"Làm mới" chương trình
Là địa chỉ quen thuộc được nhiều phụ huynh tin tưởng tìm đến để đăng ký cho con mình tham gia các hoạt động, các khóa học trong dịp hè, năm nay, Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh đã đổi mới nội dung chương trình để phù hợp với nhu cầu của các em. Theo đó, đơn vị chú trọng vào từng bộ môn, từng lĩnh vực khác nhau để xây dựng trên 40 loại hình lớp học năng khiếu sở thích với 6 khung giờ lựa chọn từ 5 giờ 30 đến 21 giờ hằng ngày. Ngoài các lớp như: Hát, múa, MC, đàn, hội họa, bóng rổ, cầu lông, võ thuật…, năm nay Nhà Văn hóa còn bổ sung thêm nhiều lớp học mới như lớp đàn tranh, lân sư rồng, lớp Toán tính nhẩm.
Thiếu nhi tham gia trò chơi team building tại khuôn viên Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh. |
Các lớp kỹ năng sống cũng được tổ chức thường xuyên với rất nhiều chủ đề khác nhau, đa dạng theo nhu cầu và lứa tuổi. Ngoài hai lớp Học kỳ quân đội tổ chức tại Đắk Lắk, đây là năm đầu tiên đơn vị triển khai lớp Học kỳ Hải quân tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đây được xem là môi trường đào tạo để trở thành người chiến sĩ thực thụ, tất cả các chế độ sinh hoạt, huấn luyện được thực hiện một cách hoàn toàn khác biệt với nhiều nội dung hấp dẫn, thú vị.
Mùa hè năm nay, Ngôi nhà trí tuệ (thôn Hiệp Hưng, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều bạn nhỏ ở địa phương. Công trình Ngôi nhà trí tuệ do vợ chồng thầy giáo Mai Văn Chuyền thực hiện vừa được hoàn thành vào tháng 5/2023. Đây là nơi mọi người, đặc biệt là các em nhỏ có thể vừa học vừa chơi, được chia sẻ, hỗ trợ giải đáp những thắc mắc, khó khăn trong những bài học tại trường lớp cũng như nhiều vấn đề các em quan tâm, băn khoăn trong cuộc sống hằng ngày.
Đến đây, không chỉ được đọc sách, tập luyện các môn thể thao như bóng bàn, cờ vua miễn phí, các bạn nhỏ còn được tham gia các lớp học chuyên đề trau dồi kỹ năng sống với nhiều chủ đề như: hiểu về lòng nhân ái, các phương pháp học tập hiệu quả, phương pháp ghi nhớ, lập bản đồ tư duy, thiết lập mục tiêu, sử dụng thời gian, kiểm soát cơn giận, bảo vệ sức khỏe, biết cách quản lý tiền bạc… Ngoài ra các em còn được học về cách trồng trọt, may vá, nấu ăn, làm bánh, thổi sáo, lắp ráp dụng cụ điện và sử dụng điện an toàn. Các buổi học này do nhiều thầy cô giáo tại địa phương và từ nhiều vùng miền trong nước tham gia truyền đạt.
Xây dựng sân chơi bổ ích, an toàn
Bước vào kỳ nghỉ hè, nhu cầu vui chơi, vận động của thanh thiếu nhi rất lớn. Nắm bắt được điều này, Tỉnh Đoàn, Hội đồng Đội tỉnh đã lên kế hoạch tổ chức nhiều chương trình hoạt động thiết thực, hướng các bạn nhỏ vào những hoạt động lành mạnh, bổ ích.
Tập huấn phòng, chống đuối nước cho học sinh tại xã Ea Trul (huyện Krông Bông). |
Theo đó, tổ chức Đoàn - Hội - Đội tại các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho thiếu nhi về các kỹ năng phòng, tránh tai nạn, thương tích. Trong đó đặc biệt chú trọng mở lớp học bơi, học kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Các đơn vị tăng cường truyền thông, cảnh báo, hướng dẫn các em sử dụng thiết bị công nghệ thông minh phù hợp, phục vụ học tập, vui chơi giải trí lành mạnh; tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục cho các em về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” bằng những việc làm ý nghĩa; giáo dục cho các em về truyền thống cách mạng; xây dựng thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc; thực hiện các chương trình trải nghiệm, chương trình giáo dục kỹ năng cho thiếu nhi như trại hè, lãnh đạo trẻ tương lai…
Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn, Đội các phường, xã phối hợp với các trường học, cơ sở giáo dục bàn giao, tiếp nhận, quản lý trẻ em về sinh hoạt tại gia đình, địa bàn dân cư; tích cực vận động các nguồn lực để xây dựng, cải tạo các điểm sinh hoạt, vui chơi giải trí cho trẻ em; hỗ trợ, giúp đỡ các em thuộc gia đình nghèo, gia đình người có công, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm bảo đảm mọi trẻ em đều có cơ hội được học tập và phát triển toàn diện...
Tuy nhiên trên thực tế, các điểm vui chơi giải trí dành riêng cho trẻ em trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, mới chỉ tập trung ở các khu vực trung tâm các địa phương. Với những địa bàn có điều kiện kinh tế còn khó khăn thì việc tiếp cận với các hoạt động này đối với các em nhỏ dường như vẫn còn xa vời. Thiết nghĩ, để từng bước giải bài toán sân chơi cho trẻ em trong dịp hè, các địa phương cần sớm có kế hoạch duy tu, tôn tạo, xây dựng mới các điểm vui chơi an toàn, thân thiện đối với trẻ. Căn cứ vào tình hình thực tế để tổ chức các hoạt động với nội dung bổ ích, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp nhu cầu của trẻ.
Anh Phương