Triển khai công tác phòng, chống thiên tai tới xã, phường, thị trấn

Sáng 14/5, Ban Tuyên giáo Thành uỷ phối hợp cùng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) TP Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác PCTT&TKCN các xã, phường, thị trấn năm 2024.

 

Triển khai công tác phòng, chống thiên tai tới xã, phường, thị trấn
Quang cảnh hội nghị

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Nguyễn Văn Quyến, trong năm 2023, công tác PCTT&TKCN trên địa bàn Hà Nội đã được triển khai toàn diện, có nhiều kết quả nổi bật. Công tác phòng ngừa, ứng phó đã được chuẩn bị, triển khai hiệu quả, nhanh chóng, giúp hạn chế thấp nhất thiệt hại do các loại hình thiên tai gây ra.

Dù vậy, ngay từ những tháng đầu năm 2024, dù mới chuẩn bị bước vào mùa mưa bão nhưng Hà Nội đã trải qua nhiều đợt nắng nóng, mưa dông, lốc. Gần đây nhất có thể kể đến trận dông lốc vào tối ngày 20/4/2024 khiến 56 nhà dân bị tốc mái, hơn 6.000 cây xanh, cây ăn quả, cây lấy gỗ bị gãy đổ…Đáng lo ngại, diễn biến thiên tai từ nay đến cuối năm 2024 được nhận định sẽ còn rất phức tạp.

Tại hội nghị, Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ) Đinh Hữu Dương đã thông tin về tình hình thời tiết, thiên tai năm 2024. Theo đó, khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của 2 - 3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Nhiệt độ trung bình cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1,5 độ C.

Trong năm, nắng nóng sẽ xảy ra nhiều hơn so với trung bình nhiều năm, tập trung từ tháng 6 - 8/2024. Toàn mùa có từ 6 - 8 đợt mưa lớn diện rộng. Khả năng sẽ xuất hiện từ 3 - 5 đợt lũ, trong đó có 1 - 3 đợt lũ lớn trên sông Đáy và các sông nội tỉnh. Đỉnh lũ dự kiến sẽ cao hơn so với năm 2023.

Tiếp đó, đại diện Chi cục Thuỷ lợi và Phòng chống tiên tai cũng thông tin về công tác PCTT& TKCN năm 2024; một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm để ứng phó chủ động với sự cố thiên tai năm 2024.

Triển khai phòng chống thiên tai đến từng xã, phường, thị trấn
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến thông tin tại hội nghị

Từ các hoạt động thực tiễn và kết quả công tác ở mỗi địa phương, đơn vị, các đại biểu cũng đã tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm hay, hiệu quả; đồng thời, phân tích, dự báo, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung trong thời gian tới nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đào Xuân Dũng đánh giá, diễn biến thiên tai những tháng đầu năm 2024 cho thấy nguy cơ tác động rất lớn đến đời sống người dân. Do đó, các cấp chính quyền và Nhân dân không được phép chủ quan.

Để ứng phó hiệu quả với thiên tai, các đơn vị phải xác định nhiệm vụ phòng ngừa, khắc phục hậu quả do thiên tai là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng, nhất là trong mùa mưa bão; huy động sức mạnh của toàn dân, sử dụng sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị để “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả” trong mọi tình huống.

Cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Ban Tuyên giáo các cấp tập trung triển khai tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần chủ động huy động nguồn lực thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, cơ sở vật chất theo phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, sự cố; thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, các trọng điểm và vị trí xung yếu, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, cháy, nổ, sập đổ công trình ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư...

Các đơn vị, địa phương cũng cần kết hợp tuyên truyền, vận động với phát hiện kịp thời, ngăn chặn và tham mưu kiên quyết xử lý có hiệu quả ngay tại cơ sở những hành vi vi phạm Luật Đê điều, Luật phòng, chống thiên tai, Luật Thủy lợi…từ khi mới phát sinh; đặc biệt là những địa phương, cơ quan, đơn vị ở ven đê.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ cũng đề nghị các cơ quan báo chí TP tích cực phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức tuyên truyền cổ động trực quan, thông tin thường xuyên về tình hình thiên tai; tăng thời lượng tin bài, các hình thức tuyên truyền, tình hình xử lý các vụ việc vi phạm Luật Đê điều, Luật phòng, chống thiên tai, Luật Thủy lợi; chú trọng thời điểm và chất lượng nội dung tuyên truyền đảm bảo hiệu quả nhất.

Link bài gốc Copy link
 
Tác giả: Hạnh Nguyên
Nguồn: http://tuoitrethudo.com.vn/https://tuoitrethudo.vn/trien-khai-cong-tac-phong-chong-thien-tai-toi-xa-phuong-thi-tran-249609.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật