Theo thống kê trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện có 6 khu công nghiệp, tập trung khoảng hơn 400 dự án của doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đầu tư |
Việc thành lập mô hình “Tổ tự quản công nhân khu nhà trọ” đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Công đoàn tuyên truyền, phổ biến pháp luật góp phần nâng cao nhận thức của công nhân lao động, từ đó hạn chế xảy ra các vụ tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Tổ tự quản - cánh tay nối dài của LĐLĐ
Được triển khai xây dựng từ năm 2010, mô hình “Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ” trên địa bàn TP Đà Nẵng đi vào hoạt động như cánh tay nối dài của LĐLĐ bảo vệ hàng nghìn công nhân lao động ngoại tỉnh, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho công nhân lao động (CNLĐ) tạm trú tại địa phương; phòng chống tội phạm, xây dựng lối sống lành mạnh, không để vướng vào các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng các khu nhà trọ đảm bảo an toàn về an ninh trật tự (ANTT).
Theo thống kê trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện có 6 khu công nghiệp, tập trung khoảng hơn 400 dự án của doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đầu tư, với khoảng 70 nghìn công nhân, người lao động. Nhìn chung, số lao động trải đều trên địa bàn thành phố nhưng địa phương có số công nhân lao động tập trung đông nhất là các quận: Liên Chiểu, Cẩm Lệ và Sơn Trà.
Trên 60% công nhân làm việc trong các khu công nghiệp là người ngoại tỉnh, xuất thân từ nông thôn. Thực tế trên đòi hỏi các cấp, các ngành cần quan tâm giải quyết những bức xúc của công nhân ở các khu công nghiệp như về nhà ở, nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần, đảm bảo an sinh xã hội, các vấn đề an toàn lao động, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động...
Một trong những mô hình phát huy hiệu quả của LĐLĐ thành phố Đà Nẵng thời gian qua là mô hình “Tổ tự quản công nhân khu nhà trọ”. Đây là kênh thông tin quan trọng của tổ chức Công đoàn nhằm kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng những vấn đề bức xúc từ công nhân lao động, góp phần đảm bảo an ninh tại địa phương, hạn chế tình trạng đình công trên địa bàn thành phố.
Vừa qua, LĐLĐ quận Cẩm Lệ phối hợp với Công đoàn Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng, Công an quận Cẩm Lệ và lãnh đạo phường Hòa Thọ Tây tổ chức lễ ra mắt 2 tổ công nhân tự quản khu nhà trọ.
Đồng chí Phan Thị Thúy Linh, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng trao tặng cặp loa hiện đại cho 2 tổ tự quản công nhân (Ảnh: P.N) |
Được biết, địa bàn phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) nơi có khu công nghiệp Hòa Cầm, tập trung số lượng lớn công nhân làm việc và tạm trú. Gần đây, tình hình trật tự xã hội tại địa bàn trở nên phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống người dân và các công dân tạm trú.
Do đó, “Tổ tự quản công nhân khu nhà trọ” do Công đoàn tổ chức nhằm phối hợp cùng công an và ngành chức năng tham gia các hoạt động tuyên truyền pháp luật, chính sách và quy định của địa phương góp phần phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm, các tệ nạn xã hội khác và phòng tránh lừa đảo cho công nhân lao động...
Đồng chí Lê Hoàng Vũ, cán bộ Công an phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) cho biết, trong thời gian qua, các tổ tự quản đã làm tốt công tác phát hiện, tố giác và tham gia phòng, chống tội phạm; kịp thời thông tin cho tổ trưởng, công an khu vực những hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Đơn vị thường xuyên trao đổi tình hình ANTT với các tổ tự quản, tổ chức tuyên truyền ít nhất 3 tháng một lần về tình hình ANTT trên địa bàn xung quanh khu nhà trọ; tình hình các loại tội phạm, ma túy, mại dâm và lồng ghép tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về lao động, về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ.
Chị Nguyễn Thị Diệu Hiền (quê Quảng Nam) là công nhân Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, đang sinh sống tại khu nhà ở công nhân tại khu công nghiệp Hòa Cầm, chia sẻ, ở đây rất yên tâm, mọi người thường xuyên được nhắc nhở về việc thực hiện nội quy khu trọ, được tuyên truyền về kiến thức pháp luật và cách nhận biết, phòng tránh các loại tội phạm… vì vậy, ANTT được đảm bảo.
“Ở khu trọ này có rất đông trẻ con, trung bình mỗi gia đình có hai con. Nhà tôi chỉ có hai mẹ con nên những lúc tôi tăng ca về trễ hoặc có việc bận có thể nhờ hàng xóm đón và trông con. Tôi nghĩ đây là mô hình rất thiết thực cho công nhân xa quê, làm mẹ đơn thân như mình” chị Hiền nói.
Đa dạng các mô hình hoạt động
Gần 13 năm qua, các cấp Công đoàn thành phố tổ chức hơn 500 buổi tuyên truyền trực tiếp tại các khu nhà trọ với trên 50.000 lượt người tham dự. Nội dung tuyên truyền tập trung vào: Bộ Luật lao động, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Luật Công đoàn, Luật Giao thông đường bộ, các luật có liên quan đến phòng, chống ma túy, tội phạm, tệ nạn xã hội, chăm sóc sức khỏe sinh sản...
Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn cũng tuyên truyền, vận động người lao động cảnh giác trước các âm mưu và hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, xây dựng tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Ông Lê Văn Đại, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng cho hay, bên cạnh công tác bảo đảm ANTT, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người lao động, các thành viên mô hình “Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ” chủ động gắn phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các phong trào khác như “Xóa đói giảm nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”… thường xuyên nhắc nhở công nhân lao động chấp hành tốt pháp luật, các quy định ở địa phương.
Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng trang bị 50 thùng rác phân loại tại nguồn cho các “Tổ tự quản công nhân khu nhà trọ” trên địa bàn quận Liên Chiểu (Ảnh: Đ.Minh) |
Ngoài ra, cùng với chủ nhà trọ hưởng ứng mô hình “Nhà cho thuê không có tội phạm và tệ nạn xã hội” do Công an các quận phát động, từng khu nhà trọ đề ra nội quy, quy định việc cư trú, thường xuyên nhắc nhở nhau nâng cao tinh thần cảnh giác “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, tích cực tham gia tố giác tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội.
Trong thời kỳ công nghệ số, internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, LĐLĐ thành phố Đà Nẵng phối hợp với lực lượng Công an tham mưu, đề xuất thành phố lắp đặt 25 trạm phát wifi miễn phí tại các khu nhà trọ; phát 60 tờ báo Lao động hàng ngày để công nhân lao động xem, nghe, nắm bắt thông tin thời sự trong nước và địa phương.
Cung cấp các tài liệu, sách báo, truyện đọc cho các tủ sách tại khu trọ, duy trì chuyên mục “Lao động và Công đoàn” trên Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng và báo Đà Nẵng; nâng cấp cổng thông tin điện tử, lập fanpage Công đoàn thành phố, chỉ đạo lập 11 fanpage của Công đoàn ngành, quận, huyện và hơn 600 trang, nhóm của Công đoàn cơ sở.
Nhờ đó, người lao động ở các khu nhà trọ được cung cấp thông tin từ nhiều kênh chính thống, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, trang bị thêm kiến thức và hiểu biết về pháp luật.
Sự tương tác, chia sẻ thông tin trên mang xã hội đã giúp người lao động biết thêm về chính sách của các doanh nghiệp để lựa chọn việc làm tốt, biết thêm về các hoạt động của các cấp Công đoàn, tạo sự gắn kết hơn giữa đoàn viên, người lao động với tổ chức Công đoàn.
LĐLĐ thành phố Đà Nẵng thường xuyên tổ chức sân chơi giúp đoàn viên hiểu hơn các quy định trong Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và các chính sách lao động nữ (Ảnh: Đ.Minh) |
Đảm nhận vị trí Tổ trưởng Tổ tự quản công nhân số 22, chị Nguyễn Thị Thùy Vân chia sẻ: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của chính quyền địa phương để các thành viên trong tổ biết và cùng thực hiện.
Đồng thời, các cơ sở nắm tình hình, không để xảy ra mất đoàn kết, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại nơi cư trú. Các diễn biến phức tạp có liên quan đến tình hình an ninh trật tự trong tổ sẽ được kịp thời thông báo cho Công an khu vực và Công an phường".
Do đặc điểm của công nhân ở các khu công nghiệp phải làm theo ca, kíp, vì vậy việc đi lại diễn ra cả ngày lẫn đêm. Số công nhân tạm trú thuê trọ thường xuyên không cố định rất khó khăn trong công tác quản lý.
Tình hình an ninh trật tự trong các tổ dân phố nơi có công nhân thuê trọ có chiều hướng ngày càng phức tạp, nhất là phát sinh những mâu thuẫn trong quan hệ, sinh hoạt, vay nợ, tệ cờ bạc, lô đề, trộm cắp tiềm ẩn phức tạp.
Trước tình hình đó, mô hình “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân ra đời” đã phát huy tác dụng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự.