Gỡ khó trong tiêu thụ nông sản

Đến thời điểm này, 60% trái vải chín sớm đã được tiêu thụ tại thị trường nội địa. Hiện, nhiều nông sản, trái cây đang vào vụ thu hoạch. Bộ Công Thương đang phối hợp với nhiều đơn vị triển khai các giải pháp để hành trình tiêu thụ nông sản không gặp nhiều khó khăn.

Bộ Công Thương xúc tiến xuất khẩu hàng Việt sang thị trường Thái Lan Bộ Công Thương: Dồn tổng lực, thúc đẩy hỗ trợ tiêu thụ nông sản mùa dịch Covid-19

Hơn 60% trái vải chín sớm đã được tiêu thụ tại thị trường nội địa

Chia sẻ tại cuộc họp bàn tháo gỡ vướng mắc trong vận chuyển nông sản ra cửa khẩu và luân chuyển nông sản giữa các tỉnh, thành phố do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức chiều ngày 7/6, ông Hoàng Anh Tuấn- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)- cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các công điện, Chỉ thị, Bộ đã tập trung triển khai và chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ, Sở Công Thương, các doanh nghiệp phân phối bán buôn, bán lẻ,… đẩy mạnh tiêu thụ trong nước các mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao, trong đó có trái vải thiều. “Qua báo cáo nhanh của Hải Dương và Bắc Giang cho thấy, với sản lượng tiêu thụ niên vụ vải chín sớm, đã có hơn 60% tiêu thụ tại thị trường nội địa”, ông Hoàng Anh Tuấn nói.

ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phát biểu tại cuộc họp
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phát biểu tại cuộc họp

Về khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa, Bộ Công Thương đã ban hành văn bản 1083 ngày 1/3/2021 về hướng dẫn thu mua nông sản, hàng hóa vùng đang có dịch;… Bộ cũng đã có văn bản gửi các địa phương biên giới, đặc biệt là địa phương tiếp giáp với phía bạn, như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh…, trong đó đề nghị Sở Công Thương phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế, Hải quan địa phương để hỗ trợ, thúc đẩy việc cho các thương nhân phía Nam cũng như các tỉnh phía Bắc đưa hàng lên biên giới, xuất khẩu sang nước bạn sao cho đúng quy định, cũng như giải quyết nhanh nhất các thủ tục qua đó thúc đẩy việc xuất khẩu hàng hóa.

Cùng với đó, hàng loạt các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức đã được Bộ triển khai… Bộ Công Thương cũng đồng thời đề nghị các doanh nghiệp phân phối, đặc biệt là nhà bán buôn, bán lẻ, tăng cường đẩy mạnh thu mua nông sản cao hơn 2 lần so với những năm trước. Hiện các hệ thống phân phối như: BigC, Coop.Mart, Vinmart… đã cùng vào cuộc đẩy mạnh mặt hàng nông sản, trong đó có quả vải thiều.

Không để hành trình tiêu thụ nông sản gặp khó

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tổng sản lượng 10 loại trái cây chủ lực năm 2021 ước đạt 8,3 triệu tấn. Cùng với trái vải đang vào vụ thu hoạch thì còn nhiều loại trái cây đến mùa vụ như thanh long, xoài, chuối… Sản lượng lớn, áp lực đối với tiêu thụ nông sản là rất lớn.

Hỗ trợ tối đa xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc
Các Bộ, ngành cùng vào cuộc, hỗ trợ tối đa cho vải thiều tiêu thụ trong nước và xuất khẩu

Theo các địa phương, đối với nông sản trong vùng cách ly y tế do Covid-19, hiện khó khăn là xác định nông sản an toàn trong vùng dịch; vận chuyển nông sản ra vùng dịch; khó khăn về con người khi bị cách ly trong vùng dịch…. Bên cạnh khâu vận chuyển, lưu thông nông sản giữa các địa phương, các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương áp dụng biện pháp chống dịch quá mức cần thiết khi không cho phép phương tiện vận chuyển nông sản của địa phương khác đi qua, mặc dù có giấy xác nhận an toàn dịch bệnh đối với lái xe và hàng hóa. Ngoài ra, cước phí vận tải tăng, nhu cầu thị trường giảm, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, chi phí cầu đường và lưu thông vận chuyển tăng cũng khiến việc tiêu thụ nông sản càng thêm khó.

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Ngoại giao, Y tế, Công an, Giao thông vận tải cùng nhau bàn thảo về tháo gỡ vướng mắc trong vận chuyển nông sản ra cửa khẩu và luân chuyển nông sản giữa các địa phương.

Ông Trần Thanh Nam- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT- đề nghị, Bộ Ngoại giao họp bàn với phía Trung Quốc có thể có cơ chế cho phép tạm thời sử dụng “Hộ chiếu vắc xin” đối với lái xe vận chuyển để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Bộ Y tế xem xét thống nhất đề nghị các địa phương nên ưu tiên tiêm vác xin cho các lái xe vận chuyển để họ có thể lưu thông dễ dàng. Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu việc giảm phí, có cơ chế tạo điều kiện cho các xe vận chuyển nông sản thuận lợi hơn.

Liên quan đến kiến nghị của Bộ NN&PTNT về việc “Hộ chiếu vắc xin” đối với lái xe chở hàng qua cửa khẩu biên giới…., đại diện Bộ Ngoại giao cho hay việc này chỉ được cấp cho cư dân biên giới, đây là vấn đề song phương phải được sự đồng thuận 2 quốc gia, phải có hiệp định để điều chỉnh. Do vậy, đề nghị này cần phải xem xét.

Còn theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, hiện Sở Giao thông vận tải các địa phương đã có hướng dẫn chi tiết doanh nghiệp vận tải để đáp ứng nhu cầu vận chuyển, phòng chống dịch. Đồng thời đề xuất, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cần yêu cầu các địa phương có nhu cầu vận chuyển thì thông tin đến Sở Giao thông Vận tải trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu vận chuyển lưu thông hàng hóa.

Nhấn mạnh đến nhiều loại nông sản chuẩn bị bước vụ thu hoạch ngoài vải thiều, ông Hoàng Anh Tuấn cho hay, các đơn vị chức năng thuộc Bộ sẽ tiếp tục thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ phối hợp với các bộ, ngành, cũng như chỉ đạo các doanh nghiệp từ xuất khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ và các chợ đầu mối tập trung đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, trong đó có quả vải thiều. Trong đó, đặc biệt đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước, tập trung vào thị trường phía Nam, các chợ đầu mối phía Nam. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ có những sản phẩm và thu hoạch thời vụ ngắn mà sản lượng lớn.

Cùng với sự vào cuộc của các Bộ, ngành, Bộ Công Thương cũng đề xuất Bộ NN&PTNT chỉ đạo ngành dọc ở địa phương phối hợp giúp đỡ các doanh nghiệp thu mua, tạo điều kiện cấp giấy thông hành nhanh (kiểm dịch) để có thể vận chuyển đi xuất khẩu cũng như tiêu thụ tại trong nước.

Với những trái cây có sản lượng lớn, thời gian thu hoạch ngắn, Bộ NN&PTN cần nghiên cứu để rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch, giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm cùng một thời điểm. Hướng đến việc đưa sản phẩm sản xuất theo tín hiệu thông tin thị trường, để cung - cầu gặp nhau, việc này sẽ giúp người dân bán được nông sản với giá tốt nhất.

Nguyễn Hạnh

 

Tác giả: Nguyễn Hạnh
Nguồn: https://congthuong.vn/go-kho-trong-tieu-thu-nong-san-158574.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật