Chủ động phòng, chống dịch lở mồm, long móng trên gia súc

Thời điểm cuối năm, khi thời tiết chuyển lạnh là điều kiện dễ bùng phát dịch bệnh lở mồm, long móng (LMLM) trên đàn trâu, bò, lợn. Để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra, ngành chức năng khuyến cáo, người chăn nuôi cần quan tâm thực hiện các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi.

 

 

 

 

 

 

Hộ chăn nuôi vệ sinh chuồng trại, đảm bảo đầy đủ thức ăn và tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi để phòng, chống dịch LMLM. Ảnh chụp tại hộ dân xóm Tràng, xã Tú Lý (Đà Bắc).

Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y (CN&TY) tỉnh: Thực hiện Chương trình quốc gia về phòng, chống dịch bệnh LMLM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, các địa phương đã tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh LMLM, chủ động tạo miễn dịch cho đàn gia súc. Trong 2 năm 2016 - 2017, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận ổ dịch LMLM. Tuy nhiên, những năm tiếp theo, dịch LMLM vẫn xảy ra ở một số địa phương và gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi, nhất là vào cuối năm 2018. Theo đó, từ đầu tháng 12/2018 đến cuối tháng 1/2019, dịch LMLM xảy ra trên đàn lợn tại các huyện: Lương Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn, TP Hòa Bình, với 3.984 con lợn mắc bệnh và chết.

Năm 2020, dịch LMLM trên đàn trâu, bò xảy ra tại các huyện: Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi, Mai Châu và TP Hòa Bình, với 175 con gia súc mắc bệnh. Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh LMLM trên đàn trâu, bò xảy ra tại 11 xã của các huyện Yên Thủy, Lạc Sơn và TP Hòa Bình, tổng số gia súc mắc bệnh trên 500 con, chết 12 con. Theo đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY tỉnh, nguyên nhân khiến dịch bệnh LMLM xảy ra ở một số địa phương trong thời gian qua do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh ngày càng đạt thấp. Cùng với đó, chuồng trại chăn nuôi của nhiều hộ chưa đảm bảo vệ sinh, đảm bảo an toàn sinh học đã tạo điều kiện để mầm bệnh tồn tại và bùng phát dịch.

Nhiều năm qua, chăn nuôi gia súc đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của người dân xã Nhân Mỹ (Tân Lạc). Hiện, xã có tổng đàn trâu, bò trên 1.200 con. Do vị trí nằm dưới chân núi Trường Sơn, thời tiết vào mùa đông khá khắc nghiệt, vì vậy, người dân nơi đây luôn quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, trong đó có dịch LMLM. Đồng chí Đinh Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Mỹ cho biết, trong 2 năm trở lại đây, xã không có vật nuôi bị mắc bệnh LMLM. Có được kết quả đó là do xã thực hiện tốt công tác tiêm vắc xin phòng bệnh. Đến thời điểm này, xã đã tiêm vắc xin LMLM đạt 96% tổng đàn.

Tiêm vắc xin phòng bệnh chính là "chìa khóa” để ngăn chặn dịch LMLM bùng phát trên đàn vật nuôi. Tuy vậy, số địa phương tiêm phòng đạt tỷ lệ cao như xã Nhân Mỹ không nhiều. Theo Chi cục CN&TY, tỷ lệ tiêm vắc xin LMLM mới đạt khoảng 1/4 tổng đàn. Do đó tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch LMLM trên đàn trâu, bò, lợn. Chi cục CN&TY khuyến cáo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quyết liệt triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh LMLM cho đàn vật nuôi. Hộ chăn nuôi cần chú ý nắm bắt thông tin về diễn biến thời tiết, chủ động che chắn chuồng trại, tránh mưa rét, nhiễm lạnh. Tuyệt đối hạn chế để chuồng trại, vật nuôi bị ngấm, ứ đọng nước, nhất là chuồng nuôi bê, nghé. Đảm bảo đủ thức ăn, dinh dưỡng cho vật nuôi trong mùa đông để tăng sức đề kháng, qua đó chống lại mầm bệnh xâm nhập.

Viết Đào

 

 

Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/12/160363/Chu-dong-phong,-chong-dich-lo-mom,-l111ng-mong-tren-gia-suc.htm
Tin liên quan