Trong khuôn khổ Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành (Techmart) Công nghệ sinh học trực tuyến 2021, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phối hợp cùng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Sinh học (Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) tổ chức hội thảo chủ đề “Công nghệ sản xuất protein tái tổ hợp trong vi khuẩn Bacillus subtilis và tiềm năng ứng dụng trong sản xuất vaccine”. Đây là hội thảo có nội dung hấp dẫn, thu hút nhiều sự quan tâm và theo dõi.
Báo cáo tại hội thảo, ông Trương Đức Đạt (đại diện Trung tâm Khoa học và Công nghệ Sinh học, viết tắt là Trung tâm KHCNSH) cho biết vi khuẩn Bacillus subtilis có 2 đặc điểm rất quan trọng là kích thích miễn dịch để hỗ trợ điều trị các bệnh đường tiêu hóa và đường tiết niệu, có thể chuyển đổi một số chất độc hại thành các hợp chất vô hại trong xử lý môi trường. Do đó, loại vi khuẩn này đã được ứng dụng rất nhiều trong đời sống, như dùng trong chế biến thực phẩm natto và probiotics cho người, sản xuất chế phẩm sử dụng trong nông nghiệp (tôm, cá…), sản xuất chất hoạt động bề mặt sinh học dùng để khử trùng các dụng cụ y tế, sản xuất các enzyme và cao phân tử khác nhau dùng trong công nghiệp.
Bên cạnh đó, vi khuẩn Bacillus subtilis cũng là vi khuẩn mô hình của Gram-dương, có sẵn nhiều thông tin nghiên cứu về tính an toàn, không có nội độc tố (GRAS), hiện diện khắp nơi nên thân thiện với con người. Bacillus subtilis hình thành bào tử - rất bền, tồn tại trong các điều kiện khắc nghiệt, dễ dàng đáp ứng các điều kiện sản xuất protein ở quy mô công nghiệp (60% enzyme công nghiệp được biểu hiện từ các chủng Bacillus (amylase, protease, lipase…).
Do đó, Trung tâm KHCNSH đã nghiên cứu hệ thống vector biểu hiện protein tái tổ hợp ở Bacillus subtilis, các biểu hiện protein tái tổ hợp ở các vị trí khác nhau ở Bacillus subtilis, ứng dụng các vector để nghiên cứu phát triển sản phẩm protein tái tổ hợp và vaccine. Vaccine do Trung tâm phát triển đáp ứng miễn dịch tạo kháng thể khi chuột được cảm ứng bằng các bào tử và tế bào Bacillus subtilis, có khả năng bảo vệ chuột khi thử thách với độc tố. Vaccine cũng có khả năng bảo vệ tôm khỏi virus gây bệnh đốm trắng (WSSV).
Sở hữu công nghệ nền để nghiên cứu sản xuất protein tái tổ hợp, Trung tâm KHCNSH đang có sẵn một số sản phẩm protein tái tổ hợp, đặc biệt là một loại Taq DNA polymerase có nhiều ưu điểm vượt trội, sẵn sàng chuyển giao công nghệ, tập huấn vi sinh – sinh học phân tử cho các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu. Toàn bộ thông tin triển lãm được giới thiệu chi tiết tại gian hàng trưng bày thiết bị - công nghệ ở Techmart Công nghệ sinh học trực tuyến 2021.
Hiện nay, Trung tâm KHCNSH đang thực hiện nhiều dự án liên quan đến vaccine như “Gắn protein vỏ của betanodavirus gây bệnh hoại tử thần kinh ở cá chẻm lên bề mặt của tế bào Bacillus subtilis để phát triển vaccine” (hợp tác với Viện nghiên cứu Moredun – Scotland, dự báo vaccine có khả năng bảo vệ lên đến 50% cá sau khi thử thách bằng virus), “Nghiên cứu vaccine phòng bệnh gây ra bởi Staphylococcus aureus; vaccine phòng bệnh viêm tuyến vú ở bò sữa” (dự án được Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) tài trợ), “Nghiên cứu phát triển vaccine ngâm và cho ăn phòng bệnh cho cá tra” (dự án được bởi VinIF tài trợ).
Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành (Techmart) Công nghệ sinh học trực tuyến 2021 là sự kiện thường niên do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức nhằm hỗ trợ đưa sản phẩm từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ ra thị trường phục vụ nhu cầu ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Trong nhiều năm, Techmart còn là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp tìm kiếm đối tác đầu tư, hợp tác để phát triển sản phẩm, ý tưởng sáng tạo và phát triển kinh doanh.
Theo https://cesti.gov.vn/