Không để đứt gãy các chuỗi sản xuất và cung ứng trong chăn nuôi

Dịch Covid-19, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội đã tác động đến khâu lưu thông, phân phối. Trong khi ở đầu sản xuất giá lợn hơi, gia cầm giảm sâu nhưng khi đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao. Không để đứt gãy các chuỗi sản xuất và cung ứng trong chăn nuôi là việc cần làm ngay lúc này.

Giá lợn hơi, giá gia cầm giảm mạnh

Tại thị trường trong nước, từ đầu tháng 8/2021 đến nay, giá lợn hơi tiếp tục xu hướng giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiêu thụ giảm, trong khi nguồn cung phục hồi. Hiện giá lợn hơi trên toàn quốc dao động trong khoảng 51.000 – 55.000 đồng/kg, giảm 2.000- 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2021, là mức thấp nhất kể từ giữa năm 2019. Với mức giá lợn hơi như hiện nay, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã, chăn nuôi nông hộ gặp nhiều khó khăn, thua lỗ lớn.

3748-gia-lon-hoi-15-7
Hiện giá lợn hơi trên toàn quốc dao động trong khoảng 51.000 – 55.000 đồng/kg

Trong khi đó, giá gà thịt tại các tỉnh, thành phố phía Nam cũng có xu hướng giảm mạnh, nhiều nơi, giá gà lông trắng giảm xuống mức dưới 10.000 đồng/kg. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nên nhu cầu giảm, việc vận chuyển cũng gặp khó khăn. Các lệnh hạn chế nhằm kiểm soát sự lây lan dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh khiến đầu ra của các trại nuôi lợn tại Đồng Nai gặp khó.

Tuy nhiên, có một nghịch lý mặc dù giá lợn hơi giảm mạnh, giá thịt lợn tại các cửa hàng thịt, các siêu thị mini, các chợ truyền thống và các siêu thị vẫn cao, như chưa hề có sự biến động về giá thịt lợn hơi thời gian qua. Hiện, tại các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội như chợ Kim Liên, chợ Thành Công, chợ Ngô Sỹ Liên, giá thịt lợn vẫn dao động từ 120.000 – 150.000 đồng/kg tùy loại. Tại các siêu thị, giá thịt lợn phổ biến từ 120.000 - 210.000 đồng/kg tùy loại.

Nguyên nhân được đưa ra là do các chi phí liên quan đồng loạt tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển. Với chi phí phát sinh, thương lái buộc phải cộng thêm những khoản tiền này vào giá bán cho người tiêu dùng. Điều này khiến giá thịt lợn vẫn "neo" ở mức cao dù giá lợn hơi đã giảm sâu.

Tại buổi làm việc trực tuyến của Bộ NN&PTNT với một số hiệp hội, doanh nghiệp lớn về cung ứng, xuất khẩu thực phẩm thịt diễn ra chiều ngày 10/8, các doanh nghiệp đều kiến nghị Bộ có ý kiến để các địa phương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến phân phối, lưu thông được hàng. Bởi phải lưu thông được thì mới giải phóng được hàng của bà con nông dân, rút ngắn được khoảng cách về giá từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng.

Lo ngại thiếu hụt nguồn cung cuối năm

Theo đánh giá của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm 2021, dịch tả lợn châu Phi còn xảy ra ở một số địa phương và những nơi dịch đã được khống chế vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại; trong khi chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao… sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước. Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng tới việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, đẩy giá cám lên cao, ảnh hưởng tới quá trình chăn nuôi, làm chậm lại nỗ lực khôi phục đàn lợn. Theo đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung trong nước trong thời gian tới.

Không để đứt gãy các chuỗi sản xuất và cung ứng trong chăn nuôi
Giá gà lông trắng tại nhiều tỉnh thành phía Nam giảm sâu

Trong khi đó, trước bối cảnh giá gà lông trắng tại nhiều tỉnh thành phía Nam giảm sâu, trong báo cáo của Tổ công tác 970 (Bộ NN&PTNT) cũng nhận định, với lượng gia cầm vào đàn thấp, dự báo có thể sẽ có một đợt khủng hoảng thiếu gia cầm vào dịp tết Nguyên đán 2022.

