Sản phẩm Tương ớt Đồng Cam của HTX Hòa Hội là sản phẩm OCOP 3 sao |
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Hòa Hội (HTX Hoà Hội) đã xây dựng thành công mô hình trồng ớt chỉ thiên theo chuỗi liên kết tiêu thụ, chế biến sản phẩm; giúp nông dân nâng cao thu nhập, an tâm trồng ớt.
Theo ông Phạm Tấn Thơ, Giám đốc HTX Hòa Hội, trước đây bà con nông dân trồng ớt trên địa bàn xã chủ yếu canh tác theo tập quán, kinh nghiệm; còn lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật quá mức, ảnh hưởng đến chất lượng ớt.
Năm 2022, HTX Hoà Hội bắt đầu liên kết với các hộ dân trồng ớt chỉ thiên theo tiêu chuẩn VietGAP và bao tiêu đầu ra ổn định. Dưới sự tổ chức của HTX Hoà Hội và hỗ trợ của chính quyền địa phương, hoạt động sản xuất của các hộ trồng ớt tại Hòa Hội từng bước chuyên nghiệp hóa, khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh. Bà con nông dân đã tuân thủ đúng quy trình sản xuất sạch, bảo đảm chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hiện địa phương đã xây dựng bản đồ vùng nguyên liệu ớt mang nhãn hiệu tập thể Hòa Hội với tổng diện tích 50ha, đã được huyện và tỉnh Phú Yên phê duyệt. Để giúp nông dân trên địa bàn phát triển cây ớt bền vững, trong năm 2024, HTX Hoà Hội đã xây dựng vùng trồng ớt VietGAP với diện tích được chứng nhận 2ha, sản lượng 80 tấn/năm. Đồng thời, HTX Hoà Hội cũng đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên cấp mã số vùng trồng và chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trên cây ớt.
Theo Giám đốc HTX Hòa Hội, bên cạnh hướng dẫn nông dân trồng ớt VietGAP, hiện nay, HTX Hoà Hội đã ký kết với Công ty TNHH Nông sản Khải Hiền tại TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) để cung cấp ớt nguyên liệu cho công ty.
Nhờ trồng ớt VietGAP, bà con có thể chăm sóc để thu quả lần 2 mà không phải trồng lại |
Cùng với đó, HTX Hoà Hội cũng đang tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nhân rộng quy mô trồng ớt trên địa bàn. HTX Hoà Hội hiện cũng đã nghiên cứu, chế biến sản phẩm với thương hiệu đăng ký “Tương ớt Đồng Cam”.
“Khi xưởng chế biến sản phẩm từ quả ớt của HTX Hoà Hội đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ liên kết, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con với giá bình quân khoảng 15.000 đồng/kg để bà con yên tâm trồng ớt”, Giám đốc HTX Hòa Hội chia sẻ.
Hiện nay, HTX Hòa Hội trồng giống ớt chỉ thiên lai F1. Thời gian ươm hạt đến khi thu hoạch lứa đầu khoảng 100 ngày, năng suất đạt 25 - 30 tấn/ha. Trái non có màu xanh sáng, trái chín có màu đỏ cam, thích hợp cho thị trường xuất khẩu và phơi khô.
Theo ông Phạm Tấn Thơ, vào mùa thu hoạch rộ, giá bán ớt tươi thấp. Vì vậy, HTX Hoà Hội thu mua ớt của bà con để chế biến tương ớt, tạo điều kiện cho các thành viên và người dân địa phương an tâm mở rộng diện tích trồng để tăng thu thập mà không còn lo được mùa mất giá. Ớt tươi sau khi thu hoạch sẽ được bỏ cuống, làm sạch, để ráo nước rồi xay cùng với tỏi cho vào thùng ủ khoảng 2 tháng và thường xuyên phải đảo thùng tương ớt từ 1 tới 2 lần/ngày để tránh hiện tượng lên men khi ủ ớt trong thời gian dài.
Theo ông Thơ, bình quân 1kg ớt, sau khi chế biến sẽ cho ra được hơn 6 chai tương ớt thành phẩm trọng lượng 200g, bán với giá 20.000 đồng/chai. Tương ớt được chế biến theo cách truyền thống luôn giữ được sắc đỏ đặc trưng, có vị rất cay, hương thơm nồng kèm chút vị chua, rất thích hợp làm gia vị trong chế biến các món ăn nên được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh chuộng mua về sử dụng.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hòa Hội trồng giống ớt chỉ thiên lai F1 |
Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hội cho biết, sau khi HTX Hòa Hội làm đề án phát triển cây ớt chỉ thiên theo chuỗi giá trị, HĐND huyện Phú Hòa đã phê duyệt và có quyết định hỗ trợ cho đơn vị đầu tư xây dựng xưởng chế biến sản phẩm từ trái ớt với diện tích 40m2. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã thống nhất đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ về việc cho phép HTX Hoà Hội sử dụng địa danh Đồng Cam và xác nhận bản đồ khu vực địa lý tương ứng với địa danh để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể tương ớt Đồng Cam.
Được biết, sở dĩ HTX Hoà Hội làm được tương ớt như hiện nay, nhờ một phần hỗ trợ đến từ Công ty Cổ phần TTP Phú Yên (TTP Phú Yên). TTP Phú Yên đã cắt cử chuyên gia cố vấn, định hướng làm sản phẩm OCOP trên cây ớt; đồng thời sử dụng quỹ phát triển an sinh của TTP Phú Yên tại xã Hoà Hội, để giúp nông dân thuộc diện giải toả đất làm dự án năng lượng mặt trời, phát triển các mô hình sinh kế.
Cụ thể, TTP Phú Yên đã hỗ trợ kinh phí cho cán bộ HTX Hoà Hội đi học cách chế biến tương tại HTX tương ớt Mường Khương tỉnh Lào Cai. Sau đó, công ty này tiếp tục hỗ trợ 50% kinh phí làm VietGAP trên cây ớt cho HTX Hoà Hội.
Đến nay, khi sản phẩm tương ớt Đồng Cam đã được Hội đồng thẩm định OCOP huyện Phú Hòa đánh giá và cấp giấy chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, TTP Phú Yên cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các khoản vay tài chính để HTX Hoà Hội mua sắm trang thiết bị máy móc. Với mục đích sau này, HTX Hoà Hội phải ưu tiên số 1 cho các hộ dân có đất đã được giải toả, phục vụ dự án năng lượng mặt trời của TTP Phú Yên như: Bao tiêu sản phẩm, hoặc tuyển dụng họ vào làm trong xưởng sản xuất tương ớt của HTX Hoà Hội.