Đã qua thời giá thấp
Giá cà phê ở mức cao, vì sao doanh nghiệp cần bình tĩnh trước cơ hội? Theo nhận định chung của Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam (Vicofa), năm 2023 ngành cà phê xuất khẩu của Việt Nam đã đạt cột mốc chưa từng có trong lịch sử xuất khẩu hơn 30 năm do giá cà phê tăng cao. Nhờ vậy, kết thúc năm chúng ta đã đạt kim ngạch gần 4,2 tỷ USD, tăng 3,1% so với năm 2022.
Nhìn về thị trường năm 2024, Vicofa cho rằng, năm nay sẽ tiếp tục là năm thuận lợi cho xuất khẩu cà phê và sản lượng có thể giảm song kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng với dự kiến đạt khoảng 4,5-5 tỷ USD.
Sản lượng cà phê Việt Nam sụt giảm trong năm 2023 do diện tích giảm |
Điều đặc biệt, theo ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Vicofa, đã qua rồi cái thời giá cà phê nội địa 30.000 - 40.000 đồng/kg mà xu hướng giá cà phê Việt Nam trong năm 2024 và các năm sau này sẽ tiếp tục duy trì mức 60.000 - 70.000 đồng/kg.
Ông Hiệp cho biết, một trong những bằng chứng cho việc này là hiện đang vào cao điểm vụ thu hoạch cà phê của Việt Nam. Thông thường các năm trước, mùa này giá cà phê giảm mạnh vì nguồn cung dồi dào nhưng năm nay vẫn ở mức cao kỷ lục.
Sở dĩ giá cà phê ở mức cao kỷ lục, có nhiều nguyên nhân, trong đó đầu tiên phải nói tới là chất lượng cà phê robusta của Việt Nam nhiều năm qua luôn được cải thiện và hiện tốt nhất thế giới. Tiếp đến là nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tăng cao cả ở nội địa cũng như tại các nước trên thế giới. Cuối cùng là nguồn cung robusta đang hạn chế (năm 2023 nguồn cung cà phê giảm khoảng 20%).
Một điều đáng chú ý, theo Vicofa, cục diện cà phê đã đảo ngược và thế giới đang phụ thuộc vào nguồn cung cà phê từ Việt Nam. Đặc biệt, với Việt Nam, dù sản lượng giảm nhưng giá tăng mạnh và gấp đôi những năm trước nên chúng ta không lo kim ngạch xuất khẩu giảm.
Bình tĩnh trước các cơ hội
Khẳng định cơ hội của ngành cà phê trong năm 2024 khả quan, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex cho rằng, nhu cầu về sản phẩm cà phê của các nước như: Châu Âu, Mỹ… rất lớn và cà phê của Việt Nam được coi là không thể thiếu trên thị trường toàn cầu bởi vị phù hợp với người tiêu dùng thế giới. Chính vì vậy mà giá cà phê có xu hướng tăng dần và chưa bao giờ ngay từ đầu vụ mà giá cà phê cao như hiện tại. Điều này cũng phần nào phản ánh nhu cầu của thị trường đang rất lớn trong khi nguồn cung thiếu hụt.
Cụ thể như tại Việt Nam, sản lượng cà phê giảm do những năm gần đây, giá cà phê thấp, nhiều nông dân chuyển dần sang các đối tượng cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn (sầu riêng). Đó là chưa kể yếu tố thời tiết khô hạn cực đoan do hiện tượng El Nino đang diễn ra.
Từ các yếu tố này, ông Nam dự báo, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn sẽ một mình một chợ cho đến cuối tháng 4 đầu tháng 5/2024 vì thời điểm này các nước Indonesia và Brazil mới vào vụ thu hoạch.
Tuy vậy, theo ông Đỗ Hà Nam, điều quan trọng là các doanh nghiệp xuất khẩu cần bình tĩnh trước các cơ hội, nhận định và phân tích thị trường một cách thấu đáo. “Chỉ cần các doanh nghiệp không bán đổ bán tháo thì chúng ta không lo mất giá", ông Nam khuyến cáo.