Ông Nguyễn Thanh Sơn- Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm- nhận định, thiếu hụt nguồn cung có thể dẫn đến tới nguy cơ nhập khẩu các sản phẩm thịt gà đông lạnh gia tăng. Từ năm 2019 đến nay, gà nhập khẩu chiếm khoảng 20% tổng lượng gà tiêu thụ trong nước. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới người chăn nuôi mà còn có tác động đến an ninh thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương- thành viên Hội Chăn nuôi Việt Nam, trong bối cảnh dư chấn của dịch tả lợn châu Phi chưa hết thì ngành chăn nuôi lại đối mặt với vô vàn khó khăn, giá nhiều sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh do khâu thu mua, giết mổ bị đứt gãy. Do đó, cần đặc biệt quan tâm tới khâu giết mổ để tránh đứt gãy chuỗi chăn nuôi. Mặt khác, để giảm gánh nặng cho ngành chăn nuôi, mới đây, Cục Chăn nuôi và Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Chính phủ giảm 50% thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Đồng thơi kiến nghị Nhà nước xem xét đưa mặt hàng này vào nhóm bình ổn giá để sản xuất chủ động đầu vào và có kế hoạch đầu ra, từ đó giúp người chăn nuôi hạn chế rủi ro, thuận lợi hơn trong việc tính toán lợi nhuận.

Trên thực tế, với những doanh nghiệp chăn nuôi khép kín thì mức giá lợn hơi như vậy vẫn tạm ổn. Theo ông Nguyễn Như So- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco, công ty có 3.000 con lợn, mặc dù giá có giảm nhưng vẫn chấp nhận được do công ty chủ động được thức ăn.

Để đảm bảo giá bán cho nông dân, các doanh nghiệp cũng đề xuất Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đẩy mạnh tuyên truyền về chuỗi sản xuất để bà con tham gia. Bởi có những nơi giá lợn hơi dưới 50.000 đồng/kg nhưng nếu vào chuỗi thì giá sẽ ổn định hơn.

Ông Nguyễn Văn Trọng- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT)- khuyến nghị, các hộ chăn nuôi cần phải liên kết ngang thành HTX, chi hội, sản xuất theo chuỗi để các doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận bao tiêu từ đó giúp hạ giá thành sản phẩm, chủ động đầu vào và đầu ra

Trước các kiến nghị của các doanh nghiệp, chuyên gia, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trong lưu thông, vận chuyển, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT- đề nghị, song song với công tác phòng chống dịch các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc duy trì sản xuất, lưu thông hàng hóa, để tránh đứt gãy các chuỗi sản xuất và cung ứng trong chăn nuôi. Đồng thời đề nghị ngành chăn nuôi theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới, có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh để tình trạng tăng đột biến về giá và không đảm bảo về chất lượng thức ăn chăn nuôi.

Cần có chiến lược quốc gia về dự trữ thịt lợn và các loại thực phẩm

Trung Quốc đang đối mặt với với khủng hoảng thừa thịt lợn kể từ đầu năm 2021 đến nay do việc giết mổ ồ ạt và trọng lượng lợn xuất chuồng tăng từ 2-3 lần so với bình thường. Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc đã tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020, lên khoảng 27 triệu tấn. Đàn lợn của nước này ở thời điểm cuối tháng 6/2021 tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 439 triệu con. Sản lượng giết mổ lợn tại Trung Quốc đạt 337,42 triệu con, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng tăng mạnh đã gây áp lực lên giá thịt lợn tại Trung Quốc, gây ra thua lỗ lớn đối với nhiều người chăn nuôi.

Uỷ ban Phát triển và cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã can thiệp thị trường bằng cách mua vào lượng lớn thịt lợn để ngăn chặn giá giảm thêm nữa. NDRC cho biết sẽ nâng cao vai trò của dự trữ thịt lợn quốc gia trong việc bình ổn sản lượng và giá thịt lợn. Theo đó, một lượng dự trữ bổ sung tạm thời sẽ được thiết lập nhằm giúp Chính phủ Trung Quốc chủ động hơn trong việc điều tiết giá thịt lợn, bằng cách mua vào khi giá thịt xuống quá thấp và bán ra khi nguồn cung thịt bị thắt chặt.

Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, về lâu dài, Việt Nam cần có chiến lược quốc gia về dự trữ thịt lợn và các loại thực phẩm khác, bởi nhiều nước trên thế giới đã thực hiện dự trữ thực phẩm thiết yếu trong 5 - 6 tháng nhằm đối phó với các kịch bản dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu… Việc xây dựng chiến lược dự trữ cần có sự chủ trì của Nhà nước, Chính phủ và sự góp sức của nhiều thành phần trong xã hội. Các doanh nghiệp cũng sẽ chung tay vào chiến lược dự trữ thực phẩm này.

Nguyễn Hạnh

 

Tác giả: Nguyễn Hạnh
Nguồn: https://congthuong.vn/khong-de-dut-gay-cac-chuoi-san-xuat-va-cung-ung-trong-chan-nuoi-162312.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật