Sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép hoạt động du lịch trở lại, lượng du khách đi du lịch trong nước tăng mạnh trong hai kỳ nghỉ vừa qua. Ngoài công tác đảm bảo an ninh trật tự các địa phương còn chú trọng cả công tác bảo đam vệ sinh ATTP.
Chú trọng công tác vệ sinh ATTP ở nhiều địa phương
Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Quảng Ninh đã đón nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước. Ngoài việc đảm bảo các yếu tố về an ninh, trật tự, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cũng được tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị làm dịch vụ hết sức chú trọng.
Để bảo đảm VSATTP mùa du lịch, tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm. Đồng thời, tuyên truyền đến các nhà hàng, khách sạn, quán ăn trên địa bàn thực hiện nghiêm công tác đảm bảo VSATTP.
Để bảo đảm VSATTP trong dịp nghỉ lễ và mùa du lịch, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh đã ban hành kế hoạch đảm bảo ATTP tới các cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, kinh doanh đường phố ở những khu du lịch tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, duy trì đường dây nóng 0901.815.815 trực 24/24h để tiếp nhận những phản ánh về VSATTP.
Thực hiện kế hoạch được giao, trong những ngày vừa qua, đoàn liên ngành cấp tỉnh với nòng cốt là Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở Công thương, Sở NN&PTNT, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tổ chức đi kiểm tra, giám sát công tác an toàn thực phẩm tại các địa phương, nhất là những nơi thu hút đông du khách về tham quan, nghỉ dưỡng trong dịp 30/4 - 1/5 cũng như xuyên suốt mùa du lịch biển năm 2022.
Bà Đào Thị Phương - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Trưởng đoàn liên ngành tỉnh cho biết: “Trong những ngày qua đoàn đã đến kiểm tra tại nhiều cơ sở nhà hàng, khách sạn, quán ăn ở các điểm phục vụ du khách. Ngoài các nội dung liên quan đến quy định thủ tục hành chính về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đoàn tập trung kiểm tra các điều kiện về trang thiết bị, dụng cụ, con người, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm… Khi phát hiện sai phạm, cùng với nghiêm túc xử phạt thì điều quan trọng nhất là hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở kịp thời khắc phục tồn tại, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm phục vụ du khách, tránh xảy ra các sự cố về an toàn thực phẩm, ảnh hưởng lớn đến môi trường phát triển du lịch tỉnh nhà”.
Lễ hội du lịch biển 2022 là một trong những sự kiện đánh dấu mốc cho sự trở lại của ngành du lịch Bình Định sau thời gian dài bị đình trệ vì đại dịch COVID-19. Bên cạnh các hoạt động thu hút du khách thì vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng đang được các cấp, các ngành đặt lên hàng đầu.
Kéo dài trong vòng 1 tháng và xuyên suốt tháng an toàn vệ sinh thực phẩm của năm nay, Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh Bình Định tập trung kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn thành phố Quy Nhơn. Bên cạnh việc kiểm tra giấy tờ, chứng chỉ cần thiết thì đoàn chú trọng kiểm tra thực tế tại các bếp ăn. Có như vậy mới kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những thiếu sót của cơ sở trong quá trình bảo quản, chế biến thức ăn.
Sau 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động du lịch của Bình Định gần như ngưng trệ, đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống cũng chịu ảnh hưởng nhiều. Do vậy, xác định một khi ngành du lịch trở lại hoạt động bình thường sẽ đón một lượng du khách khá đông đền với Bình Định. Cơ hội cũng là thách thức, bởi nếu chỉ một sự cố nhỏ có thể gây ảnh hưởng đến thiện chí của du khách, do đó, nhiều cơ sở lại càng ý thức hơn trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã rất chú trọng trogn việc kiểm tra vệ sinh ATTP để không xảy ra những điều đáng tiếc, tuy nhiên trong quá trình tham quan du lịch, du khách cũng cần phải nắm chắc một số phương pháp để xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm.
Cách xử lý ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch mùa hè
Nguyên nhân bị ngộ độc thức phẩm là do dó rất nhiều loại vi sinh vật có thể gây nên NĐTP trong đó phải kể đến vi khuẩn, vi nấm và nấm. Vi khuẩn hay gặp nhất trong NĐTP là vi khuẩn tả (V. Cholerae) và họ vi khuẩn đường ruột. Vi khuẩn tả là loại vi khuẩn có khả năng sống trong môi trường nước và thực phẩm khá lâu. Chúng có khả năng phát triển nhanh chóng và lây lan mạnh cho nên rất dễ gây nên dịch bệnh.
Do đó trong quá trình đi du lịch, nếu chẳng may có dấu hiệu bị ngộ độc thức ăn cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp sơ cứu ngay lập tức nhằm giảm thiểu ảnh hưởng, tác động xấu đến sức khỏe.
Gây nôn: Đối với những người có triệu chứng ăn phải thực phẩm nhiễm độc cần lập tức dùng mọi biện pháp kích thích nôn hết những thức ăn ra khỏi dạ dày. Có thể dùng ngón trỏ đã được rửa sạch ép vào góc lưỡi người bệnh gây nôn hoặc pha nước muối ấm để kích thích người bệnh nôn càng nhiều càng tốt nhằm hạn chế các loại độc tố ngấm vào cơ thể.
Trong quá trình gây nôn cần chú ý:
- Để người bệnh nằm nghiêng; kê cao phần đầu để chất độc không bị trào ngược vào phổi, hạn chế nguy cơ người bệnh tử vong do sặc hoặc ngạt thở.
- Đối với trẻ em, cần khéo léo tránh gây xước cổ họng trẻ.
Có thể giữ lại những mẫu thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, thậm chí giữ cả những mẫu thức ăn người bệnh vừa nôn để có thể xác định chính xác nguyên nhân gây ngộ độc.
Bù nước: Cần bù nước, cho người bị ngộ độc thực phẩm uống nước vì bị ngộ độc thực phẩm có thể nôn và tiêu chảy nhiều lần dẫn đến mất nước. Nghỉ ngơi và có thể bù nước cho người bệnh bằng dung dịch oresol được pha theo chỉ dẫn.
Cần đến ngay cơ sở y tế nếu có một hay nhiều triệu chứng:
- Sốt
- Khi đi ngoài có lẫn máu trong phân
- Tiêu chảy kéo dài hơn 72h và hoặc nôn mửa nhiều lần, có dấu hiệu mất nước nặng: choáng váng khi thay đổi tư thế, yếu cơ, giảm lượng nước tiểu...
Phòng ngộ độc thực phẩm mùa du lịch
Phòng tránh NĐTP người dân nên ý thức thực hiện:
- Chọn hàng quán có uy tín, có lượng khách đông khi đi ăn
- Rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước mỗi bữa ăn.
- Tuyệt đối không ăn thức ăn chưa nấu chín như tiết canh, nem chua, nem chạo, gỏi...
- Nước uống và chế biến thực phẩm phải là nước sạch. Không nên ăn rau sống kể cả các loại rau dùng ăn kèm trong ăn phở, bún chả, thịt nướng, thịt chó...
- Không nên ăn hoặc uống các loại thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo vệ sinh như nước đá cây, nước mía bán vỉa hè, kem bán dạo.
- Những loại thực phẩm hoặc thức ăn chín khi nghi ngờ không đảm bảo chất lượng và VSATTP thì tuyệt đối không mua. Những người đi du lịch hay người dân khi thấy các loại thức ăn đã chế biến sẵn nghi ngờ không đảm bảo vệ sinh thì tuyệt đối từ chối sử dụng
Đối với nhà hàng, khách sạn: Cần hướng dẫn và có theo dõi vấn đề thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm:
- Chọn thực phẩm, thức ăn có nguồn gốc rõ ràng
- Các loại thực phẩm cần phải nấu chín và khi chưa dùng đến hoặc thực phẩm thừa trong các bữa ăn muốn giữ lại thì chỉ để ở nhiệt độ của phòng không quá 2 giờ và sau đó cần cho vào bảo quản ở vào tủ lạnh.
- Các loại rau, quả cần ngâm vào nước sạch và rửa thật kỹ trước khi đưa vào chế biến (rau) hoặc ăn (trái cây).
Để một mùa du lịch bình an và các du khách yên tâm khi đến các địa điểm du lịch, ngoài việc kiểm tra của các cơ quan chức năng các cửa hàng kinh doanh ăn uống cũng phải nêu cao trách nhiệm của mình đối với sự an toàn sức khỏe của du khách.