Thanh Hóa: Xuất khẩu sản phẩm OCOP sang các thị trường khó tính

Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực xuất khẩu sản phẩm OCOP sang các thị trường khó tính, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn.

Nhiều sản phẩm OCOP xuất ngoại thu về hàng tỷ USD

Theo số liệu từ Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Thanh Hóa, sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 487 sản phẩm OCOP được công nhận, gồm: 429 sản phẩm hạng 3 sao; 57 sản phẩm hạng 4 sao; 1 sản phẩm 5 sao của 361 chủ thể OCOP với 75 doanh nghiệp, 107 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác, 169 hộ sản xuất, kinh doanh, trên địa bàn 27 huyện, thị xã, thành phố.

Thanh Hóa nỗ lực đưa các sản phẩm OCOP xuất khẩu sang các thị trường khó tính
Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 487 sản phẩm OCOP được công nhận.

Các huyện có số lượng sản phẩm OCOP nhiều như: Huyện Thọ Xuân 38 sản phẩm, Nga Sơn 37 sản phẩm, Hoằng Hoá 35 sản phẩm, Yên Định 31 sản phẩm. Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2024, tỉnh Thanh Hoá phấn đấu có thêm 120 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 13 sản phẩm 4 sao, còn lại là 3 sao

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Bùi Công Anh, Phó Chánh văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện nay, tỉnh có 23 sản phẩm OCOP xuất khẩu, như: Mắm tôm, mắm tép Lê Gia xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Nam Phi; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói của Công ty Việt Anh xuất khẩu trực tiếp và bán tại các siêu thị ở Hoa Kỳ; sản phẩm từ tre của Công ty TNHH sản xuất và thương mại BambooVina đã xuất khẩu đi các thị trường Châu Âu, Đức, Mỹ; dứa, ngô ngọt đóng hộp của Công ty CP chế biến nông sản Trung Thành và Công ty TNHH Tư Thành, đã xuất khẩu đi các nước Châu Âu, Nga, Hàn Quốc, Australia…Giá trị xuất khẩu ước đạt 6 tỷ USD/năm 2023, năm 2024 dự kiến đạt 8 tỷ USD. Công ty Việt Anh (huyện Nga Sơn) là đơn vị tiêu biểu có 5 sản phẩm OCOP xuất khẩu.

Thanh Hóa nỗ lực đưa các sản phẩm OCOP xuất khẩu sang các thị trường khó tính
Mắm tôm, mắm tép Lê Gia (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) là sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia đã xuất khẩu vào thị trường khó tính như: Nga, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Nam Phi.

Để đạt được kết quả trên, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025; hàng năm, UBND tỉnh Thanh Hóa đều ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP gắn với nội dung cụ thể, phân công trách nhiệm cho từng thành viên có liên quan. Trên cơ sở kế hoạch của tỉnh, các địa phương đều ban hành kế hoạch, kiện toàn bộ máy tham mưu, tổ chức thực hiện Chương trình theo quy định của Trung ương.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn

Xác định công tác tuyên truyền là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Thường xuyên phối hợp với báo, đài Trung ương và địa phương, định kỳ hàng tháng, quý viết bài tuyên truyền, quảng bá kết quả thực hiện Chương trình OCOP; thực hiện nhiều phóng sự với nội dung đa dạng như: tuyên truyền, đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP; nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP...

Thanh Hóa nỗ lực đưa các sản phẩm OCOP xuất khẩu sang các thị trường khó tính
Tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều Hội chợ trưng bày các sản phẩm OCOP, xúc tiến đầu tư... để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho các chủ thể.

Bên cạnh đó, hàng năm, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Văn phòng Điều phối NTM tỉnh và các sở, ngành, các tổ chức đoàn thể - xã hội, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách công tác triển khai Chương trình OCOP và nâng cao năng lực cho chủ thể, hội viên về tổ chức sản xuất, kỹ năng quản trị, an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, môi trường sản xuất, bao bì, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, thành phần hồ sơ minh chứng; đồng thời; đồng thời, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ tư vấn OCOP để hỗ trợ các địa phương, chủ thể triển khai hiệu quả Chương trình.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và chuyển đổi số

Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử là một giải pháp trong hoạt động xúc tiến thương mại giúp sản phẩm tiếp cận với người tiêu dùng. Trên cơ sở đó, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều đợt xúc tiến, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các siêu thị trong tỉnh và ngoài tỉnh; định kỳ hàng năm tổ chức các gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch của TP. Sầm Sơn, TP. Thanh Hoá…; phát triển các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh; biên tập và phát hành cuốn catalogue và cuốn Bản tin sản xuất, thị trường và tiêu thụ sản phẩm OCOP để giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP tỉnh.

Thanh Hóa nỗ lực đưa các sản phẩm OCOP xuất khẩu sang các thị trường khó tính
Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay tỉnh Thanh Hóa đã có 487 sản phẩm OCOP và vươn lên đứng thứ 2 toàn quốc về số lượng sản phẩm OCOP.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông sản phẩm OCOP, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị; các chủ thể OCOP ngày càng hoàn thiện nâng cao chất lượng được người tiêu dùng tin dùng; đáp ứng được tiêu chí của các siêu thị, nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Năm 2024, tiếp tục quan tâm đào tạo, tập huấn và hỗ trợ xây dựng video, xây dựng thương hiệu để các chủ thể OCOP quảng bá trên nền tảng kỹ thuật số và mạng xã hội.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về những giải pháp của tỉnh Thanh Hóa trong việc đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm OCOP sang các thị trường truyền thống cũng như thị trường mới, ông Bùi Công Anh, Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục tuyên truyền Chương trình OCOP trên các báo, đài trung ương và địa phương; trên các trang thông tin điện tử, website và trên các trang mạng xã hội; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, tư vấn, chủ thể OCOP về quan điểm, mục tiêu, nội dung của Chương trình OCOP; hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ phát triển sản phẩm OCOP để giảm chi phí cho các Chủ thể trong quá trình lập hồ sơ đề nghị công nhận, công nhận lại, nâng hạng sản phẩm OCOP.

Thanh Hóa nỗ lực đưa các sản phẩm OCOP xuất khẩu sang các thị trường khó tính

Năm 2024, tỉnh Thanh Hoá phấn đấu có thêm 120 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 13 sản phẩm 4 sao, còn lại là 3 sao.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các sản phẩm được công nhận OCOP. Đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt là gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ; triển khai hiệu quả Kế hoạch Chương trình OCOP năm 2024. Tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông, và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP.

Tiếp tục hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; phát huy hiệu quả các điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP; hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh tế. Kết nối các sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia xúc tiến thương mại quốc tế, mở rộng thị trường mới có tiềm năng.

 
Tác giả: Hoàng Minh
Nguồn: https://congthuong.vn/thanh-hoa-xuat-khau-san-pham-ocop-sang-cac-thi-truong-kho-tinh-323995.html
Tin liên quan