Gia Lai quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

Những năm qua, tỉnh Gia Lai luôn đặc biệt quan tâm đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, triển khai, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KH-CN) vào sản xuất và đời sống, từ đó mang lại nhiều kết quả nổi bật.

Giai đoạn 2011-2021, Bộ KH-CN đã xem xét phê duyệt cho tỉnh triển khai thực hiện 19 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi với tổng kinh phí trên 113,9 tỷ đồng (13 dự án do trung ương quản lý, 6 dự án ủy quyền địa phương quản lý); phê duyệt triển khai thực hiện 3 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia (2 nhiệm vụ thuộc chương trình Quỹ gen, 1 nhiệm vụ cấp thiết địa phương) với tổng kinh phí hơn 25,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quản lý, triển khai 106 nhiệm vụ KH-CN với tổng kinh phí hơn 134,4 tỷ đồng. Các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện 257 dự án với kinh phí hơn 49 tỷ đồng.
 
Những năm qua, các nhiệm vụ KH-CN được triển khai và nghiệm thu đã từng bước gắn với thực tiễn, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Nhiều mô hình hiệu quả được người dân áp dụng và nhân rộng, góp phần nâng cao trình độ sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Tỉnh cũng đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách phát triển nguồn nhân lực, thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao trên lĩnh vực này.
 
Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, triển khai, ứng dụng các nhiệm vụ KH-CN của tỉnh giai đoạn 2011-2021. Ảnh: Trần Dung
Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, triển khai, ứng dụng các nhiệm vụ KH-CN vào sản xuất và đời sống giai đoạn 2011-2021. Ảnh: Trần Dung
 
Xác định việc ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp là điều kiện tiên quyết để hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, các sở, ngành, địa phương tích cực phối hợp, hỗ trợ người dân áp dụng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Toàn tỉnh hiện có hơn 227 ngàn ha cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, FLO… trong đó có hơn 46 ngàn ha được cấp giấy chứng nhận. Cùng với đó, mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là một trong những giải pháp đổi mới khoa học được người dân áp dụng rộng rãi nhằm tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí đầu tư, đặc biệt thích ứng với biến đổi khí hậu. Toàn tỉnh hiện có gần 33.000 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Ông Nguyễn Tấn Duy-Giám đốc Hợp tác xã Xây dựng-thương mại và dịch vụ Phượng Hoàng (huyện Đức Cơ) cho biết: “Hệ thống tưới nước phun mưa theo công nghệ của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) không chỉ giảm chi phí nhân công mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất cà phê như: độ ẩm thích hợp, bón phân trực tiếp qua hệ thống… Chúng tôi cũng đã hỗ trợ người dân về máy móc, kỹ thuật để mang lại hiệu quả cao”.  
 
Việc người dân, doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng KH-CN trong sản xuất đã thúc đẩy quá trình xây dựng thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm/dịch vụ, đặc biệt là những sản phẩm chủ lực của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 8 sản phẩm chủ lực được cấp văn bằng bảo hộ gồm: Rau An Khê; Rau Đak Pơ; Gạo Phú Thiện; Gạo Ia Lâu-Chư Prông; Gạo Ba Chăm-Mang Yang; Phở khô Gia Lai; Bò Krông Pa; Hồ tiêu Chư Sê. Ngoài ra, hơn 600 nhãn hiệu thông thường, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. “Việc xây dựng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm nông nghiệp được đẩy mạnh giúp nâng cao giá trị kinh tế, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm chủ lực của địa phương trên thị trường”-ông Ngô Việt Thắng-Giám đốc Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH-CN) khẳng định.
 
Thịt bò Krông Pa là 1 trong 8 sản phẩm chủ lực của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ. Ảnh: Trần Dung
Thịt bò Krông Pa là 1 trong 8 sản phẩm chủ lực của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ. Ảnh: Trần Dung
 
Từ nhiều nguồn vốn, tỉnh đã hỗ trợ các địa phương thực hiện dự án KH-CN để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, Sở KH-CN đang thực hiện 2 dự án gồm: “Đầu tư tăng cường năng lực Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ tỉnh” và “Đầu tư khu thực nghiệm ứng dụng KH-CN”. Ông Lê Minh Hải-Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN-thông tin: “Thời gian tới, Trung tâm sẽ triển khai nhiệm vụ ứng dụng, nghiên cứu, sản xuất, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Với hạ tầng trang-thiết bị này, Trung tâm hướng vào nghiên cứu rau, hoa, dược liệu theo chương trình nghị quyết của tỉnh. Đến nay, Trung tâm cũng đã sở hữu nhiều quy trình, công nghệ sản xuất, đặc biệt liên quan đến các loại nấm dược liệu, các loại nuôi cấy mô. Với các hạng mục đầu tư, Trung tâm hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp, câu lạc bộ khởi nghiệp trong việc ứng dụng các tiến bộ trong sản xuất”.
 
Tại Hội nghị tổng kết công tác triển khai, ứng dụng các nhiệm vụ KH-CN vào sản xuất và đời sống giai đoạn 2011-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đề nghị: Ngành KH-CN tỉnh cần kiện toàn Hội đồng KH-CN các đơn vị, địa phương để tham mưu đặt hàng, triển khai các nhiệm vụ phù hợp, đạt hiệu quả cao; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị và địa phương tăng cường tham mưu, định hướng các nội dung nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH-CN gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác, quan tâm mời các chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn sâu, trình độ cao ở các viện, trường đại học, đơn vị nghiên cứu... hỗ trợ cho tỉnh về KH-CN trên tất cả lĩnh vực.
TRẦN DUNG 
Nguồn: http://baogialai.com.vn/channel/744/202205/gia-lai-quan-tam-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-vao-san-xuat-5777156/
Tin liên quan