứng... tổ chức hội nghị Xúc tiến tiêu thụ cam, bười, na và các nông sản tiêu biểu tỉnh Bắc Giang năm 2021.
Đại biểu tham dự tại đầu cầu Hà Nội |
Trong năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp song tỉnh Bắc Giang đã tổ chức thành công 2 hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải (tiêu thụ vải sớm tại Tân Yên ngày 26/5/2021 và tại TP. Bắc Giang ngày 9/6/2021) với 22 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và 8 điểm cầu tại các nước: Nhật Bản, Úc, Singapore, Trung Quốc. Tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ năm 2021 của Bắc Giang ước đạt 215.852 tấn, tăng trên 50.850 tấn so với năm 2020.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: Ngoài các kênh phân phối truyền thống đã đóng góp lớn cho việc tiêu thụ quả vải, năm nay Bộ Công Thương đã chủ động tổ chức đẩy mạnh thêm kênh phân phối hiện đại qua các sàn thương mại điện tử lớn. Riêng sản lượng phân phối qua các sàn thương mại điện tử lớn mùa vải năm nay đạt trên 9.000 tấn, với gần 1 triệu đơn hàng, gấp gần 5 lần kịch bản tốt nhất mà tỉnh Bắc Giang xây dựng là khoảng 2.000 tấn tiêu thụ qua thương mại điện tử ngay thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại tỉnh...
“Với vai trò cơ quan điều hành lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường nông sản trong và ngoài nước hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, thời gian qua, Bộ Công Thương luôn coi công tác hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên đặt lên hàng đầu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chứng kiến ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác tiêu thụ nông sản |
Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ Bắc Giang nói riêng, các địa phương trên cả nước nói chung phát triển sản phẩm, kết nối giao thương, thực hiện các hoạt động xúc tiên tiêu thụ nông sản gắn với chuỗi giá trị xây dựng và quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông sản của địa phương thông qua việc lồng ghép các hoạt động liên quan của Bộ như các chương trình: Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Nông sản thực phẩm an toàn, Xúc tiến thương mại quốc gia, Thương hiệu quốc gia, Khuyến công quốc gia..; chủ động tìm kiếm thị trường có tiềm năng xuất khẩu; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động lưu thông, xuất khẩu nhằm tăng khả năng kết nối, tiêu thụ cho các loại nông sản chủ lực của tỉnh...
Tại hội nghị đã có 57 văn bản được ký kết, ghi nhớ về tiêu thụ nông sản. Bắc Giang cam kết về chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn, dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc, đa dạng các kênh phân phối, kết hợp bán hàng truyền thống với thương mại điện tử. |
Thanh Tâm - Lan Anh